Quy trình cấp cứu diễn ra thế nào?
Như Báo PLVN đã thông tin, cháu Th nằm trong nhóm chỉ định phẫu thuật theo thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Bình khi có đoàn bác sỹ của Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội khám sàng lọc miễn phí cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Chiều 4/8/2015, cháu Th nhập viện và được bác sĩ Kiên truyền một chai dịch 500ml. Khoảng 8h sáng hôm sau, cháu kêu khó thở, đập tay vào ngực rồi giãy giụa bất tỉnh. Lúc này, các bác sỹ mới chuyển cháu sang Khoa Hồi sức Nhi cấp cứu. Sau đó, cháu Th đã tỉnh và nhận thức được. Nhưng khoảng 13h ngày 25/8/2015, sau khi được tiêm một mũi kháng sinh vào tĩnh mạch, cháu Th đã bị sốc. Dù được các bác sĩ tiến hành cấp cứu nhưng đến 3h40 sáng ngày 29/8/2015 thì tim cháu ngừng đập.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng - Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, sau khi xảy ra sự việc, BV đã chủ động báo cáo tới một số cơ quan chức năng về nguyên nhân tử vong của cháu Th là do thiếu oxy máu, khiến máu bị đông gây tắc bán cầu trung tâm.
Trước câu hỏi vì sao trước khi cháu Th nhập viện được chẩn đoán là “Tắc bán cầu BT trung tâm chỉ định làm lại cầu BT?” nhưng sau đó lại thông báo nguyên nhân tử vong như trên, ông Vương Hoàng Dung - Trưởng khoa Hồi sức Nhi cho biết: “Đây chỉ là chẩn đoán ban đầu, để làm rõ cần phải tiến hành chụp CT trước. Tuy nhiên, chúng tôi không thể nào vận chuyển máy chụp về cơ sở được nên cháu Th chưa được tiến hành chụp CT”.
Phê bình 3 nhân viên y tế trước toàn bệnh viện
Liệu cháu Th tử vong có phải do sốc thuốc? Bác sĩ Dung - người trực tiếp tham gia cấp cứu cháu Th cho biết: “Trước quá trình thăm khám tại BV, cháu có nhiều vết tím thể hiện rõ máy đo bão hoà oxy máu ở mao mạch. Vì thiếu oxy khiến máu bị đông đặc gây nên tắc mạch trung tâm. Chúng tôi tiến hành truyền dịch để hút bớt máu đông làm giảm nguy cơ tắc mạch. Sau đó vì bệnh tình cháu nặng, chúng tôi đã chuyển sang Hồi sức Nhi và tiến hành cấp cứu tích cực. Vì thế, đến tối bệnh nhân cải thiện hơn. Ngày 14/8, BV có chỉ định mổ nhưng gia đình không đồng ý mổ nên chúng tôi đành chữa trị nội khoa. Ngày 21/8 bệnh nhân có tiến triển khá hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là giảm oxy máu khiến tắc bán cầu trung tâm nên tim ngừng đập. Cái này tôi cũng đã tiên lượng được trước rồi”.
Trước thông tin gia đình cho rằng trong quá trình tiến hành chuyển sang Khoa Hồi sức Nhi, bác sỹ đã thờ ơ trong điều trị cho cháu Th, bác sĩ Dung khẳng định: “Nếu như chúng tôi không tiến hành cấp cứu hoặc không làm gì thì bệnh nhân đã chết ngay lúc đó. Chúng tôi đã cứu chữa tích cực nên sau đó bệnh nhân cũng đã tỉnh lại”.
Phủ nhận việc cháu Th bị sốc do tiêm kháng sinh, bác sĩ Dung cho biết: “Kháng sinh đó bắt buộc phải tiêm vì bệnh nhân bị viêm phổi và kháng sinh này bệnh nhân đã được dùng từ 5-7 ngày trước đó rồi”.
Về thông tin trong quá trình bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, các nhân viên y tế đã không thăm khám, kiểm tra, bà Hưởng cho biết: “Lúc đó bệnh nhân và người nhà đang ngủ nên các y, bác sĩ này không tiến hành cung cấp thông tin đầy đủ cho thân nhân người bệnh về các biến cố có thể xảy ra đối với bệnh nhân. Đây cũng là việc thiếu trách nhiệm của nhân viên. Chúng tôi cũng đã tiến hành phê bình 3 nhân viên y tế trước toàn bệnh viện vì chưa làm tốt nhiệm vụ, trừ thu nhập trong 3 tháng, giao cho Ban Thanh tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, xem xét, quyết định xử lý kỉ luật. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bố cháu Th là thương binh nên BV đã dùng quỹ từ thiện hỗ trợ cho gia đình 90 triệu đồng và đây không phải là tiền bồi thường”.