Đầu tư công giảm vì… hết tiền (!?)
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, ông hiểu nôm na đầu tư công (ĐTC) bao gồm: Ngân sách nhà nước (NSNN), vốn vay và doanh nghiệp nhà nước. Dẫn nguồn của Tổng cục Thông kê, TS. Ánh nhận định so với GDP, ĐTC bắt đầu tăng vọt từ năm 1996 lên trên dưới 20% GDP giai đoạn 1999-2006 rồi giảm xuống dưới 18% GDP từ 2007.
Đặc biệt, trùng với 2 năm 2008 và 2011 có lạm phát cao gần 20% thì tỷ trọng ĐTC đột ngột giảm xuống mức thấp dưới 14% theo giá thực tế. Do khó khăn về kinh tế và NSNN nên quy mô ĐTC năm 2013 rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới 11% GDP trước khi phục hồi lên mức 12,36% GDP năm 2014.
“Không phải chúng ta chủ động giảm quy mô hay tỷ lệ đầu tư của khu vực nhà nước mà hoàn toàn bị động mà nguyên nhân đầu tiên là… hết tiền”- TS. Ánh khẳng định.
Phân tích cơ cấu ĐTC theo lĩnh vực, vị chuyên gia này cho rằng điểm nổi bật cơ cấu đầu tư theo ngành giai đoạn 2000- 2013 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán ĐTC sang nhều lĩnh vực khác. Chuyển dịch cơ cấu ĐTC không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào thực sự về vai trò của Nhà nước nói chung và ĐTC nói riêng.
“Nguyên nhân trực tiếp khiến cho tái cơ cấu ĐTC thu được kết quả hạn chế, hơn nữa không có thay đổi căn bản là do tái cơ cấu ĐTC không gắn với thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Sau 5 năm mà đổi mới thể chế hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ” và ước mong “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển” vẫn chỉ là mong ước…” - TS. Ánh nhận định.
Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng như thế vẫn chưa đủ và vẫn chưa phải là nguyên nhân gốc rễ. “Dư luận xã hội thường cho rằng tái cơ cấu ĐTC và thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế diễn ra chậm chạp có nguyên nhân rất cốt lõi từ tư duy và lợi ích của chính những người trong cuộc. Tuy tìm bằng chứng để chứng minh điều mà xã hội nghi ngờ không dễ nhưng cũng không thể bỏ qua điều đó…”- bà Lan thẳng thắn.
Duy trì cơ quan chủ quản - Kẽ hở lớn
Theo TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), đã có những chuyển biến nhất định trong ĐTC theo hướng điều chỉnh theo cơ chế thị trường như thúc đẩy hợp tác công tư, khởi động các dự án nhượng quyền khai thác tại các sân bay, bến... Tuy nhiên, nhìn chung việc phân bổ vốn ĐTC vẫn đang thực hiện theo các quyết định chính trị hơn là dựa vào hiệu quả của dự án mang lại.
“Cho đến nay, quá trình tái cơ cấu ĐTC chỉ mới tập trung vào đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về đảm bảo không gây nợ đọng, không đầu tư khi chưa có nguồn vốn mà chưa đưa ra được những cơ chế phân bổ nguồn lực dựa vào cạnh tranh. ĐTC hiện nay đang thiếu cơ chế để đảm bảo số tiền ĐTC hạn hẹp được sử dụng vào những dự án cần kíp nhất, với chi phí ít nhất và mang lại hiệu quả cao nhất…”- TS Tú Anh nhận xét.
Theo ông, Luật Đấu thầu sửa đổi năm 2014 là một nỗ lực lớn của Nhà nước nhằm buộc các doanh nghiệp tham gia các dự án ĐTC phải thông qua đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế cạnh tranh trong việc phân bổ vốn đầu tư về cho các cơ quan làm chủ đầu tư.
“Kẽ hở lớn nhất trong ĐTC đó chính là chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cơ quan chủ quản. Các cơ quan chủ quản (bộ, ban, UBND cấp tỉnh) vừa là cơ quan phê duyệt các dự án ĐTC vừa là cơ quan chủ sở hữu các doanh nghiệp thực hiện các dự án đó, đồng thời là cơ quan giám sát, thẩm tra các dự án đó. Nếu tiếp tục cơ chế này thì nguy cơ trục lợi từ các dự án ĐTC là rất lớn. Chi phí thực hiện dự án sẽ bị đẩy lên rất cao, hiệu quả của ĐTC vì thế sẽ thấp…”- vị chuyên gia này khẳng định.
Tái cơ cấu đầu tư công để thay đổi vai trò của Nhà nước?
Khẳng định thay đổi vai trò của Nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường là tiền đề để tái cơ cấu ĐTC và ngược lại, tái cơ cấu ĐTC cũng góp phần tích cực thúc đẩy thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, tuy nhiên, TS Ánh cho rằng rất khó để thực hiện các tiếp cận.
TS Ánh đưa ra đề xuất: Quy mô ĐTC cần giảm về mức 10% GDP cho phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế, thâm hụt NSNN và nợ công, trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu lại ĐTC theo ngành theo nguyên tắc ĐTC chỉ dành cho những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hay/và không thể đầu tư; ưu tiên ĐTC theo trật tự cơ sở hạ tầng công (giao thông, điện, nước) và dịch vụ công (giáo dục, y tế, khoa học công nghệ), đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất ĐTC vào các lĩnh vực SXKD trực tiếp (công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, tài chính tín dụng, bảo hiểm,…).
Mặt khác, cơ cấu lại ĐTC cần gắn kết với cơ cấu lại, đổi mới sắp xếp khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong các ngành SXKD trực tiếp…
Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, rất khó để xác định và ai sẽ quyết định “những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hay/và không thể đầu tư”? Vị chuyên gia này cũng yêu cầu cần phải chấm dứt hẳn chứ không chỉ hạn chế mức thấp nhất ĐTC vào các lĩnh vực SXKD trực tiếp” và Nhà nước cần phải rút hẳn khỏi các ngành này…
Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận rất khó để thay đổi vai trò của Nhà nước, mà những cuộc hội thảo như thế này cũng chỉ tạo áp lực nâng cao nhận thức, may ra nhiệm kỳ tới có sự thay đổi.