“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn, cái mặc… xin con hãy bao dung!”. Đó là những dòng tâm sự đầy xúc động trong lá thư gửi con của một người tên Pierre Antoine (Việt kiều Pháp).
Lá thư này khi được đăng trên nhiều trang mạng và các blog đã khiến cư dân mạng thổn thức. Với giọng văn nhẹ nhàng như vỗ về con vào giấc ngủ, người viết đã kể ra rất nhiều phiền phức mà người già thường gặp phải như ăn uống rơi vung vãi, không tự tắm rửa được thường xuyên, ít hiểu biết về đời sống văn minh, đãng trí hoặc không nhớ hết những gì con nói…
Mỗi dòng tâm sự là lời nhắc nhở con về khoảng thời gian khi con còn thơ ấu và khi bố mẹ đã già đi. “Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ lúc con chào đời”, đó là mong muốn không chỉ của tác giả Pierre Antoine mà còn của rất nhiều bậc cha mẹ có con cái trưởng thành.
“Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hàng đêm cho đến khi con đi vào giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ có thời gian tìm hiểu. Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, được gần bên con và được nghe con nói, thế thôi! Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập cho con trẻ những bước đi đầu đời.
Và mỗi ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi. Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.
Tôi đã chứng kiến một người thể hiện tình cảm với cha bằng cách thường xuyên mua đồ đắt tiền, hoặc biếu tiền cho cha. Đến khi người cha già yếu vào viện, các con ông đều chỉ đến đem hoa quả, sữa, đưa tiền rồi lại về rất nhanh. Không một ai ở bên cạnh chăm sóc cha họ, dù người cha đã hơn 90 tuổi và đang bị tai biến.
Khi ấy, ông đã nói với cô con út mà mình cưng chiều nhất: “Con ơi, ngày xưa bố nuôi các con cũng vất vả, lo lắng chăm sóc mỗi khi các con ốm. Đến bây giờ bố ốm nặng rồi, sợ không qua khỏi. Vậy con có thể ở lại đây giúp bố không?”.
“Bố già rồi, ốm là đương nhiên. Con ở lại chăm thì bố cũng có khoẻ lên được đâu” - cô con út trả lời. Người cha không nói gì nữa, hai dòng nước mắt lặng lẽ lăn trên gò má nhăn nheo.
Cô con gái đó vẫn tin mình đã báo hiếu cha. Nhưng cô đâu biết, người cha không cần món quà đắt tiền mà chỉ cần cô ở bên ân cần, giản dị như bón cháo cho cha khi ốm, đó cũng là báo hiếu rồi...
Một người con chia sẻ trên trang cá nhân một câu chuyện mà ngày thường bận rộn dễ rơi vào lãng quên: “Hôm nay thong thả mới nhớ lại chuyện này. Lúc bố mệt nặng lắm rồi, mình mới biết ông đã từng chờ mình đưa đi uống trà sen Hồ Tây mà không được.
Một lần cách đây vài năm, bố bảo: “Hôm nào con rảnh đưa bố đi uống trà sen hồ Tây lúc 5-6h sáng ấy”. Mình cười bảo: “Bố ơi, bố mẹ bắt taxi đi lên đấy uống, sáng sớm thế con ngại đi lắm”. Đến tận lúc sắp mất, mới biết không có mình dứt khoát ông không đi, nhưng ngại nói.
Sáng trước khi vào viện, mình phi lên Hồ Tây, quán vắng tanh mới có 2-3 người phục vụ ra mở cửa. Mình bảo: “Bán cho cô mấy bông sen trà”. Trả lời: “Nhà cháu không bán sen mang về, cô uống thì cháu pha”.
Ngồi phịch xuống ghế, oà khóc, mình bảo: “Bố cô hấp hối, chỉ thèm trà sen ở đây mà chả lẽ cháu từ chối cô”. Cô bé bật điện thoại gọi cho ông chủ rồi lấy búp sen đưa cho mình và nói ông chủ cháu nói không lấy tiền của cô, biếu cụ.
Cầm tiền đưa mãi không được, đành nước mắt ngắn dài quay về. Bố uống trà sen, cười mãn nguyện, hôm sau thì mất. Từ hôm ấy cũng chưa quay lại cảm ơn người chủ quán trà sen. Nếu mình đưa bố đi từ khi bố còn khỏe, thì có phải ông đã được vừa uống trà vừa ngắm sen không? Ân hận thì đã muộn”.
Dẫu rằng, trong cái lạnh đất Bắc, mẹ tôi, cũng như những người mẹ khác luôn mong ngóng con về sau một năm xa quê. Không khí đoàn tụ dù nơi cái lạnh run người phương Bắc hay cái nắng hanh vàng của phương Nam, ai mà chẳng thèm khát?
Quê hương và tổ tiên, bạn hãy để trong sâu thẳm nhất của tâm hồn bạn, nhắc nhở mình sống tốt hơn, sống văn minh, sống hiếu nghĩa hơn suốt 365 ngày mỗi năm chứ đâu phải để xa xôi và chờ đến dịp Tết để đáp đền?
Thế nên, dù bất cứ ngày nào, khi buồn bã hay thất vọng, mái nhà của mẹ cha luôn là nơi chở che an nhiên, nơi con người nguyên sơ nhất được trở về, để ngộ ra những điều quá đỗi giản dị quanh mình... Và thời gian là không chờ đợi với mẹ cha mình...