Sáng 24/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thắp hương tại Đài Tổ quốc ghi công, kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Cùng đi với Chủ tịch nước Tô Lâm trong đoàn kiểm tra có Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Văn Nghĩa, ông Tô Ân Xô - Trợ lý Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các đơn vị.
Sáng 24/7, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị tại Nghĩa trang Mai Dịch. (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
Phần mộ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm ở phía phải của Đài Tổ quốc ghi công (Nghĩa trang Mai Dịch), phía sau phần mộ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, gần phần mộ của cố Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ.
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn kiểm tra những công việc quan trọng chuẩn bị cho lễ viếng, truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào 2 ngày 25 và 26/7. |
Trước đó, ngày 23/7, tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bất chấp mưa lớn liên tục đổ xuống do ảnh hưởng của bão số 2, hàng trăm cán bộ, công nhân viên thuộc nhiều đơn vị khác nhau vẫn miệt mài thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị cho Lễ an táng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được chu toàn. Các công tác liên quan đến vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc... được các lực lượng liên quan tích cực triển khai.
Nhân viên Ban Quản lý Nghĩa trang Mai Dịch đang vệ sinh, hoàn thiện một số hạng mục công việc để chuẩn bị Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Znew.vn) |
Công nhân Công ty Công viên cây xanh Hà Nội xén tỉa cây, chăm sóc hàng cây, hoa trong khuôn viên nghĩa trang. (Ảnh: Znew.vn) |
Công nhân Điện lực Hà Nội lắp đặt và kiểm tra hệ thống điện của nghĩa trang phục vụ Lễ an táng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Znew.vn) |
Khu vực nhà bạt phục vụ Lễ an táng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dựng lên ở phía bên phải của Đài Tổ quốc ghi công, phía sau phần mộ của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu... (Ảnh: Znew.vn). |
Tại Hà Nội, để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn Hà Nội cho biết, ngay sau khi thông tin về việc tổ chức Lễ Quốc tang được công bố, nhiều thanh niên Thủ đô đã bày tỏ mong muốn được đăng ký làm tình nguyện viên tham gia phục vụ các nội dung trong thời gian diễn ra Lễ Quốc tang. Tính tới thời điểm hiện tại, con số đăng ký tham gia phục vụ đã trên 4.000 tình nguyện viên.
Thành Đoàn Hà Nội đã xây dựng các phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể; chủ động xã hội hoá các nhu yếu phẩm (nước suối, áo mưa, quạt giấy…) phục vụ Nhân dân về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời chỉ đạo các ban chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để điều phối lực lượng tình nguyện viên từ cơ sở Đoàn trực thuộc tham gia thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Thành ủy - UBND TP Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động phục vụ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Thành Đoàn Hà Nội đã điều phối lực lượng tình nguyện viên thực hiện các nhiệm vụ tại 4 khu vực chính: Nhà tang lễ Quốc gia (số 5A Trần Thánh Tông), nhà riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (số 5 Thiền Quang, Hai Bà Trưng), thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh), Nghĩa trang Mai Dịch và tại các tuyến phố theo lịch trình di quan trong suốt hai ngày diễn ra Quốc tang”, ông Nguyễn Đức Tiến thông tin.
Cũng theo Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội cũng đã chỉ đạo các ban chuyên môn phân công lực lượng tình nguyện viên thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: tham gia hỗ trợ, phục vụ, hướng dẫn các đoàn và Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư; bố trí các chốt trực từ 6h đến 22h tại 8 điểm trong suốt hai ngày diễn ra Quốc tang.
Cụ thể, các điểm đặt chốt trực là vườn hoa Tăng Bạt Hổ; góc giao Tăng Bạt Hổ - Nguyễn Công Trứ; góc giao Yec Xanh - Lê Quý Đôn - Nguyễn Huy Tự; vườn hoa Pasteur; cổng Trung tâm điều trị tự nguyện, Bệnh viện 108 – Đường Trần Thánh Tông; Nhà tang lễ Quốc gia; thôn Lại Đà (huyện Đông Anh); nhà riêng Tổng Bí thư và tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Tại các chốt trực bố trí điểm phục vụ Nhân dân miễn phí: cung cấp nước uống, đồ ăn nhẹ, quạt giấy, ô dù, áo mưa...
Thành Đoàn Hà Nội cũng chỉ đạo các tình nguyện viên trong đội hình “Giao thông xanh” phối hợp lực lượng chức năng tham gia phân làn, phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn các đoàn và Nhân dân gửi phương tiện di chuyển khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong khi đó, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) trước ngày diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi công tác chuẩn bị đã được các nhân viên, kỹ thuật viên ráo riết chuẩn bị.
Nhân viên dựng rạp bên ngoài hội trường Thống Nhất. (Ảnh: Báo SGGP). |
Từ hôm nay cho đến hết ngày 26/7, Hội trường Thống Nhất sẽ tạm ngưng phục vụ tham quan và tất cả các dịch vụ.
Trong khi đó, tại một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP HCM đã lập gian thờ để người dân đến thắp nén hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP HCM), nhiều người dân đã đến thắp nén hương thơm, tưởng nhớ trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân và cán bộ đoàn thanh niên đến thắp hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: SGGP). |
Là một trong ba địa điểm diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu trong chương trình Quốc tang ngày 25 và 26/7 tới, tại Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), những ngày qua đoàn viên thanh niên địa phương cùng các lực lượng cũng ra sức chỉnh trang đường làng ngõ xóm để chuẩn bị tiễn đưa người con ưu tú, xuất sắc của quê hương.
