Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Lãi suất cho vay có thể giảm tiếp 1 - 2%
Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tiếp tục duy trì ổn định và lành mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như hoạt động của các tổ chức tín dụng. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức hiện nay, nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1-2%/năm. Các ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, bên vay vốn của ngân hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhưng tăng trưởng phải hiệu quả, lành mạnh, không vì bất kỳ lý do gì mà giảm chuẩn tín dụng.
Ngân hàng hay dùng từ trần và sàn, nhưng mục tiêu cao nhất là lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ 1 - 2%/năm, còn lãi suất huy động về cơ bản sẽ giữ mặt bằng như hiện nay và trên thực tế, chúng ta đã tự do hóa mức lãi suất huy động. Thông tư 02 sẽ được thực hiện đúng thời gian, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng nền kinh tế và hệ thống.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank: Áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng |
Hệ thống ngân hàng năm vừa qua phải dồn lực để xử lý nợ xấu, bước vào năm 2014, nhiệm vụ xử lý nợ xấu càng phải thực hiện quyết liệt hơn để đảm bảo tỷ lệ xấu được kiểm soát nhất là khi Thông tư 02 sẽ có hiệu lực từ 1/6/2014.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế dần phục hồi, hệ thống doanh nghiệp đang đi vào chu kỳ phát triển mới, năng lực sản xuất kinh doanh và sức mua của nền kinh tế được cải thiện nên hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội nhưng áp lực cạnh tranh sẽ xuất hiện ở tất cả các phân khúc khách hàng cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, năm 2014, chúng tôi sẽ tập trung mạnh cho phân khúc bán lẻ, phát triển tín dụng tiêu dùng, cạnh tranh bằng giá và chất lượng dịch vụ. TPBank đã có kế hoạch nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hồ sơ khách hàng. Dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có, TPBank đưa các kênh trực tuyến phục vụ khách hàng.
Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank: Năm cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng
Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank |
Dù 2014 là năm khó khăn trong hoạt động cho vay của ngân hàng nhưng theo đánh giá của tôi, tín dụng sẽ có những phân khúc tăng trưởng tốt. Trong đó, phân khúc hộ kinh doanh cá thể là một dẫn dụ và SEABank sẽ tập trung vào nhóm khách hàng này trong năm nay. Năm 2013, nhóm khách hàng này tại SeABank tăng trưởng 30%. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là phân khúc khá khó khăn do lượng hàng tồn kho tăng, tranh chấp... Đây là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong nền kinh tế.
Còn nhóm doanh nghiệp lớn là phân khúc tương đối màu mỡ bởi họ không găp nhiều khó khăn. Do vậy, đây sẽ là nhóm khách hàng mà các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp về lãi suất để chiếm lợi thế.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank: Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14%
Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank |
Năm 2014, VietinBank tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng; Chuyển đổi thành công bước đầu mô hình tổ chức, hoạt động kinh doanh xuyên suốt từ trụ sở chính đến các chi nhánh.
Riêng về tín dụng, VietinBank vẫn định hướng ở mức độ tăng trưởng theo đúng chỉ đạo chung của ngành, từ 12 - 14%, vốn đầu tư trọng tâm vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành kinh tế trọng điểm, đặc biệt là các dự án trọng điểm của chính phủ chỉ đạo, chú trọng các lĩnh vực, các ngành được ưu tiên, tập trung vào các đối tượng khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, sản xuất kinh doanh hiệu quả, chú trọng đến quản trị hoạt động, chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank: Tiếp tục “đại phẫu” nợ xấu
Năm 2014 sẽ là năm ngành ngân hàng tiếp tục xử lý nợ xấu. Việc xác định và xử lý những khoản nợ xấu giống như ta thực hiện một cuộc đại phẫu, nó sẽ làm cho những cá thể có sức sống mạnh có cơ hội lành bệnh và phục hồi nhanh chóng, nhưng sẽ làm trầm trọng thêm đối với những cá thể quá yếu kém và rệu rã. Mặc dù có cả những tác động tích cực và tiêu cực, nhưng tôi cho rằng động tác này là cần thiết, nó giúp phân loại rõ hơn những ngân hàng tốt và xấu từ đó giúp tổng thể hệ thống ngân hàng của chúng ta phát triển lành mạnh hơn.
Ngoài ra, những hiệu quả bước đầu của hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tập trung đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận được tín dụng để tăng trưởng cũng đóng góp lớn vào sự phục hồi dần của nền kinh tế. Các dự báo cho thấy, hoạt động ngân hàng năm 2014 tuy khó có thể bật lên mạnh mẽ, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định và có khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện trong sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng vẫn chưa có nhiều khác biệt và sáng tạo. Ở đây chúng ta đang đề cập đến sức cạnh tranh dựa trên sự khác biệt của các ngân hàng trong hệ thống với sự tham gia của 62 đơn vị, trong đó có 39 ngân hàng thương mại, 14 ngân hàng nước ngoài và 6 ngân hàng liên doanh.
Nhìn vào thực tế vừa qua khi cạnh tranh thu hút tiền gửi chẳng hạn, dường như vũ khí duy nhất được đem ra áp dụng là lãi suất huy động cao, thậm chí để tận dụng tối đa vũ khí này một số trường hợp cá biệt còn vi phạm quy định về lãi suất trần của NHNN. Nếu các ngân hàng quá chú trọng đến những chiêu thức như vậy vô hình trung sẽ triệt tiêu sức sáng tạo của chính mình, trong dài hạn điều này không có lợi cho bản thân mỗi ngân hàng và cho cả nền kinh tế.
Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam): Ngành ngân hàng dự báo còn khó khăn
Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa do cầu nội địa yếu, ngành ngân hàng dự báo sẽ còn khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là một môi trường thuận lợi để các ngân hàng phải lành mạnh hóa sổ sách kế toán, quay về tăng trưởng cốt lõi và tăng cường chất lượng dịch vụ để thu hút được khách hàng.
Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá đã rất thành công trong năm 2013, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì việc điều hành các chính sách linh hoạt như vậy, tôi tin rằng các chính sách này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tạo niềm tin của người dân vào tiền đồng, cộng với chi phí vay vốn ở mức hợp lý hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không xử lý dứt điểm, nợ xấu sẽ tăng cao và sự đổ vỡ hệ thống là một rủi ro lớn.