Xử lý chậm do nguyên nhân khách quan
Ông Phan Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) cho biết, Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỏ Cày Nam về việc “bóp” luồng kênh Mỏ Cày. Theo đó, kênh Mỏ Cày sẽ có phạm vi luồng tàu chạy mới là 36 mét, hành lang bảo vệ mỗi bên là 11 mét. Như vậy, tổng cộng hành lang an toàn giao thông đường thủy mới, bao gồm luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ hai bên, là 58 mét (giảm đi 12 mét so với hành lang cũ, được áp dụng từ năm 2002).
Ông Hợp cũng cho biết, UBND huyện sẽ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với chủ các công trình kiên cố, tạm bợ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy trên kênh Mỏ Cày theo hệ thống chỉ giới cũ. Đáng chú ý là việc tháo dỡ các công trình này lại được áp dụng theo chỉ giới mới và phần lớn các trường hợp sẽ “thoát”, không bị tháo dỡ do đều nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường thủy mới (so với hệ thống chỉ giới cũ thì tất cả đều vi phạm và phải bị tháo dỡ).
Trả lời câu hỏi về lý do tại sao không áp dụng hệ thống chỉ giới cũ để tháo dỡ các công trình vi phạm, ông Hợp giải thích rằng làm như vậy là vì vấn đề “kinh tế” (tức tiết kiệm, tránh lãng phí - PV). Ông Hợp cho rằng nếu tháo dỡ theo chỉ giới cũ thì chủ các công trình vi phạm sẽ tiếp tục xây dựng trở lại và chỉ gây lãng phí.
Như vậy, sau hơn 5 năm “dậm chân tại chỗ”, việc xử lý các vi phạm trên tuyến kênh huyết mạch của tuyến đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh đi Trà Vinh đã được giải quyết theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. Sau hơn 5 năm ngang nhiên tồn tại, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông trên kênh Mỏ Cày đã được “hợp thức hóa”. Ông Phan Văn Hợp cho rằng mọi việc là đúng quy định của pháp luật, chỉ có việc chậm trễ trong xử lý các công trình này là sai quy định, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan.
Theo ông Nguyễn Văn Trưởng, Phó Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng huyện Mỏ Cày Nam, đơn vị trực tiếp phụ trách, việc xử lý các công trình vi phạm hàng lang an toàn giao thông thủy trên kênh Mỏ Cày chậm trễ là do công tác phối hợp giữa các bên liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số công trình vi phạm được xây dựng từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý đến nơi đến chốn là do việc xác định mức độ vi phạm rất khó. Ngành chức năng của huyện không thể tiến hành đo đạc thủ công để xác định diện tích vi phạm. Việc đo đạc phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và do Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 11 đảm trách.
Thêm nữa, mặc dù các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy, nhưng lại đúng theo diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nguyên nhân là hệ thống mốc (bao gồm luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ) được công bố vào năm 2002, trong khi sổ đỏ được cấp cho các hộ dân vào năm 2000.
Cũng theo ông, từ cuối năm 2009, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính một số trường hợp nhưng người dân không chấp nhận mà liên tục khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa. Đây là lý do chính khiến việc xử lý các công trình này chậm trễ và kéo dài đến nay.
Chính quyền huyện đã không quyết liệt
Ông Phan Văn Hợp cho biết việc tháo dỡ các công trình vi phạm sẽ được tiến hành sau khi các ngành liên quan tiến hành đo đạc, cắm mốc để xác định lại luồng tàu chạy và phạm vi bảo vệ theo quyết định mới của Cục Đường thủy nội địa.
Ông nhấn mạnh việc UBND huyện Mỏ Cày Nam đề xuất “bóp” luồng và hành lang bảo vệ trên tuyến kênh Mỏ Cày là phù hợp với quy định thực tế. Thứ nhất là công trình kè sông Mỏ Cày đã thiết kế và xây dựng một phần theo phạm vi luồng tàu 36 mét, hành lang mỗi bên 11 mét. Thứ hai là nhiều năm qua, lượng tàu bè lưu thông qua tuyến kênh này ngày càng giảm, tải trọng cũng thấp hơn. Thứ ba là việc điều chỉnh luồng tàu và hành lang bảo vệ sẽ “hỗ trợ phát triển kinh tế hai bên bờ sông”.
Tuyến kênh Mỏ Cày có tổng chiều dài là 18 km, đi qua các xã Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh và thị trấn Mỏ Cày. Toàn tuyến có hơn 50 công trình thô sơ, kiên cố vi phạm luồng chạy tàu và hành lang bảo vệ hai bên, chủ yếu được xây dựng từ trước năm 2009. Đây là tuyến kênh nối liền hai sông Hàm Luông, Cổ Chiên và là tuyến kênh huyết mạch của tuyến đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh đi Trà Vinh.
Như vậy, rõ ràng UBND huyện Mỏ Cày Nam đã không quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy trên kênh Mỏ Cày. Thay vào đó là “nhận định” việc xử lý rất khó. Đến nay lại áp dụng theo quy chuẩn vừa mới ban hành để xử phạt các công trình, hành vi vi phạm đã có từ hơn 5 năm trước.