Trong những ngày qua, đoàn viên, thanh niên cùng các chị, các cô Hội Phụ nữ ra sức dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các điểm thờ tự, nhà văn hóa… để phục vụ Quốc tang Tổng Bí thư. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Ngoài đoàn viên thanh niên, các Hội viên Hội Phụ nữ ở Lại Đà cũng tham gia dọn dẹp, chỉnh trang đường làng (Ảnh: Tienphong.vn) |
Sau khi tập kết, rác được đưa lên xe để bộ đội chở đi. (Ảnh: Tienphong.vn). |
Để tổ chức Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trang nghiêm và phục vụ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân đến viếng được thuận lợi, Công an huyện Đông Anh thông báo từ 14h hôm nay đến hết ngày 26/7, sẽ cấm các loại phương tiện đi vào từ gầm cầu chui thôn Lại Đà - trục đường chính giữa thôn Lại Đà - cuối xóm Trại, Lại Đà.
Các phương tiện giao thông cho khách đến viếng có thể để ở điểm như: Khu vực bãi ven đường Trường Sa phía trước Khu chung cư Eurowindow (Đông Trù, Đông Hội), tại đây gửi xe miễn phí. Nhân dân sau khi gửi xe đi bộ vào khu vực lễ viếng theo các hướng chỉ dẫn.
Các tuyến đường Đông Hội, đường đê Tả Hồng đoạn từ cổng thôn Trung Thôn đến cổng thôn Đông Trù, từ gầm cầu Đông Trù đến hết thôn Đông Ngàn cấm các phương tiện xe ô tô đi qua.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức có cung cấp xe điện miễn phí phục vụ người già, người tàn tật, người có sức khoẻ yếu đến viếng.
Trong khi đó, tại Trung tâm TP Hà Nội, Cục CSGT cũng đã ban hành kế hoạch phân luồng giao thông tại Hà Nội, trong đó tạm cấm ô tô tải trên 10 tấn, xe khách từ 40 chỗ trở lên vào trung tâm thành phố.
Theo đó, từ 6h đến 22h ngày 25/7 và từ 12h đến 17h ngày 26/7, tạm cấm đối với các loại ô tô có trọng tải từ 10 tấn trở lên, ô tô chở khách từ 40 chỗ trở lên (trừ các ô tô phục vụ Lễ Quốc tang, xe có phù hiệu bảo vệ, xe của lực lượng làm nhiệm vụ, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vệ sinh môi trường và xe giải quyết sự cố) không lưu thông trên các tuyến đường hướng về trung tâm Hà Nội, cụ thể như sau:
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn từ nút giao Liêm Tuyền - đến Pháp Vân), quốc lộ 1A (đoạn từ quốc lộ 1A - hướng đi cầu Yên Lệnh đến quốc lộ 1A - Ngọc Hồi), quốc lộ 5 (đoạn từ quốc lộ 5 - quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ), quốc lộ 1A (đoạn từ quốc lộ 5 - quốc lộ1A đến quốc lộ1A - quốc lộ18), quốc lộ 3 (đoạn từ quốc lộ 3 - nút giao Bắc Phú đến quốc lộ 3 - cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), quốc lộ 2 (đoạn từ Võ Văn Kiệt - quốc lộ 2 đến quốc lộ 2 - Cao tốc Hà Nội - Lào Cai), quốc lộ 6 (đoạn từ quốc lộ 6 - ngã ba Xuân Mai đến Quang Trung - quốc lộ 6), đường Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (đoạn từ đường Làng Văn hóa - cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đến Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 21A), quốc lộ 32 (đoạn từ quốc lộ 32 - ngã ba Sơn Tây đến quốc lộ 32 - Hồ Tùng Mậu).
Cũng theo đại diện Cục CSGT, tuyến phân luồng các phương tiện tạm cấm lưu thông sẽ đi như sau: Các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương đi các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định qua quốc lộ 5 hoặc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua cầu Thanh Trì đến nút giao Pháp Vân đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hoặc đến Hưng Yên → cầu Yên Lệnh (hoặc đường cầu Hưng Hà) đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và ngược lại.
Phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đi các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang qua quốc lộ 5 hoặc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi quốc lộ 1A qua cầu Phù Đổng đến nút giao Ninh Hiệp đi cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hoặc quốc lộ 1A và ngược lại.
Nếu phương tiện đi từ Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đi các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc từ quốc lộ 1A đi quốc lộ 18 → Võ Nguyên Giáp → Võ Văn Kiệt → quốc lộ 2 hoặc từ quốc lộ 1A đến nút giao Ninh Hiệp vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi Thái Nguyên hoặc rẽ quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc và ngược lại.
Các phương tiện từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ đi Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình qua cầu Đồng Quang, Vĩnh Thịnh → quốc lộ 32 → quốc lộ 21 → đường Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam → cao tốc Hà Nội – Hòa Bình và quốc lộ 21A → tỉnh lộ 424 → quốc lộ 21B → quốc lộ 1A đi các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và ngược lại.