Sớm gỡ quy định “rối” về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho kiều bào

Sớm gỡ quy định “rối” về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho kiều bào
(PLO) - Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật có hiệu lực (1/7/2009) thì phải đăng ký giữ quốc tịch với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD) trong thời hạn 5 năm (1/7/2009 - 1/7/2014) để giữ quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, chỉ còn hơn 3 tháng nữa, hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài sẽ đứng trước nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam. “Bài toán khó” này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam tìm cách tháo gỡ.
Nguy cơ mất quyền bảo hộ công dân với hàng triệu Việt kiều
Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tính đến trước ngày 1/7/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam thì trong 5 năm kể từ thời điểm trên, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam; nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1/7/2014. 
Đối tượng cần phải đăng ký là những người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ trước khi Luật năm 2008 có hiệu lực (người Việt Nam ra nước ngoài định cư và nhập quốc tịch nước ngoài sau ngày 1/7/2009 không phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam).
Thủ tục đăng ký giữ quốc tịch hết sức đơn giản. Người đề nghị chỉ cần nộp Tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng đương sự cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước tiến hành xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.
So với Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, quy định đăng ký giữ quốc tịch theo Luật năm 2008 là chế định mới, quan trọng, với mong muốn làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân. Do vậy, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự), đã tích cực triển khai thủ tục này. 
Chẳng hạn như, Cục Lãnh sự đã phổ biến và hướng dẫn thủ tục này cho các cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài. Thủ tục được đăng tải trên cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự và trang tin điện tử của các CQĐD. Các CQĐD cũng niêm yết thủ tục này tại phòng tiếp dân, tuyên truyền, phổ biến tại các cuộc gặp mặt, tiếp xúc với bà con kiều bào và thông qua các hội đoàn người Việt.
Tuy nhiên, thống kê mới nhất cho biết, tới nay chỉ có hơn 5.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (0,09%) trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nguy cơ nhãn tiền được cảnh báo rằng nếu số kiều bào còn lại không “kịp” đăng ký giữ quốc tịch trước ngày 1/7/2014 thì theo Điều 26 Luật năm 2008, họ sẽ mất quốc tịch Việt Nam và điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước Việt Nam không còn quyền bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài.
Nhanh chóng “bắt tay” vào sửa Luật? 
Nguyên nhân của con số đăng ký giữ quốc tịch thấp hơn mong muốn có thể là do người Việt Nam ở nước ngoài chưa thấy việc đăng ký này mang lại lợi ích thiết thực. Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký chứ không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. 
Vì thế, giấy xác nhận không có giá trị pháp lý làm cơ sở cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác. Ngoài ra, một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài không muốn thực hiện thủ tục này có thể vì lo ngại ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài hoặc một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hiểu rõ các quy định của việc đăng ký giữ quốc tịch. 
Tại cuộc họp liên ngành diễn ra vào chiều qua (10/3) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đại diện nhiều cơ quan nhấn mạnh, thực trạng ít người đăng ký giữ quốc tịch không xuất phát từ việc triển khai thực thi Luật mà từ quy định nội tại của Luật khi “đặt” kiều bào vào thế khó. Do vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng phải khẩn trương sửa quy định tại Khoản 2 Điều 13 theo thủ tục rút gọn. 
Thậm chí có ý kiến còn nêu rằng, hiện có 100 nghìn công dân Việt Nam tại Đức, nếu làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch sẽ tốn kém khoảng 20 triệu Euro, song kiều bào không đăng ký thì Nhà nước ta mất quyền bảo hộ đối với họ, các nước sẽ không thừa nhận những người này là công dân Việt Nam. “Sai thì phải sửa, mà phải sửa để làm sao trước ngày 1/7/2014, Luật Sửa đổi phải có hiệu lực” – ý kiến này nhấn mạnh.
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đồng tình với các kiến nghị của đại diện các Bộ, ngành. Nhưng Thứ trưởng cho biết, theo quy trình làm luật theo thủ tục rút gọn thì vẫn phải tổng kết thi hành Luật từ khi có hiệu lực đến nay nên phương án hàng đầu sẽ là Bộ Tư pháp báo cáo trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo trình Quốc hội vào kỳ họp tới về phương án sửa quy định trên, còn không báo cáo Quốc hội ra Nghị quyết gia hạn sửa Luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng triệu kiều bào vẫn đang hàng ngày đóng góp xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Điều 26. Căn cứ mất quốc tịch Việt Nam
1. Được thôi quốc tịch Việt Nam.
2. Bị tước quốc tịch Việt Nam.
3. Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật này.
4. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.
5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(Trích Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008)

Đọc thêm

Bắc Kạn giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024

Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới năm 2024 tại Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Thu)
(PLVN) - Ngày 24/4, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai các Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và truyền hình trực tuyến tới các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
(PLVN) - Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp Tổ công tác về lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tham dự cuộc họp còn có đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện cơ quan pháp chế một số bộ, ngành.

Hải Phòng: Chi cục THADS quận Đồ Sơn hoàn thành cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

Lực lượng tham gia cưỡng chế di chuyển tài sản của người phải THA ra khỏi khu vực cưỡng chế.
(PLVN) - Ngày 24/4, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Đồ Sơn đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế để chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Vui chơi Giải trí Đồ Sơn (địa chỉ tại Khu dân cư số 8, đường 353, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).

Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Liên bang Nga

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên bang Nga.
(PLVN) -Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp Đoàn công tác Hội Luật gia Liên Bang Nga do ông Sergey Stepashin Vadimovich Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng Đoàn.

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.