Số liệu thống kê 08 tháng đầu năm 2017 cho thấy tỷ lệ án có điều kiện thi hành trên tổng số phải thi hành đạt 78,52% về việc và 68,90% về tiền. Một số địa phương có kết quả phân loại án đạt thấp so với bình quân toàn quốc, về việc: Hải Phòng (62,38%), Hà Nam (68%), Bắc Giang (69,21%), Thái Bình (69,48%), Thái Nguyên (69,87%), Nam Định (71,21%), Bắc Kạn (72,44%), Tuyên Quang (73,32%), Đà Nẵng (73,45%), Bình Định (73,76); về tiền: Hà Tĩnh (22,19%), Thái Nguyên (38,94%), Lâm Đồng (40,83%), Hà Giang (42,48%), Vĩnh Long (47,49%), Kon Tum (51,22%), Quảng Bình (51,46%), Nam Định (53,39%), Yên Bái (55,26%), Cao Bằng (56,06%).
Tại buổi họp giao ban trực tuyến của Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) quý III vừa qua (ngày 15/6/2017), một số cơ quan THA nêu trên cho rằng tình hình phân loại án tuy thấp hơn so với bình quân toàn quốc nhưng đây là con số hoàn toàn chính xác, phản ánh thực chất thực tiễn THA trên địa bàn.
Có thể nói, một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên thực tế có thể bị vô hiệu hóa nếu công tác phân loại án có sai sót. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, TAND, công tác THA năm 2016 và những năm tiếp theo giao Chính phủ là “chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành”. Trong tinh thần đó, hoạt động xác minh, phân loại điều kiện THA thời gian qua cả về mặt thể chế và thực tiễn quản lý được quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và được đánh giá có tính chính xác và độ tin cậy ngày càng cao.
Về mặt thể chế, Điều 44, Điều 44a Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này đã có những quy định mới, khá cụ thể và chặt chẽ nhằm bảo đảm tính chính xác của công tác xác minh, phân loại án.
Cụ thể là các quy định pháp luật đã đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THA, chấp hành viên trong việc xác minh, phân loại án, quy định cụ thể, chặt chẽ về các trường hợp chưa có điều kiện THA. Đặc biệt, là quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ theo quy định, Thủ trưởng cơ quan THA phải ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA. Ngoài ra, việc rà soát các trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA phải được thực hiện thường xuyên. Ít nhất 06 tháng 01 lần chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA đối với các trường hợp này. Sau hai lần xác minh mà người phải THA vẫn chưa có điều kiện thi hành thì cơ quan THA phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành về kết quả xác minh.
Bên cạnh đó, các quy định mới đã cải tiến phương thức công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải THA của người phải THA chưa có điều kiện thi hành, qua đó, giúp người dân và các bên đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án.
Về công tác quản lý, trong những năm vừa qua, yêu cầu “chính xác, đúng pháp luật trong phân loại án” đã được Bộ Tư pháp xác định là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan THADS. Cục, các Chi cục THA đã tăng cường tự kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục đã tăng cường công tác kiểm tra công tác xác minh, phân loại án, qua đó, kiên quyết xử lý các vi phạm, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh công tác này. Bộ Tư pháp, Tổng cục cũng đã có nhiều giải pháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng xây dựng đội ngũ công chức THA tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, giỏi về pháp luật, phẩm chất, đạo đức trong sáng trong cuộc sống cũng như khi thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, đề nghị VKSNDTC chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường công tác kiểm sát đối với công tác phân loại, xác minh điều kiện THA, qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm. Báo cáo của VKSNDTC trước Quốc hội năm 2016 cho thấy công tác kiểm sát THADS nói chung, kiểm sát việc xác minh, phân loại điều kiện THA của VKSND các cấp được tập trung chỉ đạo thực hiện một cách hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. VKSND các cấp đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị để bảo đảm tính chính xác trong hoạt động này.