Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư - Vua ghi công, dân tưởng nhớ

Sắc phong Thư Ngọc hầu Nguuyễn Văn Thư
Sắc phong Thư Ngọc hầu Nguuyễn Văn Thư
(PLO) -“Sinh vi tướng, tử vi thần”, ấy là trường hợp của Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư, một vị tướng tài của chúa Nguyễn buổi trung hưng triều đại. Sinh thời, là một vị tướng trận mạc, đảm đương chức Phó tướng Hậu quân, khi mất đi, được thờ nơi miếu công thần nhà Nguyễn. Và giờ đây, nhiều nơi trên đất Tây Nam Bộ, vẫn dành phần hương khói mà tưởng nhớ đến ông. 

Khi biên soạn về các nhân vật có ảnh hưởng lớn thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn, tên tuổi của Nguyễn Văn Thư đã được các quan chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn trân trọng ghi chép.

Thời tuổi trẻ diệt hổ

Dẫu người đất Bình Định, nhưng Nguyễn Văn Thư lại được sinh ra nơi đất Cù lao Giêng thuộc An Giang, bởi cha mẹ ông đã ly hương mà vào lập nghiệp nơi vùng cù lao này. Trong “Đại Nam liệt truyện” và “Đại Nam nhất thống chí”, thì ghi quê ông là “Nguyễn Văn Thư người huyện Kiến Phong, trấn Định Tường”. 

Theo gia phả Nguyễn tộc còn để lại tại phủ thờ ở ấp Bình Quới, xã Phước Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cha mẹ là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc. Ban đầu, bởi chiến tranh xảy ra liên miên nơi dải đất Đàng Trong, ông Núi, bà Nhạc dắt díu nhau vào khu vực xã Mỹ An sinh cơ, lập nghiệp, sau này chuyển đến Cù lao Giêng mà khai khẩn đất đai làm nông nghiệp. 

Hai cụ được cả thảy 5 người con trai, tiếc thay, người con cả sau này bị cọp vồ mất xác. Trong nghiên cứu mang tên “Truyền thuyết dân gian về ba anh em ông Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp cho hay, dân gian còn truyền, bởi anh cả bị cọp vồ, mà sau này anh em Nguyễn Văn Thư từng giết cọp dữ phạm đất cù lao. Riêng với vùng Cù lao Giêng, gia đình ông Núi, bà Nhạc được xem là có công lớn trong việc tạo lập, khai phá vùng đất này. 

Việc giỏi võ nghệ của Nguyễn Văn Thư, được cho là bởi được truyền ngón nghề từ thầy võ từ Huế vào, tục gọi “thầy Huế”. Đại diện chi tộc họ Nguyễn dòng Nguyễn Văn Thư ở Mỹ Xương thuộc Cao Lãnh, Đồng Tháp khi nói về tiền nhân của mình, cho ta biết, tố chất làm tướng của Thư Ngọc hầu được bộc lộ sớm:

“Ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Thư tỏ rõ bản lĩnh và võ nghệ trội hơn các em. Các ông thường rủ nhau đi săn thú rừng, có khi săn bắt được cọp. Đến lúc trưởng thành, ông cùng mẹ đi giao thương buôn bán cho đến khi ông tham gia vào đoàn quân Nguyễn Ánh”. 

Cũng chính nhờ một quãng thời gian nay đây mai đó nơi sông nước để buôn bán, mà sau này, họ Nguyễn thông thuộc địa hình đất Tây Nam Bộ, rõ là có tác dụng lớn khi ông tham gia quân ngũ. Và cũng nhờ đó, mà theo nghiên cứu “Thư Ngọc hầu, người anh hùng Cù lao Giêng”, Nguyễn Văn Thư đã phải lòng và kết đôi với người vợ của mình là Nguyễn Thị Năng, người miệt Cái Nhum, huyện Kiến Phong (nay là xã Mỹ Xương thuộc Đồng Tháp) là con gái một phú hộ trong vùng. 

