Tan vỡ vì… luộm thuộm
Đến khi chia tay nhau rồi, chị Bích Liên (Bình Dương) vẫn còn ngỡ ngàng như là chuyện hôm qua. Vợ chồng quen nhau từ thời sinh viên, vượt qua bao khó khăn mới lấy được nhau, thế mà rồi tình cảm dần hết lúc nào không hay. Chị nghĩ đi nghĩ lại, thấy rằng có lẽ nguyên nhân mình hết yêu chồng là do những khác biệt về tính cách dần lộ diện giữa hai người: Anh khô khan, chị lãng mạn. Anh cái gì cũng xồn xồn, chị thì tế nhị.
Một chuyện đơn giản vậy thôi, là chị thích đàn ông phải có chút lịch lãm, anh thì ra đường xuề xòa đến quá mức: Áo nhăn nheo, quần mấy li, đầu tóc bù xù, có khi còn quên kéo khóa quần. Ở nhà với vợ, anh còn tệ hơn: Mặc những cái quần đùi, áo may ô rách te tua, dù vợ đã mua cho nhiều đồ mới, anh nhất quyết không mặc. Ngồi nói chuyện với vợ, anh bắc chân lên ghế ngồi, nhiều khi chị phải nhăn mặt bảo anh thả chân xuống vì giống “bán cá” quá. Còn chuyện anh ngoáy mũi, gãi sồn sột hay “thả bom” là rất bình thường.
Chính những hành động nho nhỏ như thế, lặp đi lặp lãi mãi trong đời sống vợ chồng, đã khiến chị thấy “ngán” chồng, rồi hết yêu lúc nào không hay. Còn chồng chị, cũng có cảm giác áp chế, vì mình làm gì cũng bị vợ “sửa lưng”, khó chịu. Anh vẫn nói với vợ: Đã là vợ chồng với nhau, thì chuyện gì còn phải giấu nữa. Thân mật, gần gũi, mọi chuyện đều phơi bày với nhau, đó mới là vợ chồng… Chỉ vậy thôi, chuyện chẳng đáng gì, nhưng không cách nào hóa giải được. Thế là họ xa nhau…
Anh Hoàng Hưng ở Bình Thạnh thì “mất cảm giác” với vợ chỉ vì vợ anh thiếu chăm sóc bản thân quá mức. Hồi xưa, trước khi cưới, chị ăn diện, xinh xắn, tươm tất ra sao, thì sau khi lấy chồng xong, chị thay đổi hẳn: Ở nhà, đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, tóc cũng chả buồn chải. Anh chở ra đường, nhiều khi chị đang bộ đồ bộ xỉn màu cũng chả buồn thay ra, leo lên xe chồng đi luôn.
Đến khi có con rồi, mọi sự còn tệ hơn: Quần áo chị lúc nào cũng hôi sữa, hôi nước tiểu trẻ con, mặt mũi lem luốc. Có phải là vì quá bận rộn mà không có thời gian chăm sóc bản thân đâu, anh cũng đã thuê hẳn một người làm giúp chị chăm con rồi. Chủ yếu là do quan niệm của chị: Lấy chồng rồi thì cần gì ăn diện sửa soạn, nữa, sửa soạn cho ai xem.
Bạn bè, ai nhìn thấy bộ dạng tơi tả của chị, đều khuyên nên sửa soạn cho tươm tất, không thì chồng nhìn chán mắt, chị đều trả lời: Để vậy chồng lại yên tâm thì có, ra đường khỏi ai dòm ngó. Yên tâm đâu không thấy, chỉ thấy mỗi lần chồng về nhà, định hôn vợ cái, nhìn mặt vợ nhếch nhác , quần áo bốc mùi “nước hoa em bé”, là tự nhiên chán ngán quay đi.
Những cuộc “lột xác” tiêu cực
Anh Thanh Phong (Đồng Nai), sau khi lấy vợ về, anh dường như nhận không ra vợ mình nữa. Hồi yêu nhau, sao mà chị điệu đàng, xinh xắn, ăn nói khéo léo tế nhị đến thế, vậy mà lấy về rồi, chị vợ lột xác thành người khác hoàn toàn: Nói bỗ bã, ăn uống phàm tục, tham lam, đi đâu cũng tìm cách hốt của nhà người ta về, thậm chí trong nói năng hàng ngày còn văng tục chửi thề.
Cả nhà anh lẫn người quen ai cũng bảo anh lấy “nhầm vợ”, thậm chí bị… lừa. Có lẽ là, chị vợ chỉ giả vờ ngoan hiền để “cua” được anh chồng, còn sau khi “cá đã cắn câu” thì “hiện nguyên hình”. Nhưng đâu phải lấy nhau đã là “coi như xong”, quá thất vọng vì hình ảnh thực của vợ, anh Phong đã nghĩ đến chuyện ly hôn, và gia đình anh ai cũng ủng hộ anh, vì cho rằng, với một người vợ như thế, nếu sinh ra con thì thật là “thảm họa” trong dạy dỗ con cái.
Có rất nhiều người cùng quan niệm như thế, họ nghĩ rằng, có chồng, có vợ rồi, thì cần gì đến hình thức bóng bẩy bên ngoài nữa. Cần gì phải tươm tất, sửa soạn. Cần gì phải cân nhắc lời ăn tiếng nói. Bởi thế mà, có bao nhiêu phần “con” trong người, họ “thể hiện” ra hết cho bạn đời. Không ít người, lấy nhau về bị “sốc tâm lý” cũng vì chưa chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận những “mặt tối” của bạn đời.
Ông bà ta có câu, không bao giờ cũ: Tương kính như tân. Nghĩa là, vợ chồng, dù có lấy nhau về rồi, thì cũng nên đối xử với nhau kính mến, có giới hạn, lúc nào cũng như mới gặp. Làm được điều đó, thì sợ gì vợ chồng chán nhau, nhìn nhau cũ mòn, sợ gì không duy trì được những cảm xúc mới mẻ, vui tươi, hạnh phúc?