Thương hiệu “cụ Tám Giời”
Xuôi theo Quốc lộ 1A, qua Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang, hỏi về điện “cụ Tám Giời”, hay còn gọi là “cụ Giời”, tôi được những người lái xe ôm chỉ dẫn tận tình từng đường đi nước bước. Tới cây xăng xã Tăng Tiến, nằm ở ven Quốc lộ 1A, mới nghe vị khách hỏi đến tên “cụ Tám Giời”, một người phụ nữ đã vanh vách: “Cứ đi thẳng đến mãi cuối làng, không cần phải hỏi ai, thấy chỗ nào có nhiều ô tô thì dừng lại”.
Tiếp tục dừng chân ở một quán nước nhỏ, trong vai người đi chữa bệnh, tôi được ông chủ quán khuyên nếu là “bệnh dương” như lở loét dạ dày, ung thư... thì không nên đến chữa vì cụ Tám chỉ giỏi “chuyên môn” về bệnh “đường âm”.
Nghe chồng mình hướng dẫn vị khách phương xa, bà chủ quán cũng tỏ ra nhiệt tình khuyên bảo: “Đi chữa bệnh đường âm thì phải nhất tâm, đừng có thăm dò gì cả. Nếu cái tâm của mình có thật thì ắt sẽ hiệu nghiệm”.
Tiếp đó, bà chủ quán kể rằng có những pha “kinh điển”, bệnh nhân bị bệnh viện trả về, mắt đã trợn ngược, tứ chi không cử động, người nằm đưỡn ra chờ giờ chết. Thế nhưng, cụ Tám chỉ lẩm bẩm vài câu “thần chú”, dậm chân cho mấy “nhát” thì bệnh nhân đã ngồi dậy, đi lại bình thường.
Ca bệnh này chính mắt bà chủ quán chứng kiến thế nên không tin không được. “Hữu xạ tự nhiên hương, giờ thì dân trí cao lắm rồi, nếu không tận mắt nhìn thấy thì chẳng ai tin đâu”, bà chủ quán nước khẳng định.
Tôi giả bộ tâm sự về triệu chứng mất ngủ đêm, người cứ ngây ngây cả tháng nay của mình. Như bắt được bệnh của tôi, bà chủ quán “phán” rằng triệu chứng ấy thì đúng là đã bị vong hành. Vì vậy, bà khuyên tôi rằng đến với “cụ Tám” là gặp đúng thầy, đúng thuốc, rằng với bệnh của tôi thì “cụ” chỉ cần xoa xoa, đấm đấm cho vài cái là... lành người.
Như để thuyết phục tôi, bà chủ quán nước còn kể thêm một số ca bệnh kinh điển khác từng qua tay “cụ Giời”. Theo đó, có người trước đây cũng đến điện xin “cụ Tám” chữa bệnh. Khi người này vừa vào tới cửa với bộ dạng thất thểu thần sắc vô hồn, “cụ” phán ngay có cả đàn ma lớn, ma bé đang đi theo. Thế là, “cụ” tát cho vài cái, bệnh nhân tự nhiên tỉnh táo, hoạt bát lạ thường.
Còn có ca bệnh là một cậu thanh niên lưỡi cứ thè lè, miệng chảy đầy dãi, đi viện chữa hết cả trăm triệu đồng không khỏi. Đến “cụ Tám”, “cụ” “soi” cho rồi bảo trước kia mẹ của anh này có mang thai nhưng đã nạo bỏ nên vong đó theo hành... Để chữa ca này, “cụ Tám” chỉ cần... bóp cổ bệnh nhân vài lần, thế là lưỡi tự dưng ngắn lại như bình thường...
Những câu chuyện thấm đưỡm màu tâm linh đó làm cho chúng tôi càng tò mò và muốn diện kiến cụ “Tám giời” hơn để xem y đức và quyền phép của “cụ” linh diệu như thế nào.
