Thành kính tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ

Hàng triệu trái tim người con đất Việt và đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế hướng về Hà Nội, với niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên khắp các tuyến phố Hà Nội - cung đường đoàn tang lễ đi qua, người dân kính cẩn tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi Người yên giấc ngàn thu tại Nghĩa trang Mai Dịch.

13h hôm nay, tại nhà tang lễ Quốc gia đã diễn ra Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lễ truy điệu cũng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà của Tổng Bí thư -xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Sau lễ truy điệu, linh cữu Tổng Bí thư được đưa về an táng tại Nghĩa Trang Mai Dịch - Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yên giấc ngàn thu, thay mặt ban tang lễ và gia đình đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban tổ chức lễ tang phát biểu cảm ơn các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách nước ngoài, đồng bào ta.... đã đến viếng, tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ!

15h: Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

14h49: Đoàn xe và linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư đã vào Nghĩa Trang Mai Dịch:

14h38: Linh cữu Tổng Bí thư đang di chuyển trên đường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, người dân hô vang: "Việt Nam muôn năm! Bác Trọng muôn năm!"

Clip Vũ Hằng

14h20: Đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư đang trên đường Trần Duy Hưng, chuẩn bị tới Nghĩa trang Mai Dịch, lúc này, tại nghĩa trang Mai Dịch, dưới cái nắng gay gắt, người dân và lực lượng chức năng vẫn kính cẩn chờ đón Tổng Bí thư:

14h10: Người dân đứng kín 2 bên đường Trần Phú để tiễn đưa Bác về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi xe chở linh cữu Bác đi qua, tiếng khóc thương vang lên một khoảng trời.

13h45: Đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu rời Nhà Tang lễ Quốc gia. Tổng Bí thư về an nghỉ thiên thu trong dòng người kính cẩn hai bên đường tiễn đưa.

Trên khắp cung đường Hà Nội - nơi linh cữu của Người đi qua, bất chấp nắng nóng, người dân đang kính cẩn chờ đợi Tổng Bí thư với lòng kính trọng, tiếc thương vô bờ:

Công an quận Hoàn Kiếm chào vĩnh biệt Tổng Bí thư

Công an quận Hoàn Kiếm chào vĩnh biệt Tổng Bí thư

13h40: Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chuyển lên linh xa:

13h21: Người thân trong gia đình, lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước... đi vòng quanh tiễn biệt Tổng Bí thư.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc điếu văn ghi nhớ công ơn, tiễn biệt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng tang quyến;

Lời cảm ơn của con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ truy điệu

Đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời phát biểu

12:55 : Ban tổ chức lễ Quốc tang tiến hành công tác chuẩn bị cho Lễ truy điệu và đưa tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bắt đầu vào lúc 13 giờ.

12h56: Dòng người vẫn đang hướng về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và tại quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Lực lượng chức năng, người dân đang đồng lòng chuẩn bị chu toàn cho lễ di quan, đưa linh cữu Tổng Bí thư về nơi an nghỉ.

11h50: Lực lượng chức năng các phường đã hoàn thành việc căng dây bảo vệ hai bên vỉa hè dọc tuyến đường di quan Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Phòng Cảnh sát giao thông, đoàn linh cữu sẽ đi từ nhà tang lễ Quốc gia qua các phố Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Quảng trường Cách mạng Tháng 8 - Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Kim Mã - Đào Tấn - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - đường gom Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Nghĩa trang Mai Dịch.

11h49: Dưới cái nắng gay gắt của những ngày mùa hè Hà Nội màu áo xanh của lực lượng cảnh sát, thanh niên tình nguyện, lao công đang nỗ lực để đón linh cữu Tổng Bí thư.

11h44: Đoàn xe tang đang chuẩn bị cho lễ di quan, đưa linh cữu Tổng Bí Thư về nơi an nghỉ

Theo quy định, lễ Quốc tang gồm 15 ôtô và một xe chở linh cữu (linh xa). Trong đó, đoàn xe chỉ huy có: xe chở quốc kỳ, ảnh, gối huân huy chương; xe chở quân kỳ; xe chỉ huy; 6 xe vận tải chở đội hình danh dự; 3 xe vận tải ba cầu (xe kéo linh xa, xe chở hoa, xe dự phòng), 2 xe thông tin, một xe cứu thương. Linh xa phục vụ quốc tang phía cuối là khẩu lựu pháo 122mm, phía cuối có bệ với hàng chữ "Tổ quốc ghi công".

