Không chỉ riêng Phương mà cả gia đình, anh em họ hàng, bạn bè, chòm xóm đều ngóng trông một bữa cơm đoàn viên kể từ ngày con trai bị cướp biển bắt cóc. Sau gần 4 năm làm con tin, Phương trở về bằng da, bằng thịt trước sự chờ đón của hàng trăm con người.
Mẹ đổ bệnh vì ngóng tin con bị cướp biển bắt cóc
Cuối chiều 26/10, nhận được tin thuyền viên Phan Xuân Phương (SN 1989, trú tại xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) trở về sau gần 4 năm bị cướp biển Somalia bắt cóc, hàng trăm người dân đổ về đón anh. Ai cũng lao ra đầu ngõ để được nhìn thấy Phương, được nắm lấy bàn tay, để ôm những cái ôm thật chặt sau 4 năm xa cách không có thông tin. Những giọt nước mắt ngắn dài mừng mừng tủi tủi sau bao tháng ngày xa cách…
Trước đó, năm 2011, gia đình nộp tiền cọc để Phương đi XKLĐ tại Đài Loan làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ với mức lương 300 USD/tháng. Ngày 5/4/2011, Phương làm thủ tục xuất cảnh đi XKLĐ trên tàu Na Ham 3 của chủ tàu người Đài Loan với công việc là đánh bắt cá trên biển. Vì điều kiện làm việc trên biển còn thiếu thốn nên từ ngày lên xuất cảnh sang Đài Loan, Phương chỉ gọi điện thoại được hai lần về cho gia đình.
Tháng 5/2012, gia đình nhận được cuộc điện thoại của con thông báo bị cướp biển Somalia bắt giữ khi đang đánh bắt cá trên tàu cùng 25 thuyền viên khác. “Lúc đó là nửa đêm, tui nhận được điện thoại của thằng Phương nói giọng yếu ớt “Cứu con với cha ơi, thuyền trưởng bị bắn chết, con thì bị xích lại trên tàu cùng anh em. Muốn chuộc con phải đưa cho chúng 60.000 USD, nếu không sẽ bị giết…”, ông Phạm Xuân Linh- bố Phương kể lại. Tháng 8 và tháng 12/2012, ông Linh tiếp tục nhận được hai cuộc điện thoại của con với nội dung tương tự.
Nhận được tin báo, cả nhà như ngồi trên đống lửa, hết chạy ngược chạy xuôi để ngón tin con, ai cũng biết cướp biển Somalia là những tên cướp hung tợn nhất mà ai cũng khiếp sợ. Vì thế, khi biết tin Phương rơi vào tay cướp biển thì ai cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bao nhiêu lần bỏ dở công việc, ngược xuôi cầu cứu nhiều cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa con về nhưng bất thành. Số tiền chuộc quá lớn gia đình cũng không thể xoay xở được để chuộc con về.
Thuyền viên Phan Xuân Phương vỡ òa niềm vui bên gia đình, người thân |
Vì thương con, bà bà Lê Thị Hòa (SN 1956, mẹ anh Phương) đã đổ bệnh vào năm 2014 nằm một chỗ không thể đi lại được do chứng tai biến. Đến ngày 22/10/2016, sau khi đã đạt được thoả thuận, nhóm cướp biển Somalia đã trao trả toàn bộ con tin cho cơ quan chức năng của các nước có người bị bắt cóc.
Đoàn viên sau gần 4 năm bị bắt cóc
Ngày 24/10, xem ti vi nói có tên con trai là một trong ba người Việt Nam được Somalia trả tự do, cả gia đình không dám tin đó là sự thật. Phải đến khi xem trên tivi thấy đúng là có Phương con trai mình đang sống thì cả nhà mới vỡ òa vì sung sướng. Ngày 25/10, ông Linh cùng một số anh em họ hàng ra Hà Nội đón con trai trở về nước, sau khi làm các thủ tục và kiểm tra sức khỏe cả mấy cha con vội vàng trở về nhà.
Bà Hòa được mọi người đẩy xe lăn ra cổng nhà đón con. Phương ôm chầm lấy mẹ, hai mẹ con òa khóc nức nở. “Tui như chết đi sống lại, trẻ lên được vài chục tuổi rồi, tự nhiên thấy tinh thần sảng khoái, khỏe khoắn hẳn. Đã mấy đêm rồi tui không ngủ được từ khi nhận được tin thằng Phương về”, bà Hòa nói.
Những cái ôm thật chặt, những cái nắm tay, những nụ cười, những câu chào bằng tiếng địa phương mà lâu lắm Phương mới được nghe lại. Gặp lại chàng trai bị bắt cóc gần 4 năm bằng da, bằng thịt ai cũng vui, cũng cười và mừng thay cho gia đình ông Linh bà Hòa.
"Tui chờ cái ngày tháng này từ lâu lắm rồi, cứ tưởng mình không được trở về nhà, trở về quê hương được nữa rồi. Những ngày bị bọn cướp biển bắt giữ, tui vô cùng tuyệt vọng, may được các anh em thuyền viên khác động viên, giúp đỡ nên mới lấy lại được niềm tin sống chờ đợi ngày hôm nay…”, anh Phương xúc động chia sẻ.
Theo anh Phương, trên thuyền có 26 người bị bọn cướp biển bắt cóc nhốt cùng một chỗ nhưng lại chia những thuyền viên ở mỗi quốc gia một phòng riêng. Ba người Việt được nhốt chung một phòng, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. “Khi thì nhốt anh em tui trên tàu đánh cá cũ, lúc thì chúng lại đưa lên bờ nhốt tại nhà hoang. Một ngày bọn cướp biển cho ăn hai bữa, lúc thì ăn bánh mì, lúc thì ăn cơm, đến nước uống cũng không có đầy đủ để uống…”, Phương nhớ lại.
Hỏi về dự định tương lai, Phương cho biết chưa nghĩ đến, mà hiện chỉ muốn ở bên gia đình sau nhau những sóng gió trôi qua. Đến cuối chiều, mâm cơm tối vẫn chưa được dọn lên vì còn rất nhiều người đến hỏi thăm và chúc mừng gia đình thuyền viên Phương.
Chiều 25/10, chuyến bay chở ba thuyền viên người Việt Nam gồm Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân và Phan Xuân Phương được hạn về đến Hà Nội. Tối cùng ngày, hai thuyền viên Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi) cũng về trùng phùng trong nước mắt vui sướng ở quê nhà (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).