“Liệu có sự nhầm lẫn?”
Đó là câu hỏi mà bà Claudia Gutschalk - chuyên gia của Bộ Tư pháp CHLB Đức đặt ra với các nhà làm luật Việt Nam trong buổi hội thảo bàn luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật HN-GĐ sửa đổi, bổ sung với sự tham gia của các chuyên gia luật pháp CHLB Đức.
Đây là một quy định được đánh giá là nhân văn vì giúp cho những người tàn tật, nghèo khó không nơi nương tựa sẽ được họ hàng bao bọc thay vì tự vật lộn với cuộc sống, nhưng lại không phù hợp… với thực tế bởi mang lại nhiều khó khăn cho những đứa cháu phải nhận nghĩa vụ này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hay nói cách khác, luật mới chỉ tính về mặt tình cảm, còn về thực tiễn thực thi như thế nào thì hình như chưa tính đến bởi trong cuộc sống, bên cạnh những người dư dả về kinh tế thì vẫn còn rất nhiều người khó khăn, chạy ăn từng bữa nuôi con cái, cha mẹ đẻ mình còn khó, thì khả năng nào để xoay xở thực thi nghĩa vụ luật đặt ra. Đó là còn chưa nói đến tình huống, tài sản có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung, sử dụng chi tiêu phải có sự thống nhất của cả hai vợ chồng. Trong khi đó, người vợ hoặc chồng thực thi nghĩa vụ “cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột” nhưng người còn lại không đồng ý, từ chối nghĩa vụ.
Khi tiếp cận điều luật này, bà Claudia Gutschalk đã thật sự ngạc nhiên: “Tôi thật sự không hiểu tại sao luật của các bạn lại quy quá nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ cho mỗi cá nhân như vậy. Một người ngoài việc phải cấp dưỡng nuôi con cái, vợ chồng (trước và sau ly hôn) còn phải thực hiện nghĩa vụ đó với bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, mẹ vợ, mẹ kế, bố dượng, cô, dì, chú, bác ruột... Đối tượng thụ hưởng quá nhiều trong khi người thực hiện nghĩa vụ lại chỉ có một hoặc hai người, thật sự là vô lý. Liệu có sự nhầm lẫn ở đây không vậy?”.
Tập quán và luật tục không được “qua mặt” luật pháp
Áp dụng tập quán sao cho phù hợp, đó là vấn đề đau đầu không chỉ với việc thực thi Luật HN-GĐ hiện hành mà cả với việc xây dựng Dự thảo Luật mới. Vì thực tế cho thấy đã có rất nhiều vụ việc “nhân danh tập quán” vi phạm pháp luật HN-GĐ. Đơn cử như những vụ tảo hôn ở đồng bào thiểu số, khi trẻ em trai, gái chỉ 16 tuổi đã lập gia đình, thành bố thành mẹ, để lại sau lưng bao ước mơ học hành. Đó là những vụ kiện hy hữu đòi lại lễ vật ăn hỏi khi nhà trai bị nhà gái từ hôn…
Nếu như Luật HN-GĐ hiện hành chỉ quy định đối với các phong tục tập quán không trái với những nguyên tắc luật định thì được “tôn trọng và phát huy”, thì Dự thảo Luật HN-GĐ sửa đổi, bổ sung bên cạnh việc xác định tập quán về HN-GĐ là “quy tắc xử sự được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi” cũng nhấn mạnh “được áp dụng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ HN-GĐ” – (Khoản 2 Điều 7 Dự thảo Luật trình Quốc hội).
Tại Diễn đàn đánh giá tổng quan Dự án Luật HN-GĐ sửa đổi dưới góc độ quyền con người do Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, vấn đề “áp dụng tập quán trong luật sao cho phù hợp” được đặt ra dưới góc nhìn của các chuyên gia pháp lý quốc tế.
Theo đó, đại diện của UNDP cho rằng ở nhiều nơi trên thế giới, các vấn đề liên quan đến gia đình và tài sản thường bị chi phối bởi các chuẩn mực truyền thống và đôi khi những chuẩn mực này không đề cao sự bình đẳng và quyền con người. Vì vậy các nhà làm luật nên chú ý đến việc đảm bảo luật được sửa đổi không cho phép các điều khoản bảo vệ và đề cao bình đẳng bị lấn lướt bởi luật tục và tập quán. Cụ thể, theo đại diện UNDP, Dự thảo Luật HN-GĐ của Việt Nam cần nhấn mạnh việc: “Không một tập quán nào được áp dụng nếu chúng vi phạm các nguyên tắc cơ bản về chế độ HN-GĐ hoặc phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình”.