Chỉ có những đứa ngốc mới tin rằng có điện thoại thông minh. Tại sao? Tại điện thoại có phân biệt đâu là hoa hậu, đâu là bà lão không? Không! Điện thoại nó hiểu ai là Công Phượng, ai là Công Vinh không? Không! Điện thoại có biết sự khác nhau giữa Thủy Tiên và Thủy Top không? Cũng không nốt.
Đặc biệt, toàn thể điện thoại trên đất nước Việt Nam dù rẻ như bèo hay đắt tiền như xe hơi cũng chả cảm nhận rằng xuân đang đến. Tết sắp về. Mà Tết thì sao? Thì phải về thăm cha mẹ. Tất nhiên điện thoại không có cha mẹ (cùng lắm chúng chỉ có dì ghẻ là các cửa hàng sửa chữa, bảo hành), do đó điện thoại chả khi nào phải bám ôtô, đu xe lửa, phi máy bay hay lao xe máy về quê.
Đạo diễn Lê Hoàng. |
Dù ngốc đến đâu thì ai cũng hiểu điều đó. Nhưng rất nhiều anh, nhiều chị cố tình không hiểu. Bằng chứng là khi Tết đến, thay vì có mặt bên mẹ bên cha, họ lại dùng điện thoại hỏi thăm. Mà qua điện thoại thì mẹ cha nào cũng nói tốt cả, cũng: “Ăn được, ngủ được” và không chừng sắp thành tiên, thành phật cũng được. Chứ chả lẽ lại gào lên: “Nhức mỏi lắm rồi, lụm cụm lắm rồi!”.
Vậy mà trong cái phim ngắn Tết đoàn viên, chỉ toàn những lời nói dối kiểu đó. Vẫn với mô típ cảm động như mọi năm, nhưng năm nay muốn gây sốc với người xem. Mà nó gây sốc thật. Sốc ở chỗ anh con trai thì vẫn không hề hay biết gì mà an lòng đi du lịch, để rồi sau đó ân hận quay đầu giữa trời Tây đầy sương tuyết.
Những lời nói dối hào nhoáng ấy thì có gì khó phát hiện ra đâu. Bởi vì thường giọng nói run run. Bởi vì thường câu nói ngập ngừng. Và cuối cùng bởi vì mẹ cha thế nào con cái thừa biết. Có khi nào xem TV thấy cha đang cử tạ, có phút nào đọc báo thấy ảnh mẹ đang chạy thi đâu mà bảo rằng khỏe được. Thế nên mới nói, sự thật không phải như những gì ta được nghe thấy, mà sự thật là ở cảm nhận.
Nhưng nhiều vị con cái vẫn có vẻ tin. Thật ra đều giả vờ tin. Giả vờ ngây thơ như con nai mặc dù cả đời không ăn cỏ như nai. Để làm gì? Để khỏi phải về chứ sao nữa. Nhưng cha mẹ thì vẫn muôn đời nước mắt chảy xuôi, con không về thăm cha mẹ thì cha mẹ lặn lội đi gặp con gặp cháu, vì với các cụ: “Tết mà không có con cháu thì còn gì là Tết”.
Các bậc làm cha làm mẹ thì luôn yêu thương hy sinh vì con cái, mà con cái lại luôn vô tư đến vô tâm, phớt lờ nỗi buồn của cha mẹ để tránh về thăm gia đình. Chắc có lẽ lỗi là do cái điện thoại, vì nó chính là cái cớ để người ta có thể an tâm thăm hỏi cha mẹ mà không phải về nhà.
Trong thời đại thông tin, điện thoại là thứ vô cùng khủng khiếp. Nó có thể làm toàn thế giới xích lại bên nhau, nhưng cũng có thể làm toàn gia đình xa nhau mãi mãi, thay vì gặp mặt chỉ cần “phôn” vài cú là xong. Thay vì ngày xưa về nhà bằng chân, bằng tay, bằng lưng, bằng mông và cả bằng răng, liều thân liều mạng, liều sống liều chết để về tụ họp đêm giao thừa thì bây giờ chỉ cần thướt tha hay ung dung bấm số. Có khi cả hai bên đều nói dối nhau vì cả hai bên đều muốn có một sự yên lòng giả tạo. Thật là kỳ quái làm sao!
Nếu tôi có quyền, tôi sẽ khiến cho tất cả điện thoại trên toàn quốc trong những ngày Tết ngoài vùng phủ sóng. Muốn thăm mẹ, thăm cha, thăm con mèo, con chó chỉ còn cách ba chân bốn cẳng về nhà. Sẽ khỏi phải giả vờ tin vào những lời nói dối run run, sẽ nắm được tay cha, ôm được vai mẹ, sẽ thấy được những nụ cười sung sướng nghẹn ngào của Tết đoàn viên đích thực.