Những ngày qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hết sức đau buồn về việc trái tim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngừng đập. Tại lễ tang tổ chức ở Nhà tang lễ Quốc gia hay các điểm cầu TP HCM; thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội; chúng ta chứng kiến nhiều giọt nước mắt tuôn rơi, nghẹn ngào. Đó là tình cảm tự nguyện, chân thành, xuất phát từ lòng người.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần đến nay, đã có nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cộng sự gần gũi về đóng góp của Tổng Bí thư về lý luận, về kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn trên các mặt chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật... Những đóng góp ấy được nhận diện với tư cách một di sản - Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong những điện chia buồn của lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế; lưu bút trực tiếp trong sổ tang, nhiều chính khách quốc tế, đại diện Đảng Cộng sản một số nước đã ghi nhận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, người đã đóng vai trò quyết định trong công cuộc xây dựng và đổi mới chủ nghĩa xã hội ở đất nước Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đã trọn đời vì nước, vì dân. Trong Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, có những đóng góp với tư cách là một nhà văn hóa và là một nhà hoạt động thực tiễn - nói đi đôi với làm, mẫu mực nêu gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương của lương tri, phẩm giá, nhân cách.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự là của dân, do dân, vì dân; thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vĩnh biệt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đau buồn, nhưng trong tiếc thương đã phát huy những suy nghĩ tích cực, nhân văn, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.