Xe phục vụ lễ tang cấp Nhà nước gồm 11 xe và một linh xa. Trong đó có hai xe chỉ huy (xe chở quân kỳ, ảnh, gối huân huy chương; xe chỉ huy). Ba xe vận tải chở đội hình danh dự. Ba xe vận tải ba cầu (xe kéo linh xa, xe chở hoa, xe dự phòng). Hai xe thông tin, một xe cứu thương.

11:30 Trưa 26/7, dòng người vẫn không ngừng đổ về Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất cả đều bày tỏ những tình cảm chân thành, đầy xúc động, nghẹn ngào trong giờ phút tiễn biệt Tổng Bí thư.

Người dân vào Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Người dân vào Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Đoàn lực lượng cảnh sát nhân dân do đồng chí Nguyễn Văn Long, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư.

Đoàn lực lượng an ninh nhân dân do đồng chí Phạm Thế Tùng - Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư.



11h25: Dù chiều nay linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới được đưa về an nghỉ tại Nghĩa Trang Mai dịch, nhưng từ sáng nay, người dân đã tập trung rất đông gần khu vực nghĩa trang, đặc biệt là tại các tuyến đường đoàn xe tang lễ đưa rước linh cữu Tổng Bí thư đi qua.

Chị Lương Ngọc Hà cùng 40 người dân tại làng dân tộc Tày Cam Đường Lào Cai đi từ đêm qua xuống Viếng TBT tại Lại Đà. Sau khi viếng, đoàn của chị Hà di chuyển thẳng đến Nghĩa trang Mai Dịch để chờ đưa linh cữu TBT về nơi an nghỉ cuối cùng

"Với tất cả lòng thành kính và tưởng nhớ đến bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn có mặt tại đây để thành kính tiễn đưa bác Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa Trang Mai Dịch" - chị Hà cho biết

Anh Gia Minh quê Chương Mỹ đã đứng đợi trước cổng nghĩa trang Mai Dịch từ 7h sáng, đi cùng bạn. Do hôm qua đông quá nên anh không đến viếng được Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ. Anh tâm sự: "Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả người dân Việt Nam đều yêu quý và kính trọng Bác. Từ khi biết tin Bác mất tôi cũng muốn được đến đưa Bác về nơi an nghỉ cuối cùng để thể hiện tình cảm dành cho Tổng Bí thư."

11h20 Đoàn Công đoàn Viên chức Việt Nam kính cẩn bày tỏ lòng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

11h15 Đoàn đại biểu huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

10h35: Đoàn xe phục vụ vào nhà tang lễ, chuẩn bị cho lễ truy điệu và di quan đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.

10h10 Tại Thành phố mang tên Bác, càng về trưa, lượng người đến Hội trường Thống Nhất càng đông. Dù tiết trời nắng gay gắt hơn nhưng không vì thế có thể ngăn bước dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lực lượng bảo vệ và tình nguyện viên đã phải làm việc hết mình để hướng dẫn dòng người vào viếng.

Dòng người đổ về Hội trường Thống Nhất - Ảnh: Mạnh Linh - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Dòng người đổ về Hội trường Thống Nhất - Ảnh: Mạnh Linh - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Trong thời điểm tại quê nhà đang tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Rome, ngày 25/7 (theo giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã trang trọng tổ chức Lễ viếng và mở sổ tang tưởng niệm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Đông đảo bạn bè quốc tế và kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại Italy đã đến viếng và tiễn biệt nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Đảng Tái lập Cộng sản Italy Maurizio Acerbo viết sổ tang. Ảnh: Trường Dụy/PV TTXVN tại Italy

Tổng Bí thư Đảng Tái lập Cộng sản Italy Maurizio Acerbo viết sổ tang. Ảnh: Trường Dụy/PV TTXVN tại Italy

Trong sổ tang, Đại sứ Dương Hải Hưng đã viết: “Vô cùng biết ơn những gì đồng chí đã trọn đời cống hiến, lãnh đạo đưa đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Đồng chí là một nhà lãnh đạo vĩ đại và kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, một nhà lý luận tầm cỡ thời đại, một con Người với tất cả những phẩm chất cao quý và tốt đẹp nhất”.

Thứ trưởng Ngoại giao Italy, bà Maria Tripodi cũng đã bày tỏ sự tiếc thương Tổng Bí thư. Bà nhấn mạnh đến những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là chứng nhân của việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược trong chuyến thăm Italy năm 2013 và những kết quả đã đạt được gần đây trong quan hệ hợp tác Italy - Việt Nam.

Sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Đại sứ Dương Hải Hưng viết. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Italy.

Sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Đại sứ Dương Hải Hưng viết. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Italy.

Ngay sau Lễ mở sổ tang, nhiều đại diện phái đoàn ngoại giao các nước như Trung Quốc, Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Syria, Đại diện Vatican… đã tới viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các đoàn đến viếng đều bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tổng Bí thư cho tiến trình phát triển của Việt Nam, cũng như cho việc tăng cường và phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Lễ viếng và mở sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy sẽ kéo dài đến hết ngày 26/7.

10h:00 Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ làm trưởng đoàn, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ dâng hương bày tỏ niềm thành kính với Tổng Bí thư.

Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ dâng hương bày tỏ niềm thành kính với Tổng Bí thư.

9h50: Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh (sinh năm 1935), giáo viên đã dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến viếng người học trò ưu tú của mình tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

09h45 Sáng nay, tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), theo ghi nhận của Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, hàng ngàn người dân thập phương xếp hàng từ sáng để vào Tổng Bí thư tại quê nhà. Trên dọc đường làng Đông Hội, người dân đã trang bị quạt, nước uống để phục vụ đồng bào đến viếng Tổng Bí thư. Lực lượng thanh niên cũng hỗ trợ tối đa trong thời tiết nắng nóng.

9h35: Đoàn đại biểu các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Thuận đến viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội).

Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội).

Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).

Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).

9h30: Dòng người về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng đông.

Anh Lê Việt Cường, giáo viên trường Trung học cơ sở Lương Yên cho biết, anh cùng con gái có mặt tại đây từ 8h sáng để viếng Bác. Thông qua việc này, anh muốn giáo dục con về lòng biết ơn đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã hết lòng vì dân vì nước. Ngoài ra, đây cũng là dịp để anh giáo dục con về lòng yêu nước.

“Bản thân tôi khi nghe bác mất cảm thấy mình có sự mất mát rất lớn. Hôm nay, tôi muốn đến thắp cho Bác nén hương để bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Bác đã đóng góp cho dân tộc, đất nước.

Qua những gì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho đất nước, nhân dân, tôi học được từ Bác đức tính giản dị, liêm khiết, hết lòng vì dân, vì nước, luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đây cũng là niềm động viên để tôi cố gắng hơn trong công việc của mình”, anh Cường chia sẻ.

Anh Lê Việt Cường và con gái.

Anh Lê Việt Cường và con gái.

09h20: Bà Đặng Thị Phúc, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm nay đã 92 tuổi, sức khỏe đã giảm nhiều nhưng vẫn đến Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) để được tiễn biệt học trò lần cuối.

Bà Đặng Thị Phúc, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiễn biệt học trò lần cuối. (Ảnh: TTXVN)

Bà Đặng Thị Phúc, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiễn biệt học trò lần cuối. (Ảnh: TTXVN)

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Các cơ sở tôn giáo (Chùa) thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã lập bàn thờ di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để người dân có thể đến thắp nén tâm hương bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, thành kính đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Phứng (phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh) cho biết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Không chỉ riêng với Việt Nam chúng ta mà cả thế giới cũng đã công nhận. Đây là những ngày đại tang, đau buồn của đất nước. Do điều kiện ở xa không thể ra Hà Nội để viếng bác, được biết chùa Thanh Phúc có lập bàn thờ để tưởng nhớ đến bác, tôi đến đây, trước bàn thờ di ảnh của bác, thắp cho bác nén hương, cầu mong cho bác về nơi an nghỉ cuối cùng được bình yên, phù hộ cho quốc thái dân an, đất nước hạnh phúc”.

Chị Kim Liên (Can Lộc, Hà Tĩnh) không giấu được sự xúc động khi đứng trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị cho biết bản thân vô cùng đau xót trước sự ra đi của Tổng Bí thư và rất tiếc khi không thể ra quê nhà để đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Khi nghe tin bác Trọng từ trần, tôi cảm thấy bàng hoàng, xót xa như mất đi chính người thân của mình. Đó là mất mát vô cùng lớn đối với đất nước. Chúng tôi may mắn được sống trong thời bình, được cơm ngon, áo đẹp cũng là nhờ vào công lao to lớn của bác Trọng, Người chiến sỹ cộng sản dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho nhân dân. Mấy hôm nay lên mạng nhìn những hình ảnh về bác, lúc nằm viện điều trị cũng phải lo việc nước, việc dân thật sự rất xót xa. Tôi nguyện cầu cho bác an yên nơi cõi vĩnh hằng”.