Khúc dạo đầu thô tục
Trong vai bệnh nhân bị vong hành lần đầu đến thỉnh “cụ giời”, tôi tỏ vẻ ngây ngô, lúng túng. Hỏi một phụ nữ đang lúi húi chế biến thức ăn trong gian bếp nhỏ nhà “cụ Tám” thì được biết, điện “cụ Tám” không thờ thánh thần nên thủ tục cũng đơn giản, khách không cần hương hoa mà chỉ cần đặt lễ bằng tiền mặt, ít hay nhiều tùy tâm.
Điện chính nơi “cụ Giời” “ngự” là một ngôi nhà cấp 4, ba gian xây theo lối kiến trúc cổ, ngói vảy rồng, kèo cột đều làm bằng gỗ sơn màu gụ rất tôn kính. Vào bên trong, chính điện là một bàn thờ tam cấp nhưng chỉ có 2 bát hương và 2 đôi lọ lục bình.
Thắc mắc về cách bài trí sơ sài khác hẳn những đền điện trước kia tôi từng ghé qua thì được một đệ tử cho biết, “cụ Giời” là con của Trời, đây là “cửa thiên” nên không thờ thánh thần nào cả. “Cửa Trời” chính là một ô cửa vòm cao chừng 1m, rộng khoảng 1,2m nằm ở cấp cuối cùng của ban thờ.
Không khó để nhận ra cụ “Tám Giời” là một bà cụ có thân hình gầy khòng kheo nhưng trông rất rắn rỏi, ăn vận bộ đồ trắng tinh ngồi ở giữa chiếu.
Do chưa đến lượt mình nên tôi cũng chỉ lặng lẽ ngồi ở chiếu nơi chính điện để tiện quan sát tài chữa bách bệnh bằng phương pháp tâm linh của “cụ Giời”. Lúc này “cụ” đang chữa bệnh cho một người đàn ông tuổi trung niên, nghe nói cũng là thuộc diện khá giả ở TP.Bắc Giang. Từ sáng sớm, hai vợ chồng người này đã đi bằng xe ô tô hạng sang tới nhà “cụ Tám” để xin chữa bệnh “đường âm”.
Ngồi dáng thiền trước “cửa thiên”, người đàn ông đang gật gù thì “cụ Tám” đột nhiên “thăng”. Mặt “cụ” gân lên, biến sắc, vung tay múa. Giọng cụ khàn khàn liến thoáng nói về phúc đức ăn lộc Giời, cứu nhân độ thế, tu hành khổ hạnh... nhưng nhiều nhất vẫn là nhắc tới cô con dâu tên Son.
Mỗi khi nhắc tới cô con dâu này thì cụ Tám lại tuôn thành tràng những lời bức bối đầy cục súc. Cả đoàn người ngồi chiếu sau thấy vậy liền khấn vái xì xụp, chắp tay đồng thanh liên hồi: “Xin cụ sám hối... sám hối...”. Đồng thời, các đệ tử truyền thanh nhau hối thúc cô Son lên nhận tội với “cụ Giời”.
Hỏi một đệ tử ngồi cùng chiếu, tôi mới vỡ lẽ “cụ Tám” đã “thoát xác”, còn phần hồn chính là “thánh cha” - người thần sinh ra “cụ Tám” áp vong. Câu chuyện bắt nguồn từ việc, sáng sớm cô Son đã có lời lẽ không hay với “cụ Tám”. Thương đứa “con Giời” nên “thánh cha” đã áp vong để hành cô Son chịu tội.
Lúc này thì “cụ Tám” đã đứng vai “thánh cha” chính hiệu. Sau hồi thỉnh chuông, “cụ Giời” ra lệnh: “Gọi lên đây!” (tức gọi cô Son - PV). Các đệ tử khúm núm nghe theo lệnh “cụ”, tức tốc gọi cô Son đang nấu cơm dưới bếp lên, bắt quỳ phục xuống nền nhà ngay chính điện. Mọi con mắt đổ dồn vào nhìn cô Son, đó là một người phụ nữ tuổi trung niên, da nâu sạm, dáng người thấp nhỏ.
Đứng trước kẻ đã hỗn láo với mình, “cụ Giời” liên tục gằn giọng khàn khàn nói oang oang: “Điện Thiên Long để phục ở trần, con dâu gì mà lại cãi nhau với Tám. Không được nghi kỵ, không được cãi nhau ở cửa nhà Giời, không được nói năng nghi kỵ ở cửa nhà Giời...”.
