Doanh nghiệp đang chờ hành lang pháp lý
Theo một cuộc khảo sát, có hơn 50% doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ biết sơ qua về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và thị trường carbon, nhưng không nắm rõ cách thức hoạt động. Hệ thống pháp lý hiện hành chưa cung cấp đủ hướng dẫn và quy định cụ thể về quy trình giao dịch, quản lý và giám sát tín chỉ carbon, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ và triển khai.
Thị trường tín chỉ carbon là một trong những định hướng quan trọng giúp các quốc gia và doanh nghiệp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Các chính sách liên quan đến tín chỉ carbon đã được khởi động từ sớm.
Đặc biệt, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone đánh dấu một bước tiến trong việc tạo ra nền tảng chính sách cơ bản để vận hành thị trường carbon trong nước, hướng đến cuộc đua toàn cầu về phát triển thị trường carbon. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho việc triển khai và phát triển thị trường này gặp không ít khó khăn.
Trước hết, tín chỉ carbon hay quyền carbon là tài sản vô hình và cần được pháp luật bảo vệ, nhằm bảo đảm các hoạt động giao dịch, mua bán trên thị trường carbon, cũng như việc triển khai các dự án liên quan đến tín chỉ carbon, được thực hiện minh bạch và đồng bộ. Do vậy, việc hình thành tài sản này cần được pháp luật quy định, làm rõ được những băn khoăn của doanh nghiệp và các bên liên quan như tín chỉ carbon là gì, đây là tài sản của doanh nghiệp hay của người lao động, hay của pháp nhân thương mại, hay của từng cá nhân.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã có Nghị định 06/2022/NĐ-CP, nhưng các quy định cụ thể về quy trình giao dịch, quản lý và giám sát tín chỉ carbon vẫn chưa được định hình rõ ràng. Lỗ hổng về cơ chế quản lý và giám sát tạo ra hạn chế về tính minh bạch, đồng bộ giữa các dự án và giao dịch tín chỉ carbon.
Các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường carbon cũng đang gặp khó khăn trong việc xác định các tiêu chuẩn cần tuân thủ và quy trình cần thực hiện. Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về đo lường, báo cáo và kiểm định lượng phát thải carbon đã tạo ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp và tổ chức.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn quốc tế về tín chỉ carbon thường đòi hỏi các phương pháp đo lường và kiểm định phức tạp, cần sự tham gia của các tổ chức có chuyên môn cao, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được. Ví dụ cụ thể là câu chuyện kiểm kê khí nhà kính - bước khởi đầu để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia “đặt chân” vào thị trường tín chỉ carbon.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành danh mục cụ thể, xác định các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, song việc thực hiện như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Có nhiều nguyên nhân đã được thảo luận trong các hội thảo, toạ đàm, tập huấn thời gian qua, chẳng hạn như doanh nghiệp không có thông tin, có thông tin nhưng đang chờ đợi xem đã có ai làm chưa, thông tin sai; doanh nghiệp chưa đủ năng lực và nguồn lực;…
Bên cạnh đó, việc thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, cùng với hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định và chứng nhận tín chỉ carbon, cơ sở dữ liệu và hệ thống đăng ký tín chỉ carbon hiện còn thiếu sót và không đầy đủ, đặt ra nhiều vấn đề về mô hình thị trường, cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy và xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải để xây dựng và phát triển một thị trường tín chỉ carbon đồng bộ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang mòn mỏi chờ đợi các hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ về cách thức tham gia và giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon. Nhiều chuyên gia đánh giá, so với sự sẵn sàng của doanh nghiệp, tốc độ ban hành và hoàn thành cơ chế, chính sách vẫn… tương đối chậm.
Dù vậy, điều quan trọng hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức muốn “bước chân” vào thị trường carbon là một hệ thống chính sách ổn định, chắc chắn, nhất quán, bền vững, nên dù “chậm mà chắc” còn hơn “nhanh nhưng không chắc chắn”.
Cần hệ sinh thái chính sách cho carbon rừng
Thị trường carbon được xem như cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghệ ít carbon, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cả lãnh đạo về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế. Trong đó, một thị trường carbon rất giàu tiềm năng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
Việt Nam có diện tích rừng rộng lớn, đặc biệt là rừng ngập mặn và rừng tự nhiên, có khả năng hấp thụ carbon cao. Những hệ sinh thái này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn thông qua các chương trình tín chỉ carbon, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu.
Tại Hội thảo “Chia sẻ cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển”, TS. Phạm Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc) cho biết: Trong vòng 20 năm trở lại đây, có tới 55% của toàn bộ các giao dịch liên quan tới thị trường carbon trên thế giới đều ở ngành lâm nghiệp.
Ngoài giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng còn có tiềm năng hỗ trợ cộng đồng, dân tộc thiểu số, từ đó có giá trị gia tăng về mặt xã hội. Mặt khác, thống kê cho thấy thời gian qua Việt Nam đã tạo ra và bán được hơn 40 triệu tín chỉ carbon từ rừng. Việt Nam cũng tham gia những cơ chế như CAM, cơ chế tiêu chuẩn vàng (GS)… và một số hoạt động khác trong lĩnh vực lâm nghiệp, liên quan đến trồng rừng và tái trồng rừng.
Thương mại carbon rừng không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của mỗi quốc gia, mà các nhà đầu tư còn cần sự ổn định về hành lang pháp lý và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về mua bán carbon rừng, cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon trong nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn thiếu sự đồng bộ. Việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án hiệu quả.
Theo đó, phần lớn diện tích rừng và vùng sản xuất nông nghiệp chưa được phát triển tín chỉ carbon. Ngoài rừng tự nhiên, các loại rừng khác, chẳng hạn như rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển là một tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác đầy đủ.
Để phát triển thị trường carbon rừng bền vững, trước hết, cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, quy định cụ thể về quyền sở hữu, giao dịch và quản lý tín chỉ carbon rừng. Điều này bao gồm cả việc định nghĩa rõ ràng các tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan đến đo lường, báo cáo và thẩm định lượng carbon được lưu trữ trong rừng.
Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ việc đo lường và giám sát carbon rừng. Việc ứng dụng công nghệ mới, như giám sát bằng vệ tinh và sử dụng cảm biến từ xa, sẽ giúp nâng cao độ chính xác trong việc đo đạc và theo dõi biến động carbon rừng.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với thị trường tín chỉ carbon rừng là việc bảo đảm lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nhiều dự án tín chỉ carbon hiện nay chưa mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, dẫn đến sự thiếu tín nhiệm và tham gia của cộng đồng.
Để giải quyết vấn đề này, cần phải có các cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và công bằng, bảo đảm rằng người dân địa phương được hưởng lợi từ các dự án bảo vệ rừng và giảm phát thải.
Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia vào các dự án carbon rừng. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính từ các quỹ môi trường và các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các bên liên quan.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống đăng ký tín chỉ carbon từ rừng. Việc này không chỉ giúp quản lý hiệu quả các giao dịch tín chỉ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và báo cáo.