Danh sách các địa điểm tại Hà Tĩnh:

Thị xã Kỳ Anh: Chùa Thanh Phúc (xã Kỳ Nam)

Huyện Kỳ Anh: Chùa Dền (xã Kỳ Châu), Chùa Hữu Lạc (xã Kỳ Bắc)

Huyện Cẩm Xuyên: Chùa Cầm Sơn (Thị trấn Thiên Cầm), Chùa Pháp Hải (xã Cẩm Hoà)

TP Hà Tĩnh: Chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài)

Huyện Lộc Hà: Chùa Phổ Độ (xã Hộ Độ)

Huyện Thạch Hà: Chùa Phúc Linh (xã Thạch Đài)

Huyện Can Lộc: Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc)

Huyện Nghi Xuân: Chùa Phong Phạm (Thị trấn Xuân An)

TX Hồng Lĩnh: Chùa Long Đàm (phường Đức Thuận)

Huyện Đức Thọ: Chùa Quả (Thị trấn Đức Thọ)

Huyện Vũ Quang: Chùa Phượng Hoàng (xã Đức Giang)

Huyện Hương Khê: Chùa Đại Giác (xã Gia Phố)

Huyện Hương Sơn: Chùa Nhiễu Long (Thị trấn Phố Châu)

09h17: Đoàn đại diện Malaysia vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

9h05: Cùng dòng người mang trong mình niềm tiếc thương vô hạn, bà Nguyễn Thị Phượng (Vụ Bản, Nam Định) cho biết bà đã đi xe khách từ 3h sáng nay về Hà Nội để vào viếng Tổng Bí Thư.

Bà Nguyễn Thị Phượng (Vụ Bản, Nam Định) đi xe khách từ 3h sáng nay để lên Hà Nội viếng Tổng Bí thư.

Bà Nguyễn Thị Phượng (Vụ Bản, Nam Định) đi xe khách từ 3h sáng nay để lên Hà Nội viếng Tổng Bí thư.

“Mấy ngày trước, khi đang cấy trên đồng, tôi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi đau xót như mất người thân. Tiếc thương cho một người tài giỏi, sống trung thành với dân với nước. Đến hôm nay, mặc dù chưa cấy xong nhưng tôi tạm gác công việc để đến viếng Tổng Bí thư. Với lòng thành kính tôi muốn dâng lên một nén nhang bày tỏ nỗi niềm với Tổng Bí thư.

Sáng nay, lên đến nhà tang lễ, tôi thấy rất đông người dân cũng đến xếp hàng chờ vào viếng như tôi, tôi thấy rất xúc động.”, bà Phượng bùi ngùi nói.

8h50: Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định bày tỏ lòng tiếc thương trước linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

8h47: Các đoàn khách quốc tế tiếp tục đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đảng Cộng sản Anh kính viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Đảng Cộng sản Anh kính viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Đoàn đại diện Philippines kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đoàn đại diện Philippines kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đoàn của nước cộng hòa Belarus kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đoàn của nước cộng hòa Belarus kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

8h30: Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn Đại biểu của tỉnh Ninh Bình đến kính viếng Tổng Bí thư:

Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

8h20: Dòng người đang tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư với niềm tiếc thương vô hạn:

Những bạn nhỏ sáng nay theo bố mẹ đến viếng Tổng Bí thư.

Những bạn nhỏ sáng nay theo bố mẹ đến viếng Tổng Bí thư.

7h20 tại chốt quét QR ở ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc, người dân xếp hàng đều đã được quét QR vào viếng Tổng Bí thư:

7h: Người dân xếp hàng tuần tự, chẳng ai bảo ai, nhưng nghiêm túc xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư

Trong lúc chờ được vào viếng Tổng Bí thư, chị Phan Thị Thu An, ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, từ hơn 3h sáng, chị đã di chuyển từ nhà bằng xe máy sang đây viếng Bác.

“Trong nhiều cách để viếng Bác, tôi muốn đến trực tiếp để thành kính nghiêng mình trước vong linh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây như một lời cảm ơn tôi muốn gửi đến những công lao và những hi sinh lớn lao của Bác cho đất nước.

Tôi vẫn nhớ ngày đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, khi đó bản thân đang là sinh viên sinh sống và học tập tại Hà Nội nhưng lại chỉ lặng lẽ ngồi trên xe Bus khóc, xem thông tin qua đài báo. Đến mấy năm về sau, tôi vẫn hối hận vì không nằm trong hàng người đưa tiễn Bác.

