“Ép” dân?
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thu cùng một số người dân trú tại tổ 7, thị trấn Chùa Hang, sau khi UBND huyện Đồng Hỷ có Thông báo số 139 -TB/UBND ngày 02/8/2011 về việc giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đầu tư xây dựng khu dân cư tổ 7, thị trấn Chùa Hang, hơn 20 hộ dân tại đây đều nhất trí di dời ủng hộ chủ trương của chính quyền. Tuy nhiên, cho rằng UBND huyện Đồng Hỷ đang “lờ” đi việc đền bù, hỗ trợ phần tài sản trên đất, người dân đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Ngày 29/9/2014 Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ có Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu với các hộ dân này, không công nhận việc đòi quyền lợi chính đáng của người dân là khối tài sản gồm nhà cửa và cây cối mà các hộ dân tại đây đã gây dựng nhiều năm qua.
Không đồng tình, các hộ dân tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Thái Nguyên. Vụ việc được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác minh làm rõ.
Trong khi các hộ dân khiếu nại theo đúng quy định pháp luật thì các đơn vị chức năng tại thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ lại có biểu hiện “o ép” người dân để họ chấp thuận GPMB và từ bỏ quyền khiếu nại chính đáng của mình. Bà Thu cho biết: “Chỉ ít ngày sau, với sự hậu thuẫn của Công an thị trấn, đơn vị thi công đã đem thiết bị máy móc đến phá đường, cây cối, tài sản của chúng tôi trong giờ làm việc. Hành vi sai trái này chỉ được ngăn chặn khi một số hộ dân chúng tôi được cấp báo và có mặt để yêu cầu họ xuất trình các văn bản theo đúng pháp luật”.
Không những vậy, tất cả các hộ gia đình có đơn khiếu nại đều bị quy là “chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc trả lại mặt bằng khu dân cư tổ 7 theo Thông báo, Công văn của UBND huyện Đồng Hỷ” nên “không đạt Gia đình văn hóa năm 2014”. Không những thế, “nhiều đảng viên sinh hoạt tại địa phương đều được nhận xét là “chưa thực hiện tốt về tính tiên phong, tính nêu gương và nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú trong thực hiện việc di dời, trả lại mặt bằng khu dân cư tổ 7 thị trấn Chùa Hang” - bà Thu bức xúc nói...
Đối thoại thiếu dân chủ?
Sau gần một năm tiếp nhận đơn khiếu nại, mãi đến ngày 16/9 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên mới tổ chức được cuộc đối thoại trực tiếp với người dân (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm chủ trì) nhằm rà soát giải quyết dứt điểm khiếu nại theo quy định. Nhưng theo một số người dân thì cuộc đối thoại này chỉ mang tính hình thức và thực hiện theo kiểu áp đặt vì biên bản đối thoại đã được chuẩn bị sẵn. Biên bản được lập sẵn chuẩn bị cho cuộc đối thoại dự kiến tổ chức ngày 09/9/2015 nhưng khi được chuyển sang ngày 16/9/2015 thì các cơ quan giúp việc UBND tỉnh cũng chẳng buồn in lại mà chỉ dùng bút bi để sửa chữa.
Trao đổi với phóng viên, các hộ dân tổ 7 cho biết: “Những phát biểu, dẫn chứng của chúng tôi khi đòi quyền lợi hợp pháp của mình về tài sản trên đất cũng như những yêu cầu về việc chính quyền đưa ra các văn bản dẫn chứng đều không được ghi vào biên bản”.
Luật sư Đặng Anh Đức - Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng và Cộng sự - cho biết, với những việc làm như không công nhận Gia đình văn hóa, tự ý cưỡng chế GPMB, nhận xét và gửi văn bản nhận xét cấp ủy nơi cư trú “tùm lum”… như nêu trên thì cán bộ địa phương ở đây đã vi phạm Điều 6 Luật Khiếu nại.
Cũng theo Luật sư Đức, việc chính quyền tỉnh Thái Nguyên tổ chức đối thoại với công dân theo kiểu định sẵn kết quả, làm cho đủ thủ tục mà không quan tâm đến nội dung cuộc đối thoại là trái với quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại.
Và chính những việc làm không minh bạch, thiếu dân chủ như trên khiến người dân thêm nghi ngờ việc UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục “bao che” cho cấp dưới, “ép” người dân từ bỏ quyền và lợi ích chính đáng.