Những vần thơ “thường trực” nơi cõi thiêng
Ngày 1/7 vừa qua, tấm bia đá khắc bài thơ “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” của Vương Trọng đã được Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) tạc dựng với trọng lượng khoảng 2 tấn, chiều ngang 2m, cao 1,5m, độ dày 12cm.
Nhà thơ Vương Trọng sinh năm 1943 tại xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ông từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, về hưu năm 2007 với quân hàm Đại tá.
Trước đó 26 năm, bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của cùng tác giả cũng được khắc bia đặt tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Từ tấm bia nhỏ ban đầu chỉ 80cmx40cm, tấm bia hiện tại cao 2,5m (đế bia 0,5m), rộng 1m, dày 20cm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, nhà thơ lão thành không khỏi xúc động khi trên hai khu di tích lịch sử lớn của đất nước, ông đã có hai bài thơ “thường trực với linh hồn của hơn 2.000 liệt sĩ thanh niên xung phong, quân đội và đồng bào đã ngã xuống trên hai vùng đất ác liệt này”.
Ngược về quá khứ, hơn nửa thế kỷ trước, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Truông Bồn và Ngã ba Đồng Lộc đều là những vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời cũng là mục tiêu bị địch ngày đêm trút bom đánh phá. Tại Truông Bồn, bình quân một phút rưỡi lại có một quả bom tấn trút xuống. Hàng trăm thôn, làng bị tàn phá. Tại Ngã ba Đồng Lộc, bình quân mỗi m2 đất phải hứng chịu hơn 3 quả bom. Mặt đất biến dạng, không một cành cây, ngọn cỏ, bom chồng bom, hố bom chồng hố bom.
Từ Đồng Lộc đến Truông Bồn
Sinh ra tại vùng đất đỏ lửa miền Trung và trưởng thành, chiến đấu trong bom đạn, nhà thơ Vương Trọng thấm thía nỗi đau xương máu của đồng bào, đồng đội. Nhưng đến hè năm 1995, lần đầu tiên ông mới có dịp về thăm Đồng Lộc trong chuyến đi sáng tác cho Quân khu IV. Khi nén hương lần lượt thắp lên 10 phần mộ và chứng kiến những kỷ vật các cô để lại, ông tự hỏi “nếu 10 cô gái hiển linh, họ sẽ nghĩ như nào”?
Bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc" hoàn thành vào ngày 5/7/1995. “Ở bài thơ này, tôi không nói cảm xúc của nhà thơ khi đến nghĩa trang, mà nói lời thỉnh cầu của 10 liệt sĩ với những người đến viếng”, nhà thơ kể. Ông muốn ca ngợi thêm một lần nữa phẩm chất anh hùng của các liệt sĩ - lòng vị tha, luôn luôn nghĩ về người khác.
Bài thơ đã làm lay động trái tim nhiều người, trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông ở bến phà Cầu Phủ và Ngã ba Đồng Lộc. Ông đã tìm hai cây bồ kết, xin phép trồng ở nghĩa trang như một cách đáp lời “thỉnh cầu” của các nữ liệt sĩ. Với mong muốn nhiều người biết đến bài thơ hơn, bốn năm sau, ngày 14/8/2002, ông xin phép các cơ quan có thẩm quyền và nhà thơ Vương Trọng khắc bài thơ lên tấm bia đá nhỏ dựng cạnh hai cây bồ kết.
Đại tá, nhà thơ Vương Trọng bên tấm bia đá “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”. (Ảnh: NVCC) |
Trải qua thời gian, để thay tấm bia cũ nhỏ và nhiều chữ đã mờ nét, đầu năm 2009, Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh và Ban Quản lý khu di tích liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc đã dựng tấm bia đá như hiện nay, khắc bài thơ bằng tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh của Luật sư Việt kiều Trần Đình Hoành.
Khi tấm bia thơ tại Đồng Lộc được nhiều người biết đến thì nhà thơ Vương Trọng càng thêm trăn trở. Ông kể: “Tôi cảm thấy mình có nợ với Truông Bồn. Truông Bồn cách nhà tôi chỉ 15 cây số, mà thuở xưa cuối năm dân làng tôi vẫn đến đó cắt cỏ về cho trâu, bò “ăn tết””. Nung nấu lòng tri ân với mảnh đất quê hương, năm 2014, ông có chuyến đi thực tế về Truông Bồn. “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” được viết theo thể văn tế đã ra đời vào ngày 15/4/2014, một năm trước khi khánh thành Khu di tích. Tròn 10 năm sau tác phẩm ra đời, tháng 7/2024 vừa qua, Ban Quản lý Khu di tích xin phép nhà thơ khắc bia đá “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” đặt tại đây.