Ban thờ Thư Ngọc hầu tại Nguyễn Phủ đường
Ban thờ Thư Ngọc hầu tại Nguyễn Phủ đường

7 năm đường binh nghiệp

Trong Đại Nam chính biên liệt truyện khi ghi về ông, bản dịch tiếng Việt đã dịch tên ông thành Nguyễn Văn Thủ. Dẫu ghi chép không nhiều, nhưng cũng giúp ta hình dung được về cơ bản nghiệp làm tướng của họ Nguyễn. Đường binh nghiệp của Nguyễn Văn Thư, bắt đầu từ năm Đinh Mùi (1787).

Dù gốc người Bình Định, cùng quê với anh em Tây Sơn, nhưng Nguyễn Văn Thư lại theo về chúa Nguyễn Ánh lúc này thế lực còn yếu, mới quay về Gia Định sau thời gian tị nạn nơi Vọng Các (Băng Cốc, Thái Lan).

Tham gia đội quân trung hưng của chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thư đem theo một đội nghĩa dũng mà ông gây dựng được, đầu quân dưới trướng của Tiền quân Tôn Thất Hội, cũng là một bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn, tham gia các trận chiến đối địch với quan quân tướng sĩ nhà Tây Sơn. 

Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1789), theo “Đại Nam thực lục”, Nguyễn Văn Thư được chúa Nguyễn “cho chức Tổng nhung Cai cơ giữ đạo Kiên Đồn, rồi thăng Chánh trưởng chi chi tiền hậu quân, đem quân đóng ở Sao Châu phòng giữ phủ Ba Thắc”.

Sang tháng 6 năm Canh Tuất (1790), sử nhà Nguyễn lại chép, “lấy Chánh trưởng chi Tiền chi Hậu quân là Nguyễn Văn Thư làm Phó tướng Hậu quân”. Với chức vụ của là Phó tướng tiền quân Khâm sai tổng nhung Cai cơ, ông được chúa giao nhiệm vụ phụ trách công việc quan trọng về mặt tài chính, ấy là thu thuế: “coi thu thuế nhà nước ở hai phủ Trà Vinh, Ba Thắc”.

Lúc này, ta nhớ lại thuở chưa theo về chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thư từng nay đây, mai đó theo nghiệp bán buôn. Rõ là nghiệp làm ăn, sinh kế thuở ấy của ông, giúp ông nhanh nhạy, hiểu rõ về vấn đề thuế má, dân tình, và phải chăng đó là một trong những lý do chúa Nguyễn tin tưởng bổ dụng ông vào vị trí liên quan đến tài chính, ảnh hưởng đến ngân khố, tiềm lực của chúa Nguyễn. 

Năm sau, vào tháng 4 năm Tân Hợi (1791), ông được chúa chọn làm Phó tướng Tiền quân. Tháng 5 năm Nhâm Tý (1792), tì vết xảy đến với Nguyễn Văn Thư khi “Đại Nam thực lục” ghi: “Giáng chức Khâm sai Tổng nhung cai cơ Phó tướng Tiền quân là Nguyễn Văn Thư làm Khâm sai cai đội. Thư dung túng cho thuộc hạ quấy nhiễu dân Phiên, việc phát giác nên bị giáng chức”.

Tháng 5 năm Giáp Dần (1794), chính là trận đánh cuối cùng oanh liệt của vị tướng họ Nguyễn nơi cố hương Bình Định. Sử nhà Nguyễn cho hay: “Phó tướng Tiền quân Nguyễn Văn Thư bị trúng đạn chết (Sau tặng Chưởng dinh)”.

Trận đánh này, theo nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường trong “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”, thì đoàn quân của chúa Nguyễn Ánh giành được thắng lợi, nhưng thiệt hại to lớn, ấy chính là mất đi vị Phó tướng họ Nguyễn: “Nguyễn Ánh tới Thị Nại bèn sai Tôn Thất Hội đánh lấy Tiêu Cơ (Gành Ráng?), làng Mai lấy được 40 đại bác cùng khí giới khác. Đổi lại, Phó tướng Tiền quân là Nguyễn Văn Thư trúng đạn chết”. 

