Tai nạn trên đường mưu sinh
Sáng ngày 15/9 người dân bản Chiềng Cà 2 vẫn còn bàng hoàng, đau xót sau vụ sạt lở núi khiến 2 người chết, 5 người mất tích khi vào rừng hái măng, không khí tang thương bao trùm bản nghèo. Nhóm thanh niên trai trẻ khoảng 10 người đến gia đình có người tử nạn giúp lo hậu sự. Phụ nữ, người già đi thăm 3 người may mắn sống sót trở về.
Chị Vi Thị Di (người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở) bàng hoàng nhớ lại: “Mọi người đang say giấc thì nghe tiếng động ầm lớn như động đất kèm theo gió mạnh. Mình bị hất văng ra khỏi lán rồi nhanh chân đứng dậy và trèo lên mô đất cao gần đó. Tất cả mọi thứ bị dòng nước dữ cuốn phăng”.
Chị kể, 9h sáng 12/9, hơn 10 người bản Chiềng Cà 2 và bản liền kề mang theo nhiều nhu yếu phẩm, dụng cụ hái măng băng 12km đường rừng vào khu vực khe Con, giáp ranh huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Nơi đây, có nhiều lán trại họ đã dựng sẵn bên bờ suối 2 năm nay để ở lại mỗi lần vào rừng.
Một ngày sau, cơn mưa lớn kéo dài đổ xuống khu vực này khiến việc hái măng của họ gặp nhiều khó khăn. Khoảng 3h sáng 14/9, chị Di cùng 3 người họ hàng là vợ chồng người chú Vi Văn Ứ (46 tuổi), Vi Thị Nội (47 tuổi) và anh Hoàng Văn Đông (anh con bác) đang ngủ say trong lán thì cơn lũ quét bắt đầu ập đến.
“Mọi người đang say giấc thì nghe tiếng động ầm lớn như động đất kèm theo gió mạnh. Mình bị hất văng ra khỏi lán rồi nhanh chân đứng dậy và trèo lên mô đất cao gần đó. Trong đêm tối, mình cố gọi tên vợ chồng chú và anh họ. Mình có nghe chị Nội hét lên: ‘Trời ơi, cái chi đây”, anh Đông nói to: “Đang sống đây” rồi im lặng” – chị Di giọng đứt quãng.
Trong đêm tối và mưa lạnh chỉ biết bám vào một cành cây và đứng yên tại chỗ. Tờ mờ sáng, chị mới nhìn thấy khu vực khe Con ngập đầy nước lũ và đất đá. Lán trại, tài sản cùng mọi thứ đã bị dòng nước dữ cuốn phăng. Người thân cũng không thấy một ai. Cố đi thêm một đoạn để tìm kiếm thì phát hiện chú Ứ co ro trong mưa lạnh, cũng may là bám vào được cánh cây mới sống sót.
Biết được dù có ở lại cũng không thể tìm được những người đã mất tích nên chị Di cùng chú Ứ băng rừng trở về. Sau 5 tiếng đi bộ đường rừng trong mưa lạnh, đói và mệt lả, họ mới về tới bản.
“Mình ngất xỉu vì mệt rồi được mọi người đón và chăm sóc nên mới tỉnh. Lúc nghe tiếng con gái nhỏ gọi ‘Mẹ ơi! Mẹ còn sống à” thì mình mới biết mình đã về nhà” – chị Di nói dứt câu rồi đưa tay gạt dòng nước mắt lăn trên gò má khắc khổ.
Vừa kể chị vừa nhìn xa xăm về phía rừng sâu, nơi những người thân, hàng xóm của mình vẫn còn đang mất tích. Hàng xóm vây kín động viên, an ủi chị Vi.
Anh Vi Văn Ứ cho hay, lúc xảy ra sạt lở, ngoài lán của gia đình anh còn có 2 lán gần đó. Một lán có 3 người thì may mắn sống sót; lán còn lại có 6 người thì 4 người hiện đang mất tích, 2 người đã tìm thấy thi thể là anh Vi Đình Khoa (38 tuổi) và Lương Văn Thoại (22 tuổi).
Xót xa những mảnh đời nghèo
Được biết, các gia đình có những người gặp nạn đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Tháng 7, 8 Âm lịch là mùa bà con vào rừng sâu hái măng kiếm thêm thu nhập. Trên đường đi hái măng bà con không may gặp nạn. Biết là vào rừng mùa này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng vì miếng cơm, manh áo, người dân vẫn phải liều mình. Một người dân nghẹn ngào chia sẻ: “Nghèo quá, chẳng biết làm gì nên chỉ biết bám vào rừng để sinh nhai thôi. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt là thế…”.
Được biết, nhận tin báo về vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên, ngay trong đêm 14/9, đích thân ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại bản Cà Chiềng 2 thăm hỏi gia đình có người bị nạn và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ những gia đình có người bị tử vong số tiền 5 triệu đồng, huyện Như Xuân hỗ trợ 7 triệu đồng. Đối với người bị thương được hỗ trợ 1 triệu đồng.