Hôm nay, khi đất nước Việt Nam mất đi Bác Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn dành thời gian đến tận nơi để đưa tiễn Bác những chặng đường cuối.”, chị An cho biết.

Bà Nông Thị Lan ở Mai Hắc Đế, Hà Nội cho biết, 20h ngày hôm qua bà đã có mặt tại đây để viếng Bác, tuy nhiên, dòng người đông quá khiến bà không thể viếng được nên phải quay về. Hôm nay, từ 5h30 sáng, bà đã quay lại đây để tiếp tục xếp hàng.

“Tôi vô cùng thương tiếc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo vô cùng đáng kính. Người dân Việt Nam, từ trẻ đến già đều sắp xếp để đi viếng Bác. Lúc Bác còn sống, bác lo cho dân cho nước nên khi mất đi, muôn dân đều tiếc thương cho một người lãnh đạo đáng kính”, bà Lan cho biết.

Anh Lý Mạnh Long tại Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội tâm sự: Hôm qua, sau khi đi làm về, 20h tối tôi đã có mặt tại đây để xếp hàng viếng Bác nhưng sau phải quay về vì đông quá.

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguyên thủ quốc gia nhưng vô cùng giản dị, gần dân, thương dân. Chính vì vậy, tôi muốn bày tỏ lòng thành kính của bản thân đối với Bác. Hôm nay, tôi đã xin nghỉ làm và ngay từ 4h sáng, tôi đã có mặt tại đây xếp hàng viếng Bác”, anh Long cho biết.

6h30: Ngay từ sáng sớm dòng người đã đã xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư ở ngã tư Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, dù cho đêm hôm qua, đến 23h đêm, người dân vẫn xếp hàng để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong số dòng người túc trực ở các cung đường gần Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, không chỉ có người chờ vào viếng, mà còn có cả những người ở tỉnh xa tới, đã viếng hôm qua, nhưng vẫn cố ở lại để chờ được tiễn đưa Tổng Bí thư đoạn đường cuối về với đất mẹ.

Trong đoàn người chờ viếng Tổng Bí thư hôm nay có bà Lê Thị Hợp, quê Bắc Ninh. Bà Hợp cho biết từ hơn 3h sáng, hai mẹ con bà đã bắt đầu xuất phát, chạy xe máy 30km trong đêm tối để lên viếng Bác.

“Trong thâm tâm, tôi muốn đến tận nơi để thắp cho Bác nén nhang, ngay từ hôm qua tôi đã muốn đi nhưng do bận công việc nên hôm nay dù bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải đến. Ngay từ khi báo chí đưa tin Bác mất, trong người tôi đã cảm thấy dấm dứt khó chịu, mỗi buổi trưa và tối trước khi đi ngủ, tôi đều nằm xem những hình ảnh, kỷ niệm về Bác, nhiều hôm đến cả 1h sáng và nước mắt cứ tự chảy ra.", bà Hợp tâm sự.

Bà Lê Thị Hợp, quê Bắc Ninh , đi từ lúc 3h sáng để đến viếng Tổng Bí thư.

Bà Lê Thị Hợp, quê Bắc Ninh , đi từ lúc 3h sáng để đến viếng Tổng Bí thư.

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một đau thương, mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà Tang lễ Quốc gia-số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Lãnh đạo Tập đoàn SpaceX, Hoa Kỳ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch Tập đoàn SpaceX. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
(PLVN) - Chiều 6/9, tiếp Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ Chính phủ và kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn SpaceX (Hoa Kỳ) Tim Hughes, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực SpaceX có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như: Khoa học - công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…

Đồn Biên phòng Hoành Mô (Quảng Ninh): Nỗ lực bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô tuần tra bảo vệ biên giới.
(PLVN) - Thời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đồng thời chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.

Dấu ấn Thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 2

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 trao thưởng các điển hình tiên tiến LLVT Quân khu giai đoạn 2019 - 2024. (Ảnh trong bài: Hồng Sáng)
(PLVN) - 5 năm qua, Phong trào Thi đua Quyết thắng (PTTĐQT) của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 2 ngày càng phát triển sâu rộng, vững chắc và đạt nhiều kết quả quan trọng, có chiều sâu và thực chất; góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

“Trái ngọt” từ chủ trương chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP
(PLVN) - Những thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến vừa được Chính phủ tổ chức tại TP Đà Nẵng, cho thấy hiệu quả vô cùng lớn của công cuộc chuyển đổi số.