Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tết hàng năm là cả nước lại thống kê con số thương vong do tai nạn giao thông và xác định căn nguyên của tai nạn liên quan đến các cuộc nhậu nhẹt tất niên, liên quan, cỗ bàn. Từ thành phố đến nông thôn, cái chết chỉ cách bữa tiệc vài kilomet. Có những người vừa rời bàn nhậu đã phải đi thẳng đến nhà xác vì tai nạn giao thông.
Rượu, nguyên nhân gián tiếp của hầu hết các vụ tai nạn giao thông, đã được cảnh báo liên tục. Để hạn chế hành vi sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện, chế tài xử phạt đã liên tục được gia tăng, với mức phạt tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, sau những con số thống kê tai nạn giao thông, tỷ lệ người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao vượt ngưỡng vẫn chiếm tỷ lệ rất cao.
Điều đáng nói, tỷ lệ người sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông lại nằm trong nhóm những người có thu nhập cao, có đời sống vật chất khá và nhóm những người có học, doanh nhân. Theo chia sẻ của một số cán bộ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ thì nhóm lái xe tải, xe khách sử dụng rượu không nhiều vì mức phạt rất cao và nhóm này thường bị kiểm tra đột xuất.
Đối với nhóm lái xe con (xe sedan, SUV) vẫn thường “dương tính” với rượu vì đây là nhóm đối tượng “có điều kiện” nếu có bị xử phạt thì cũng không ngại. Đặc biệt, không ít “tài xế” là những người có địa vị và có quan hệ nên nếu bị kiểm tra thì cũng ít bị xử lý. Chính vì thế mà tỷ lệ uống rượu, bia khi điều khiên phương tiện của nhóm này đang còn cao. Đối với nhóm đi xe gắn máy và mô tô thì con số không thể thống kê hết vì số lượng phương tiện đông mà lực lượng cảnh sát giao thông thì quá mỏng để kiểm tra.
Khi vào mùa lễ hội, mùa nhậu nhẹt thì nhóm đối tượng có nguy cơ cao này thường xuyên xảy ra tình trạng lái xe khi còn “phê” rượu. Chỉ khi xảy ra tai nạn thì người ta mới biết chính xác ai là người đã “uống rượu mà còn lái xe”. Nhưng, lúc đó cũng là quá muộn bởi hàng trăm người đã “có đi mà không có về”.
Để hạn chế đau thương vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; để không phải mỗi năm đến Tết, chúng ta lại phải thống kê số người thương vong vì rượu bia khi lái xe, đã có nhiều giải pháp nhưng có vẻ như các giải pháp vẫn như muối bỏ bể khi số người chết và bị thương, số vụ tai nạn giao thông do rượu bia ngày tết không hề giảm.
Những biện pháp hạn chế tai nạn giao thông mà Chính phủ thực hiện đã phát huy hiệu quả khi hạn chế được những tai nạn giao thông có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông. Nhưng, những tai nạn giao thông từ ý thức của người điều khiển phương tiện thì vẫn còn là vấn nạn dù các giải pháp từ tuyên truyền đến xử phạt đều đã được thực hiện quyết liệt. Phải chăng, vẫn còn một “điểm nghẽn” nào đó mà những người xây dựng chính sách cần phải bàn để giải quyết triệt để vấn đề này?
Xung quanh vấn đề mà các nhà lập pháp và các nhà quản lý cũng đã bàn “nát nước nát cái” này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn và Luật sư Trần Anh Tú để làm rõ hơn các quan điểm mới cho vấn đề đã cũ.
Thưa Luật sư Trần Văn Toàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng trong phạm vi bài viết này, xin ông cho biết, ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân gây tai nạn do người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích?
- Đúng là có rất nhiều nguyên nhân của tai nạn giao thông nhưng vấn nạn rượu bia trong tai nạn giao thông gây ra sự bức xúc trong dư luận bởi hai yếu tố, thứ nhất là nó cứ lặp đi lặp lại theo chu kỳ và thứ hai, hậu quả tai nạn do sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện thường là rất thảm khốc.
Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Tổng Cục đường bộ Việt Nam thì có đến 40% số vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Con số này quả thực là rất lớn và nghiêm trọng. Nếu giải quyết được triệt để vấn đề này thì có thể giảm đến 40% số vụ tai nạn giao thông, mà hầu hết là đặc biệt nghiêm trọng và thảm khốc.
Chính phủ cũng đã nhìn thấy rất rõ tình trạng này nên trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng đồ uống có cồn rất cao, lên đến 18 triệu đồng với ô tô. Theo ông, mức phạt cao như vậy tại sao tình trạng tai nạn do sử dụng đồ uống có cồn vẫn không giảm?
- Theo tôi là có giảm nếu xét dưới phương diện số lượng phương tiện và số vụ tai nạn. Hiện nay, số phương tiện tham gia giao thông tăng rất nhanh nhưng số vụ tai nạn giao thông không tăng nhiều, có thời điểm giảm cả về số vụ, số người chết và người bị thương. Do vậy, nếu so sánh tuyệt đối thì tai nạn giao thông có giảm.
Nữ doanh nhân lái xe khi đã say rượu, gây tai nạn thảm khốc tại TP Hồ Chí Minh |
Đứng dưới góc độ phân loại đối tượng thì qua kiểm soát giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cũng xác nhận số lái xe tải, xe khách sử dụng rượu, bia đã giảm mạnh, thậm chí ít phát hiện và cùng với đó là tỷ lệ tai nạn giao thông do các phương tiện như lái xe xe tải, xe khách sử dụng rượu, bia cũng rất ít.
Như vậy, có thể nói giải pháp tăng mức phạt đã phát huy tác dụng đối với đối tượng lái xe có sử dụng rượu, bia và chất kích thích.