Vai trò của trận đánh này, trong đó có sự góp công trong việc điều binh, khiển tướng của Phó tướng Nguyễn Văn Thư là không thể phủ nhận, bởi qua đó, không chỉ làm tiêu hao sinh lực của Tây Sơn, mà một lượng lớn vũ khí với 40 khẩu đại bác cùng nhiều khí giới khác, đã về tay quân chúa Nguyễn, nhờ vậy là góp phần cho “thủy quân Gia Định mạnh mẽ thấy rõ”. 

Đại Nam thực lục chép việc Nguyễn Văn Thư được phong Phó tướng
Đại Nam thực lục chép việc Nguyễn Văn Thư được phong Phó tướng

Vua ghi công, dân tưởng nhớ

Trong trận đánh nơi cảng Thị Nại, Nguyễn Văn Thư tử trận, thân xác vị tướng họ Nguyễn thủy táng nơi đất Bình Định. Ngẫu nhiên làm sao, hay con tạo sắp đặt, hương hồn ông, lại gửi nơi đất cố hương Bình Định năm nào, đất cha mẹ ông từ đây vào Nam dựng nghiệp.

Dẫu thân xác hòa vào nước non, nhưng tên tuổi của Nguyễn Văn Thư, mãi được nhà Nguyễn ghi nhận. Xem phần mục “Nhân vật” trong phần “Tỉnh Định Tường” của Đại Nam nhất thống chí, thì tiểu sử, công nghiệp Nguyễn Văn Thư được lược chép là “Người huyện Kiến Phong, khảng khái khí tiết.

Ban đầu, chiêu mộ dũng sĩ theo Tôn Thất Hội đi đánh giặc, làm đến Phó tướng Hậu quân, Khâm sai Chưởng cơ. Khi đi đánh Thị Nại, bị quân địch bắn chết, được tặng chức Chưởng cơ, thờ vào miếu Trung hưng và miếu Hiển Trung”. 

Chỉ riêng việc thờ trong miếu Hiển Trung, đã là sự ghi nhận công lao to lớn của nhà Nguyễn cho Thư Ngọc hầu đóng góp việc nghiệp trung hưng dòng Gia Miêu ngoại trang. Nơi miếu Hiển Trung, bài vị Thư Ngọc hầu được thờ ở vị trí thứ 12 trong tổng số 14 vị nơi gian kế bên hữu.

Năm Minh Mệnh thứ 16, nhằm năm Ất Mùi (1835), Công thần lục do bộ Lễ dâng lên vua ghi chép việc thờ phụng ở miếu Hiển Trung, phần Nguyễn Văn Thư, được ghi là “Nguyễn Văn Thư. Minh Nghĩa công thần, Chưởng cơ, Thần Võ vệ Chánh Vệ úy, tặng Chưởng doanh, thụy Uy Dũng”. Trân trọng lắm thay.

Ngày nay, theo biên khảo Lịch sử đất An Giang của nhà văn Sơn Nam, nơi Phủ Thờ ở Cù lao Giêng, hay còn gọi là Dinh Ba Quan Thượng đẳng có thờ Nguyễn Văn Thư cùng các em, thì trong lễ cúng giỗ thời hiện thời được miêu tả: “Hằng năm con cháu trong dòng họ tụ về cúng giỗ với nét riêng biệt, dấu ấn của miền Trung: cúng heo sống tái lụi, học trò lễ là phụ nữ. Trước Phủ có võ ca khá rộng để diễn tuồng hát bội lừng danh, tuồng San Hậu”.

Điều đó cho thấy, gia đình Nguyễn Văn Thư, vẫn nhớ đến đất cố hương từng là nơi chôn nhau cắt rốn. Còn hậu thế, dù di hài của Nguyễn Văn Thư đã gửi nơi Thị Nại, vẫn lập mộ mà ngưỡng vọng, thờ ông cho mãi đến hôm nay, như một bằng chứng cho sự ghi nhớ công lao của vị Phó tướng họ Nguyễn..

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.