Kế thừa và không cảm tính
Đó là khẳng định của Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH về căn cứ pháp lý và tính hợp lý của Thông tư 26. Theo đó, Thông tư 26 hướng dẫn Điều 160 của Bộ luật Lao động, mà điều luật này đã quy định rõ là “Công việc không được sử dụng lao động nữ” chứ không phải là “cấm”. Hay nói cách khác, Thông tư 26 không ban hành danh mục “cấm” không cho lao động nữ tham gia lao động.
Mặt khác, Thông tư 26 được xây dựng trên cơ sở kế thừa chính sách đã được ban hành, đó là Thông tư Liên Bộ LĐTBXH - Y tế số 05-TT/LB ngày 1/6/1968 và từ đó đến nay Thông tư Liên Bộ này đã được chỉnh sửa 3 lần vào các năm 1986,1994 và 2011 trên quan điểm bảo vệ sức khỏe lao động nữ, thai nhi và em bé, cũng như xem xét đến cơ hội việc làm của lao động nữ.
Theo quan điểm của Cục An toàn lao động, khi ban hành Thông tư, các chuyên gia đã xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau từ khoa học đến thực tiễn, chứ không phải do cảm quan, cảm tính của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, ngoài việc kế thừa Thông tư liên tịch số 40, khi xây dựng Thông tư 26 các chuyên gia đã xem xét đến điều kiện lao động ở một số chức danh còn mang tính thủ công nhiều, chưa được cải thiện; tham khảo các điều ước quốc tế như Công ước số 3 về sử dụng lao động nữ trước và sau khi sinh con, Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, Công ước số 45 về sử dụng lao động nữ trong những công việc ở hầm mỏ, Công ước 127 của Tổ chức lao động thế giới về giới hạn trọng lượng mang vác tối đa… nhằm hướng tới mục đích bảo vệ sức khỏe lao động nữ nhưng không làm mất cơ hội tham gia làm việc của họ.
Thông tư bị hiểu sai vì sự phong phú của tiếng Việt?
Ngay sau khi Thông tư 26 được ban hành, báo chí đã đồng loạt lên tiếng về việc cuộc sống của rất nhiều lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng vì những quy định của Thông tư. Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục An toàn lao động, nội dung Thông tư đã bị dư luận xã hội, truyền thông tiếp cận sai một phần nguyên nhân do sự đa dạng, phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt (!).
Đơn cử, một trong những công việc không được sử dụng lao động nữ theo Thông tư 26 là nạo vét cống ngầm, nhưng đã bị hiểu sai rằng lao động móc cống hở cũng bị cấm. “Rõ ràng rằng hình ảnh người lao động móc cống hở khác hẳn với quy định không được sử dụng lao động nữ nạo vét ở cống ngầm. Bởi lẽ khi nạo vét cống ngầm thủ công, người lao động phải chui xuống để nạo vét cặn, phải ngâm mình trong nước bẩn hôi thối” – đại diện Cục An toàn lao động nhấn mạnh.
Hơn ai hết, những nữ lao động đang mưu sinh bằng nghề bốc vác tại các chợ đầu mối thực sự lo lắng vì Thông tư 26. Phần lớn những người này cũng không hiểu vì đâu mà con số 50kg lại được lựa chọn làm tiêu chí để quy định phụ nữ không được thực hiện các công việc phải mang vác trên 50kg.
Lý giải về vấn đề này, theo Cục An toàn lao động, trọng lượng mang vác tối đa của mỗi người theo khuyến cáo của khoa học là không quá 40% trọng lượng cơ thể, nữ thì thấp hơn, khoảng 34%. Theo tiêu chuẩn mang vác do Bộ Y tế ban hành thì giới hạn trọng lượng cho phép đối với lao động nữ là 30kg mang vác thường xuyên và 20kg mang vác không thường xuyên. Tuy nhiên, để phù hợp thực tiễn, Thông tư 26 đã nâng mức giới hạn mang vác lên 50kg nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ.
Một thắc mắc nữa của Thông tư 26 cũng được Cục An toàn lao động giải thích, đó là Thông tư không điều chỉnh khu vực không có quan hệ lao động, ví dụ như nữ nông dân tự làm việc trên cánh đồng của họ. Đối tượng được áp dụng tại Thông tư chỉ là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có sử dụng lao động nữ trong quan hệ lao động.
Luật “đá” luật?
Thông tư 26 quy định lao động nữ không được lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô có trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực). Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ, khi cấp giấy phép lái xe không có quy định nào về giới tính của người lái xe, được hiểu là lao động nữ có quyền có giấy phép lái xe tất cả các hạng. Phải chăng ở đây có tình trạng luật “đá” luật?
Lý giải vấn đề này, Cục An toàn lao động cho biết, quy định lao động nữ không được lái xe có trọng tải trên 2,5 tấn của Thông tư 26 kế thừa các Thông tư liên tịch các năm 1986,1994 và 2011. Ngay từ năm 2011, xuất phát từ điều kiện thực tế có nhiều xe ô tô có hệ thống trợ lực mà phụ nữ có thể tham gia lái được, nên quy định trong Thông tư 40 đã được sửa từ “lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn” thành “lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô có trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực)” và Thông tư 26 tiếp tục kế thừa. Theo Cục An toàn lao động, việc sửa đổi như vậy đã tạo cơ hội việc làm hơn đối với lao động nữ được cấp giấy phép lái xe, chứ không nên nhìn nhận theo quan điểm luật “đá” luật.