Các vụ việc tai nạn do người điều khiển phương tiện là các lọa ô tô nhỏ, xe máy là chưa giảm và đóng góp nhiều nhất trong tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu, bia gây ra. Số liệu tai nạn giao thông được thống kê tại các bệnh viện và các thời điểm “cao điểm ăn nhậu” đã phản ánh khá rõ điểm này. Đây là nhóm đối tượng tham gia giao thông cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo ông, làm sao để có thể kiểm soát sử dụng rượu bia của nhóm đối tượng tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân nhỏ như xe ô tô con, xe máy để hạn chế tai nạn giao thông?
- Đây là việc làm rất khó và cần có giải pháp căn cơ. Việc kiểm soát người điều khiển phương tiện bằng việc dừng xe để đo độ cồn chỉ là giải pháp “phần ngọn” và có thể áp dụng được vơi ô tô, nhất là xe khách và xe tải do số lượng ít.
Hiện trường vụ tại nạn thảm khốc mà lái xe container dương tính với ma túy và rượu, xảy ra ngày 2/1/2019 tại Long An |
Đối với xe ô tô con và xe gắn máy thì việc dừng xe đo nồng độ cồn là không dễ vì số lượng phương tiện rất lớn. Việc canh tại các quán nhậu để đo nồng độ cồn cũng đã được thực hiện nhưng gây ra phản ứng và không hiệu quả.
Ai cũng biết, việc giảm tai nạn do rượu, bia thì phải nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện. Nhưng trong bối cảnh mà tình trạng sử dụng rượu bia bị lạm dụng như hiện nay, việc kiểm soát là khó khăn. Giải pháp căn cơ mà tôi muốn nói chính là phải giảm tình trạng lạm dụng rượu bia nói chung.
Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi căn bản về chế tài xử phạt mà điều này liên quan đến việc thay đổi chính sách xử phạt vi phạm hành chính với các hình thức xử phạt mới, không chỉ là phạt tiền. Thực tế, một số quốc gia đã xử phạt hành vi uống rượu khi điều khiển phương tiện bằng hình phạt giam giữ và đã xử lý khá triệt để vấn nạn này. Tôi nghĩ, trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phải nghiên cứu áp dụng chế tài này.
Thưa Luật sư Trần Anh Tú, ông có quan điểm như thế nào về việc nghiên cứu và áp dụng mức hình phạt “tù kiểu Mỹ” đối với người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia?
- Có thể nói, luật pháp của Mỹ nói chung là rất nghiêm khắc, trong đó có các chế tài đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia. Ngôi sao Paris Hilton và diễn viên nữ danh giá khác cũng đã từng bị phạt 30 ngày tù vì hành vi này. Nhiều trường hợp bị phạt đến 30 ngày tù và phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng vì việc uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe.
Nhưng đó là việc ở Mỹ, ở Việt Nam thì việc nghiên cứu và áp dụng chế tài này không phải dễ dàng vì liên quan đến hệ thống pháp luật nói chung.
Hệ thống pháp luật, ngoài các quy định về chế tài còn bắt buộc phải có cơ quan thực thi pháp luật. Nếu một quy định ban hành ra mà không có cơ quan thực thi thì quy định này không có giá trị.
Chẳng hạn, để áp dụng hình phạt tù đối với người vi phạm thì bắt buộc phải đưa ra tòa án để tòa giải quyết. Đối với số lượng vi phạm như hiện nay, tòa án giải quyết không nổi. Bên cạnh đó, hiện nay chỉ có các hành vi bị truy tố về hình sự mới được đưa ra tòa án, những vi phạm hành chính chưa áp dụng hình thức giải quyết qua cơ quan tư pháp mà vẫn do cơ quan hành chính xử phạt. Do đó, chưa thể áp dụng được.
Nhiều người cho rằng, cần áp dụng chế tài “phạt tù” ngắn ngày trong pháp luật về xử phạt hành chính để áp dụng cho các trường hợp vi phạm giao thông nghiêm trọng nhưng chưa gây hậu quả như trường hợp uống rượu lái xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc. Theo ông, có thể xây dựng pháp luật theo hướng này được không?
- Rõ ràng đây cũng là một quan điểm để các nhà lập pháp nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và bộ máy nhà nước theo mô hình nhà nước pháp quyền. Để xây dựng hệ thống quy định của pháp luật nghiêm khắc, khả thi và công bằng thì không loại trừ những vi phạm có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng cần được đưa ra xét xử và áp dụng hình phạt tù. Trường hợp đó, có thể phải sửa quy định của Bộ luật hình sự.
Đối với người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia thì họ có đặc điêm chung là đều là người lao động, bị giàng buộc bởi hợp đồng lao động. Nếu họ bị gián đoạn công việc do bị xử phạt hành chính hoặc hình sự liên quan đến một vi phạm nào đó, người sử dụng lao động đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ. Với đặc điểm này, những người sử dụng rượu, bia mà lái xe thì chỉ cần xử phạt giam giữ 7 đến 10 ngày và thông báo cho người sử dụng lao động để xem xét chấm dứt hợp đồng lao động thì những người sử dụng rượu, bia sẽ không còn dám vi phạm.
Việc giam giữ từ 7-10 ngày có thể được xây dựng thành một “chế tài” trong pháp luật về hành chính mà không phải là vi phạm hình sự cũng có thể giải quyết được vấn đề “không hình sự hóa” vi phạm giao thông mà chưa gây hậu quả. Có điều, do đây là vấn đề rất mới trong hệ thống pháp luật nước ta nên muốn áp dụng thì phải nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật.
Xin cảm ơn các Luật sư