Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Tư pháp chiều qua (11/9).
Tòa án sử dụng vi bằng như một nguồn chứng cứ
Theo Chính phủ, hoạt động thừa phát lại (TPL) đã xác định được vị trí trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng TPL đã khẳng định thành công bước đầu của chủ trương thí điểm.
Trong đó, việc lập vi bằng được người dân đón nhận tích cực bởi đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vi bằng do TPL lập được các tòa án sử dụng như một nguồn chứng cứ để giải quyết các vụ án như tại TP.HCM, tòa án đã chấp nhận 117 vi bằng làm chứng cứ, đặc biệt trong một số vụ kiện lớn có yếu tố nước ngoài như vụ tranh chấp thương hiệu cà phê “Buon Ma Thuot” giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc…
Là một trong những chủ thể được thụ hưởng nhiều nhất từ hoạt động TPL, ông Tống Anh Hào - Phó Chánh án TANDTC đánh giá, hoạt động TPL đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động tố tụng của các tòa án, giảm tải công việc cho cán bộ tòa án thông qua dịch vụ tống đạt giấy tờ, nhất là tại một số địa bàn trọng điểm, có lượng án lớn.
Nhưng nhận thấy hoạt động TPL chủ yếu là việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng, còn ít xác minh và tổ chức thi hành án (THADS), Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thấy cần đánh giá rõ về hiệu quả của việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng để không khiến người dân đặt câu hỏi “sao cán bộ không làm mà chuyển cho dịch vụ công làm, hình thành bộ máy nhà nước mới dưới hình thức TPL”.
Còn bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ, nếu phát triển hệ thống TPL thì có giảm được chi phí và nhân sự của ngành tòa án, THADS vì TPL đã “gánh” một phần công việc của nhân viên tòa án, THADS. Bên cạnh đó, các hoạt động được giao cho TPL thực tế là do các chức danh tư pháp thực hiện thì cần xem xét qui trình bổ nhiệm TPL, “tính thêm” về thẩm quyền của TPL… trước khi quyết có tiếp tục thí điểm hay dừng lại.
Đủ cơ sở để tiếp tục phát triển và nhân rộng
Cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm, nhóm nghiên cứu của UBTP nhận xét quá trình thí điểm còn có một số vấn đề cần được đánh giá, phân tích sâu sắc hơn như việc tham mưu xây dựng thể chế còn chậm, thiếu đồng bộ là nguyên nhân làm thời gian thí điểm thực tế ngắn hơn so với qui định, hạn chế đáng kể đến việc thành lập và chất lượng hoạt động của các tổ chức TPL.
Quá trình hành nghề của một số văn phòng TPL còn có những sai sót ảnh hưởng tới niềm tin và sự lựa chọn sử dụng dịch vụ của người dân cũng như các cơ quan nhà nước. Nhiều TPL còn hạn chế về năng lực, đặc biệt là những nghiệp vụ liên quan đến tố tụng của tòa án, xác minh điều kiện và trực tiếp tổ chức thi hành án …
Dù vậy, đa số nhóm nghiên cứu cho rằng hoạt động thí điểm TPL đã có những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt hoạt động. Kết quả thí điểm thời gian qua là những cơ sở thực tiễn quan trọng và đáng tin cậy để xem xét cho phép mô hình tổ chức này được tiếp tục phát triển và nhân rộng.
Đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ của TPL đối với hoạt động của tòa án, THADS như báo cáo của Chính phủ, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM đồng tình với việc cho phép tổ chức TPL tại những địa phương có nhu cầu; đồng thời lưu ý phải kiểm soát để đảm bảo hiệu quả của loại hình dịch vụ công này.
Mặc dù còn một số thành viên UBTP băn khoăn tính phù hợp của hoạt động TPL với thực tiễn trong nước nhưng ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm UBTP cho biết, UBTP sẽ đưa ra hai phương án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thí điểm đến giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; hoặc qua kết quả thí điểm, cho phép xây dựng Luật TPL như đề xuất của Chính phủ để thực hiện chính thức chế định này tại các địa phương theo lộ trình hợp lý, nhưng phải xem xét kỹ thẩm quyền, phạm vi hoạt động của TPL. Trong thời gian chưa có luật thì cho phép các văn phòng TPL tiếp tục hoạt động.
Tiết kiệm kinh phí, nhiều cơ hội chọn người tài
Đó là một trong những ưu điểm được Chính phủ chỉ ra để đề xuất qui định về mô hình đào tạo chung đối với các chức danh thẩm phán (TP), kiểm sát viên (KSV) và luật sư (LS) trong Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp được UBTP thẩm tra chiều qua (11/9).
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đào tạo chung là mô hình đào tạo có ưu điểm vượt trội so với đào tạo riêng từng chức danh như cho phép lựa chọn người giỏi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc tuyển dụng công chức cho ngành tòa án, VKS, đáp ứng nhu cầu luân chuyển, chuyển đổi vị trí công việc giữa các chức danh này. Trang bị nền tảng kỹ năng, kiến thức chung cho người học, làm cơ sở để thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng trong xét xử; cho phép lựa chọn những LS xuất sắc để bổ nhiệm TP, KSV, mở rộng nguồn bổ nhiệm TP, KSV từ LS, luật gia và tiết kiệm được kinh phí hơn so với đào tạo riêng từng chức danh.
Với những ưu điểm này, các bộ, ngành đều nhất trí việc qui định mô hình đào tạo chung và đa số cho rằng nên giao cho Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) tổ chức thực hiện mô hình này. Đồng tình, Nhóm nghiên cứu của UBTP nhận thấy đào tạo các chức danh tư pháp là hoạt động đào tạo nghề đặc thù, qui trình bổ nhiệm chức danh này rất chặt chẽ nên việc giao cho Học viện Tư pháp đào tạo chung là phù hợp vì Học viện Tư pháp đã có kinh nghiệm, cơ sở vật chất qua hoạt động đào tạo TP, KSV, LS cũng như phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của Học viện Tư pháp và để thực hiện chủ trương xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.