Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cuộc làm việc chủ yếu nhằm giải quyết các kiến nghị để làm sao Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật VN có điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ của mình, sáng tạo những tác phẩm lớn.
Thủ tướng cho rằng các ý kiến góp ý của các văn nghệ sĩ tại buổi làm việc thể hiện tâm huyết, trách nhiệm. “Nếu không tâm huyết với Đảng, với cách mạng thì không ai đề nghị rằng hội chúng tôi phải là hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Trong các Nghị quyết của Đảng, giới văn học nghệ thuật Việt Nam thể hiện rõ tinh thần đồng hành, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, giữ vững bản chất cách mạng, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ khát vọng vươn lên của dân tộc, xây dựng lối sống của người Việt Nam. Đây cũng là nòng cốt hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật VN.
Biểu dương các kết quả Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật đã đạt được, Thủ tướng cho rằng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các văn nghệ sỹ.
“Nhân dân mong muốn có nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam xứng tầm hơn nữa, để chiếm lĩnh trận địa văn hóa tư tưởng thông qua văn học nghệ thuật”, Thủ tướng bày tỏ. “Tôi muốn nói một ý rằng chúng ta không chạy theo thị trường nhưng nghiên cứu những xu hướng của thị trường, những nhu cầu của thị trường để đáp ứng yêu cầu của quần chúng là vấn đề rất lớn của từng văn nghệ sĩ và những tổ chức liên quan”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật VN tiếp tục phát huy truyền thống và kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, khó khăn, bám sát tôn chỉ, mục đích và tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu. Đó là chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33 của Trung ương và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị trên tinh thần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách.
Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cả về số lượng và chất lượng, trong đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ. Tăng cường kết nối, trao đổi nghề nghiệp giữa các thế hệ.
Tiếp tục đổi mới hoạt động để nâng cao khả năng tập hợp, tạo môi trường phát huy tiềm năng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.
Tiếp tục nghiên cứu định hướng đổi mới công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật để hoạt động này thực sự có tính khoa học, thuyết phục, hiệu quả hơn.
Đổi mới công tác sáng tác, sưu tầm, có chiều sâu hơn, có trọng điểm, tránh dàn trải, tạo môi trường, không gian thuận lợi cho hoạt động sáng tác, sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tác động lan tỏa trong xã hội.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công bố, phổ biến, quảng bá tác phẩm, trong đó có hợp tác giao lưu quốc tế về văn học nghệ thuật thông qua hình thức thích hợp.
Chủ động, tăng cường và có giải pháp cụ thể để phòng chống sự thâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa và âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Tiếp tục nghiên cứu công tác xã hội hóa, thu hút, vận động tài trợ cho hoạt động văn học nghệ thuật.
Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật VN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về văn học nghệ thuật. “Các đồng chí phải đề xuất, phản biện, trao đổi trong từng chính sách. Và tất nhiên, ngược lại, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần lắng nghe kênh quan trọng này”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh “Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ văn nghệ sĩ nào có những ý tưởng xây dựng đất nước”.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến, giải quyết cơ bản các kiến nghị của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật VN, giải quyết vấn đề kinh phí. Về nhà ở cho văn nghệ sĩ gặp khó khăn, Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội giải quyết vấn đề đất đai, Trung ương hỗ trợ vốn một phần để làm hạ tầng quan trọng, từ đó, xã hội hóa một bước để xử lý vấn đề này.