Sau mỗi lời nói của “cụ Giời”, các đệ tử lại thay nhau vỗ về: “Xin cụ sám hối, cụ sám hối...”. “Giết!”. “Cụ Giời” rít lên, kèm theo vài hồi chuông. Các con nhang thấy thế lại xì xụp, đồng thanh rì rầm: “Lạy cụ sám hối”.
Được thể, “cụ Giời” lại càng “bốc”, liên thanh cả một tràng: “Ta nói... cho các ngươi! (thành điệp khúc 4 đến 5 lần lặp lại - PV). Không được lộng quyền, con ta là Tám khổ 13 năm nay, ăn không được ăn, ngủ không được ngủ, không được ăn thứ ngon vật lạ, uống toàn nước lã, ngày nay được phò tá đất nước. Phải ký lệnh không được xúc phạm, không thì đuổi cút... đuổi cút! Không được hỗn láo, con tao cha Nga, mẹ Hằng nuôi, đất này không nuôi được con tao.
Không được hỗn láo... Phản con tao không được, phản con tao không được... Con Tám của ta tu 13 năm nay đã định cho lộc rồi nhưng vì con dâu “mày tao chí tớ”, bá chủ cái điện này à? Mày tao chí tớ à! Ngày hôm nay tao là thần linh, không nghe ta cho vẹo đầu, cho lè lưỡi, cho lè lưỡi...”.
Những điệp khúc cứ thế được “cụ Giời” cất lên với vẻ mặt đằng đằng sát khí. Còn cô Son cũng chẳng biết làm gì hơn là khúm núm quỳ gập lưng nhận tội.
Cứ như vậy, miệng rít lên, lúc tay gõ chuông, lúc tay vỗ tay thành từng hồi bôm bốp, “cụ Giời” càng lúc càng “thăng” một cách “bốc” hơn. Thậm chí, “cụ” còn định cầm cả chiếc chuông sấn đến “tương” thẳng vào đầu cô con dâu nhưng bị các con nhang đệ tử ngăn lại.
Những lời thô tục phát ra từ miệng “cụ” nếu bình thường thì không ai chấp nhận được nhưng vì lúc này “cụ” đang là thần thánh và đang tức giận nên chẳng ai dám trách nửa lời. Lúc thì “cụ Giời” nói như mẹ chồng đang răn dạy nàng dâu, lúc thì nói như kiểu là “thánh cha” áp vong, cứ hư hư thực thực. Thật khó để phân biệt đâu là “cụ Tám”, đâu là “thánh cha”.
Cuối cùng, kết thúc màn kịch dạo đầu “hóa thánh” ấy, “cụ Giời” nói cụt lủn một câu: “Bước!”. Chỉ đợi có thế, cô Son lập tức đứng dậy rồi khúm núm đi ra khỏi điện.
Khi bóng cô con dâu đã khuất, “thánh cha” có vẻ “hiện nguyên hình” là “cụ Tám”, quay sang cười trừ, tỏ rõ vẻ hả hê với các con nhang đệ tử, hỏi “cụ” dạy dỗ con dâu như vậy đã được chưa? Chẳng ai bảo ai, tất cả lại xì xụp khấn vái, miệng lẩm bẩm: “Xin cụ sám hối...”.
Rồi sau một hồi chuông, “thánh cha” đã thoát xác “cụ” bằng câu nói: “Giao trả bà Tám cho mọi người nhé, ta về chùa đây!”.
Sau màn kịch “cụ giời” răn dạy con dâu, tôi hồi hộp đợi xem ca chữa bệnh đường âm bị đứt đoạn ban nãy. Người đàn ông vẫn ngồi dáng thiền từ từ quay sang đối diện với “cụ Tám”, đặt tay lên gối để “cụ Giời” bắt mạch...
(Còn nữa)
Mời các bạn đón đọc kỳ sau trên Báo Pháp luật Việt Nam số Chủ nhật ra ngày 11/5/2014