Thấm thoắt Phương lấy chồng đã được 6 năm, một hai năm đầu thấy chưa có gì, hai vợ chồng trẻ còn lấy làm mừng vì có thời gian để phấn đấu công việc và vui chơi cho thỏa thích. Nhưng đến năm thứ ba, rồi thứ tư, mọi thứ vẫn im ắng thì Phương bắt đầu lo.
Dẫn nhau đi khám, hai vợ chồng té ngửa khi lỗi nằm ở cả hai. “Chất lượng” của chồng Phương chỉ có vỏn vẹn 2%, hay nói như bác sĩ là “trong veo như nước”. Còn Phương, do cơ địa mà thỉnh thoảng cô mới có một quả trứng đáp xuống. Biết tình cảnh khó khắc phục, hai vợ chồng bàn nhau dành dụm tiền để làm thụ tinh ống nghiệm. Nhưng bất ngờ là dù rất mong mỏi có cháu nhưng bà Liên lại phản đối kịch liệt.
“Bố con mất rồi, các con lại đi cả ngày, mẹ còn mong nhà thêm người hơn cả các con ấy chứ. Nhưng mẹ không nhất trí với phương án ống nghiệm đâu, chẳng thà đi xin con về mà nuôi. Mẹ đọc báo thấy các nhà khoa học tổng kết so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ mang thai bình thường, những trẻ sinh ra nhờ ống nghiệm phải đối diện với sự gia tăng 25% nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Mà ở ngoài đời mẹ cũng chứng kiến cháu của bạn mẹ rồi, cũng thụ tinh ống nghiệm đấy mà đẻ ra đã chẳng ra trai, chẳng ra gái rồi, phải đợi lớn làm đủ các xét nghiệm mới quyết định sẽ thành trai hay gái, khổ lắm” – bà Liên nói một hồi làm cho vợ chồng Phương cũng thấy hoang mang.
Sáng nay đến cơ quan, không hiểu người đồng nghiệp nào đã ý nhị để sẵn trên bàn Phương một tập tài liệu. Cầm lên đọc, sau từng trang, nét mặt cô như dãn ra với những nụ cười. Phương cầm máy gọi chồng, hẹn anh đi ăn trưa để cùng đọc. Tập tài liệu cho biết, mới đây một nghiên cứu được công bố trên tờ JAMA Pediatrics cho thấy trẻ sinh ra bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hầu như không gặp rủi ro nào về chậm phát triển so với các bé sinh bình thường.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chuyên gia Edwina Yeung từ Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người (Mỹ) đã theo dõi 5.800 trẻ được sinh ra ở New York từ năm 2008 đến 2010, trong đó 1.830 bé chào đời nhờ các phương pháp điều trị vô sinh khác nhau. Phụ huynh tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi về khả năng vận động, ngôn ngữ, phát triển xã hội, giải quyết vấn đề của con.
Nghiên cứu cũng tính đến yếu tố tuổi tác, trình độ học vấn của cha mẹ cũng như thói quen uống rượu, hút thuốc của người phụ nữ trong quá trình mang thai. Kết quả cho thấy, mỗi hạng mục có 6-10% trẻ chậm phát triển. Trẻ được tạo ra nhờ sự trợ giúp của thuốc sinh sản không có biểu hiện chậm hơn so với trẻ được sinh tự nhiên.
Ở nước ngoài là vậy, còn ở Việt Nam trong những năm vừa qua, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ là cơ sở y tế thực hiện rất nhiều ca thụ tinh ống nghiệm đã có nhiều chương trình theo dõi sức khỏe và sự phát triển của những đứa trẻ thụ tinh ống nghiệm một cách liên tục. Kết quả nghiên cứu 221 cháu bé, trong đó có trường hợp sinh 2, sinh 3, sinh 4 sau đó đem đối chứng với số liệu về sự phát triển trung bình của trẻ em Việt Nam theo lứa tuổi. Trong 221 bé được khảo sát, có 5 bé thừa cân, 216 bé bình thường, không có bé nào suy dinh dưỡng. Theo bác sĩ, với những trường hợp bé sinh từ các chu kỳ đa thai (sinh 2, sinh 3, sinh 4), sự phát triển về thể chất của các cháu đều nằm trong giới hạn bình thường.
Ngoài ra, các bác sĩ nhi khoa còn khám và đánh giá về những dị tật bẩm sinh và bất thường của các hệ cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hô hấp, tai mũi họng, răng hàm mặt, cơ xương, khớp, sinh dục - tiết niệu, da. Kết quả là tình trạng sức khỏe nói chung của những đứa trẻ này đến khám đều tốt. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ không ghi nhận một vấn đề đặc biệt nào về sức khỏe và bệnh lý ở các cháu bé được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm…
Cũng như Phương, chồng cô bật cười lớn sau khi đọc hết tập tài liệu. Anh vui mừng ôm lấy vợ: “Chiều nay mình về sớm mời mẹ đi nhà hàng ăn mừng rồi đưa cho bà xem cái này em nhé. Chúng mình sắp thành bố, thành mẹ rồi, vui quá em ơi!”.