Hội Xuân Bính Thân 2016 diễn ra từ ngày 20/1 đến 5/2 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Trong đó có triển lãm “Mỹ thuật mùa Xuân 2016” quy tụ các tác phẩm nghệ thuật của 19 họa sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng và các tác phẩm từ gốm, các tác phẩm được sáng tác trên nhiều chất liệu lụa, giấy dó, sơn dầu, sơn mài, acrylic... sẽ mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc và đa chiều về con người, đất nước và mùa Xuân đất Việt.
Tại đây cũng sẽ diễn ra "Chợ phiên Lào Cai - Tinh hoa Tây Bắc" với những gian nhà tre mái lá, ngựa thồ, thổ cẩm với sản vật đặc trưng, trang phục dân tộc...
Chợ phiên vùng cao Tây Bắc giới thiệu đến công chúng nhiều sản phẩm tiêu biểu, nông, lâm, thổ sản, đặc trưng của các làng nghề Lào Cai và các tỉnh vùng cao Tây Bắc.
Tại chợ phiên còn diễn ra hoạt động trình diễn và thao tác tay nghề dệt thổ cẩm, pha trà, nấu rượu, nấu xôi theo đúng phong cách truyền thống...
Khách tham quan sẽ được thưởng thức tiệc trà từ 20 thương hiệu trà nổi tiếng Tây Bắc và các món ăn truyền thống của các dân tộc Tây Bắc.
Trong thời gian diễn ra Hội Xuân còn tái hiện các hoạt động văn hóa đặc sắc như chợ tình Sa Pa (Lào Cai), chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ Bắc Hà, Mường Khương cùng các trò chơi, lễ hội văn hóa theo đúng tập tục của bà con vùng cao Tây Bắc như ném còn, múa khèn, múa xòe, nhảy lửa...
Cũng tại Hội Xuân sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề Mừng Đảng - Mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát dân gian Việt Bắc, Đoàn văn công Quân khu I, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Tiếp đó là chương trình giao lưu giữa nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con vùng cao và Ngày hội văn hóa du lịch và bà con Việt kiều với bà con vùng cao.
Các chương trình giao lưu này đều góp phần quảng bá hình ảnh, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, khai thác tối đa lợi thế, vị trí địa lý, du lịch, thương mại của của bà con dân tộc thiểu số các vùng miền, tôn vinh các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
Mặt khác, chương trình góp phần bảo tồn nghề truyền thống của bà con vùng cao thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề... tạo thêm việc làm trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nghề truyền thống bản địa.
Việc giao lưu giữa Việt kiều và bà con vùng cao là điều kiện kết nối, khai thác, mở rộng các tour du lịch về vùng cao, tăng cường hiểu biết về văn hóa và đại đoàn kết dân tộc...