Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Đã nuôi con, còn phải cấp dưỡng cho chồng
Đó là nhan đề của nhiều bài báo viết về vụ kháng cáo của chị Lê Thị Nga (ở làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, Bình Định) khi chị này được Tòa tuyên là phải cấp dưỡng cho chồng mỗi tháng 200 nghìn đồng sau ly hôn.
Chị Nga và chồng là anh Phạm Văn Khá kết hôn năm 2004 và có một con chung. Năm 2007 anh Khá bị tai nạn giao thông, chị Nga phải vay mượn tiền để chữa bệnh cho chồng, mua đất xây nhà.
Sau tai nạn, dù có thể làm được công việc nhẹ nhàng nhưng anh Khá không chịu đi làm mà chỉ thích uống rượu từ sáng đến tối, không cho vợ buôn bán. Chịu không nổi, chị Nga xin ly hôn.
Chị Nga đồng ý nuôi con chung mà không cần chồng cấp dưỡng, đồng thời chịu trả toàn bộ số nợ chung của hai vợ chồng gần 100 triệu đồng.
Thế nhưng, tại phiên tòa xử ly hôn của TAND huyện Vân Canh, dù anh Khá không yêu cầu vợ phải cấp dưỡng nhưng Hội đồng xét xử vẫn tuyên chị Nga phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho chồng 200.000 đồng/tháng với lý do anh Khá không đủ sức khỏe để làm việc. Không đồng ý với chuyện cấp dưỡng quá vô lý đó, chị Nga kháng cáo.
Ngày 28/11/2013, Tòa phúc thẩm dân sự TAND tỉnh Bình Định đã chấp nhận đơn kháng cáo của chị Lê Thị Nga và tuyên chị Nga không có trách nhiệm cấp dưỡng cho chồng là anh Phạm Văn Khá 200.000 đồng/tháng sau khi ly hôn như bản án sơ thẩm mà TAND huyện Vân Canh đã tuyên trước đó.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử, bản án sơ thẩm tuyên buộc chị Nga phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho chồng sau ly hôn là trái với Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) vì người chồng vẫn còn đủ sức khỏe để làm các công việc nhẹ.
Xung quanh vụ việc này, nhiều quan điểm, kể cả của các luật sư, đều cho rằng yêu cầu người vợ cấp dưỡng cho chồng nghe thật không thuận, nhất là khi người vợ đã đồng ý nuôi con chung và cũng không đòi hỏi tiền cấp dưỡng nuôi con từ chồng. Tuy nhiên, thay vì đánh giá cảm tính, muốn có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Cấp dưỡng cho chồng có gì là sai?”, cần có cái nhìn từ luật.
Bỗng dưng nổi tiếng nhờ luật
Theo quy định tại Điều 60 Luật HNGĐ thì khi hai vợ chồng đã ly hôn, nếu “ bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Nghị định 70/2001 hướng dẫn thi hành Luật HNGĐ cũng nhấn mạnh, vợ chồng khi ly hôn phải cấp dưỡng cho nhau nếu thỏa mãn hai điều kiện: một bên khó khăn, túng thiếu do không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình; và bên kia phải có khả năng để cấp dưỡng. Đây là hai điều kiện cần và đủ để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu thiếu một trong hai thì nghĩa vụ cấp dưỡng không được đặt ra.
Như vậy, chiểu theo các quy định trên thì việc chồng cấp dưỡng cho vợ hoặc ngược lại vợ cấp dưỡng cho chồng là hợp lý nếu cần thiết và không có gì là không thuận cả. Có chăng sự không thuận, theo nhận định của nhiều người, là xuất phát từ tình tiết vụ việc rằng chị Nga trong vụ ly hôn đồng ý nuôi con chung mà không cần chồng cấp dưỡng.
Khoản 1 Điều 92 Luật HNGĐ quy định, sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HNGĐ cũng hướng dẫn cụ thể đây là nghĩa vụ của cha mẹ, do đó không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không.
Chỉ trong trường hợp bên nuôi con tự nguyện không yêu cầu cấp dưỡng thì Tòa án mới không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
Với những cách tiếp cận luật như vậy thì việc chị Nga đã nuôi con lại còn phải cấp dưỡng cho chồng, trong khi người chồng vẫn còn đủ sức khỏe để làm các công việc nhẹ chính là nguyên nhân khiến một vụ ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng bình thường bỗng trở nên nổi tiếng là vậy.