Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: Dangcongsan.vn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: Dangcongsan.vn)
(PLVN) - Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, đưa đến những bước phát triển đáng tự hào của đất nước trên mọi phương diện.

Một trong ba khâu đột phá chiến lược

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết thúc giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010, kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Tuy nhiên, thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng được xác định vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển.

Để khắc phục, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã lần đầu tiên đưa ra 3 khâu đột phá chiến lược bao gồm: thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. “Đây chính là “chìa khóa” mở cửa và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, tập trung vào đột phá về thể chế là yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh. Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Tổng Bí thư nêu rõ “coi đột phá về thể chế, cải cách các chế độ và thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu là khâu trọng yếu, bảo đảm phát huy đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, tạo xung lực mới cho phát triển nhanh và bền vững”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chú trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa: daibieunhandan.vn)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chú trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa: daibieunhandan.vn)

Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá chiến lược đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, gồm có hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp…

TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, cùng với đổi mới về thể chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa XI, XII và XIII thực hiện đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược nêu trên, với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng đã tạo dựng Việt Nam là nền kinh tế có môi trường vĩ mô ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều.

Cơ sở cho công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, là một nhà trí thức, nhà lý luận và hoạt động thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng... Các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật ở nước ta hiện nay.

Các đại biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách về Quốc hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Các đại biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách về Quốc hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo Đảng ta và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm và nhất quán là một trong những nhiệm vụ trung tâm, một đòi hỏi cấp thiết, một tất yếu khách quan của việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN ở nước ta.

Tính cấp thiết và tính khách quan đó được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trước hết bắt nguồn từ đòi hỏi xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển, lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.

Điều đó chứng tỏ rằng, chính sách, pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Không có hệ thống thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi và minh bạch thì không thể phát huy được mọi nguồn lực, không có vốn để đầu tư, không thể có công nghệ cao để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể có quản lý tiên tiến, có hiệu lực và hiệu quả, không thể có phương tiện tổ chức và thực hiện các chính sách xã hội trên quy mô cả nước, không thể có dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như đường lối của Đảng và Tổng Bí thư chỉ ra.

Hai là, bắt nguồn từ đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ba là, bắt nguồn từ đòi hỏi xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế theo đường lối mở cửa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

Những nguyên tắc chỉ đạo

Cùng với việc chỉ rõ tính cấp thiết và khách quan của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật, các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cung cấp một hệ thống các tư tưởng có tính nguyên tắc chỉ đạo cho Nhà nước xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Theo đó, trước hết, để hình thành chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH, phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc về CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH. Các thể chế kinh tế, dân sự và lao động đều được xây dựng và hoàn thiện nhằm hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Nguyên tắc thứ hai là, phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đây là tư tưởng chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách và pháp luật về kinh tế và xã hội.

Ba là, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là quan điểm mang tính nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa.

Bốn là, mọi chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc” thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đây là quan điểm mang tính nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đến pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Năm là, nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN là quan điểm mang tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta; trong đó đặc biệt quan trọng là hoạt động xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...