Đến hôm nay, giấc mơ văn chương của ông đã được hiện thực hóa một phần. Tác phẩm đầu tay của ông Phạm Ngọc Định - người từng mang án tử tù vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành với tên gọi “Biến tấu của kí ức”.
Người tù “cải tạo” bằng con chữ
Trại giam Hà Nam năm 2009 có một tử tù đang chờ ngày thi hành án. Thế nhưng, thay vì buồn khổ, sầu bi hay lo lắng trước cái chết, các cán bộ quản giáo ở đây thấy anh ta suốt ngày cắm cúi viết. Viết gì mà lắm thế, di chúc thì cũng chục trang là thoải mái chia chác của nả, dặn dò vợ con, người thân lâm li lắm thì cũng hai chục trang nữa chứ sao cứ thấy viết mãi, ngày này qua ngày khác. Dù vậy, đó là nhu cầu cuối cùng của mỗi tử tù trước khi rời xa trần thế nên cán bộ cũng tặc lưỡi không can thiệp. Ai ngờ người tử tù ấy đang đánh vật với con chữ trong một thứ lao động đặc biệt mà người ta vẫn gọi là viết văn.
Cái sự viết nó bắt đầu từ cái sự đọc. Sách báo người nhà gửi vào Định đọc ngấu nghiến không sót góc nào, mẩu nào. Nhờ đọc, Định đã có một hình dung về mọi vấn đề của xã hội qua kênh báo chí, sách vở. Đọc nhiều rồi thì ngẫm lại cuộc đời mình, về những gì mình đã làm, về những sai lầm mình đã mắc phải, nghĩ lại thì cũng thấy đời mình cũng có nhiều khoảng sáng, cũng có nhiều khát vọng, để rồi muốn viết gì đó. Nhưng viết gì khi mặt chữ đã gần quên hết? Viết gì khi một lá thư về nhà cũng phải đánh vật? Việc đầu tiên người đàn ông ấy làm là làm quen lại với con chữ, làm quen thực sự bằng nghĩa đen bằng cách viết và viết là cách rèn luyện tốt nhất.
Tại sao một người được đào tạo trình độ đại học mà lại ra đến nông nỗi này? Sinh ra trong một gia đình công nhân ở Hải Phòng, gia đình Phạm Ngọc Định là một gia đình cơ bản. Người mẹ của cậu vì đi hoạt động cách mạng đã cưới vợ hai cho chồng, bởi thế sau này Định có hai người mẹ. Nhưng dù có tới hai người mẹ thì họ vẫn không thuần hoá nổi cậu “nghịch tử”, Định nghịch còn hơn cả cậu bé Đạt trong tác phẩm vốn là nguyên mẫu trong truyện dài “Biến tấu của kí ức” của ông.
Bất lực trước sự quậy phá của con, bố mẹ gửi Định vào TP Hồ Chí Minh nhờ ông bác nuôi dạy, hy vọng thay đổi môi trường sống sẽ khiến cậu thay đổi. Định được theo học Đại học Thể dục Thể thao 2 ở đây. Sau khi ra trường Định vẫn ngày càng đi xa ra khỏi những lằn ranh được quy định bởi luật pháp, đạo đức và các giá trị chung của xã hội. Đi quá xa và Định đã phải trả giá.
Đi quá xa trong thế giới chỉ có những hoạt động của cơ bắp, chân tay, đến khi vào tù, muốn cầm bút viết thư về nhà Định mới cay đắng nhận ra mình đã sắp quên cả chữ. Quên thì học lại. Sự quên đó như một cảnh tỉnh rằng mình đã trượt quá dài. Đến khi cuộc sống tính bằng ngày thì Định muốn làm gì đó, muốn viết gì đó, như thể bù lại cả quãng đời dằng dặc bỏ bê chữ nghĩa, viết như thể ngày nào cũng là ngày cuối.
Tác giả Phạm Ngọc Định nói về tác phẩm của mình tại buổi ra mắt. (Ảnh X.T) |
Trong tù, những thứ tưởng như đơn giản nhất như giấy, bút cho việc viết cũng không có. Định sáng tạo ra giấy bằng cách bóc tách những tờ tạp chí vốn bằng giấy cuoche in màu dày và đẹp, tách đôi một trang tạp chí Định sẽ kiếm được hai tờ giấy trắng một mặt. Nguồn giấy để tách thì Định dặn người nhà vào thăm cứ mua Tạp chí Thế giới Phụ nữ, một công đôi việc, vì tạp chí ấy giấy dày, đọc xong dễ bóc tách. Khi người nhà vào Định gửi số bản thảo đã viết cho mang về lưu giữ và nhận “nguồn vật tư” mới để tiếp tục viết. Viết bằng tay nên tất cả mọi thứ Định phải tính toán trong đầu, khi đã viết ra rồi là không thể gạch xoá hay sửa chữa quá nhiều, viết đi viết lại cũng sẽ tốn mực, tốn giấy. Cứ thế, những trang bản thảo dần dày lên theo ngày tháng đếm ngược đến cái chết.
Những cơ duyên song trùng
Một tin vui đối với Phạm Ngọc Định khi đó là nhờ những cống hiến của gia đình anh trong những năm chiến tranh, Chủ tịch nước đã kí quyết định giảm án tử hình cho anh xuống chung thân. Không còn phải mang án tử nữa, được ra khu cải tạo mới có anh em bạn tù, Định được bầu làm đội trưởng, mọi thứ cũng thuận tiện hơn, có thời gian cho việc viết hơn, vật tư đầu vào phục vụ việc viết cũng tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn là Định có những bạn đọc đầu tiên của mình. Ở trong phòng biệt giam, mình viết rồi mình tự đọc nên không biết hay dở ra sao, bây giờ có thể đưa cho người này, người kia đọc và nói cảm nhận của họ.
Nhờ quá trình cải tạo tốt, năm 2015 Phạm Ngọc Định được trả tự do về với đời thường. Phạm nhân ấy chia tay các quản giáo, các bạn tù trở về nhà mang theo những trang bản thảo như gói ghém phần đời đã qua và cả những khát vọng phía trước.
“Biến tấu của kí ức” - cuốn sách từ những trang bản thảo sau 14 năm kể từ ngày đặt bút tại Trại giam Hà Nam nay đã hiện hình. Việc chào đời của tác phẩm đầu tay của Phạm Ngọc Định gắn với một cơ duyên. Đó là sự góp ý, động viên của một nhà văn đồng hương. Cơ duyên ấy do chính Định tạo nên, khởi phát từ những ngày còn trong trại. Khi vướng vào vòng lao lí, nằm trong trại giam, Định đã đọc thông tin trên báo chí, biết đến nhà văn đồng hương Nguyễn Đình Tú, thích những trang viết về thế giới tội phạm nơi đất Cảng của nhà văn này, nhất là tiểu thuyết “Phiên bản” được cho là cảm hứng từ nguyên mẫu nữ giang hồ đất Cảng Dung Hà. Vậy là Định viết thư cho nhà văn Nguyễn Đình Tú, lá thư dài 23 trang giới thiệu về nhân thân cũng như bày tỏ khát vọng viết sách, cả những dự định công việc sau khi ra tù của mình.
Cuốn truyện dài “Biến tấu của ký ức”của tác giả Phạm Ngọc Định. (Ảnh X.T) |
Năm 2023, bản thảo đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học với tên gọi “Biến tấu của kí ức”. Những người có mặt trong buổi ra mắt cuốn sách “Biến tấu của kí ức” diễn ra tại Hải Phòng đầu tháng 11/2023 đều bất ngờ ít nhiều, bất ngờ không phải vì việc ông ra sách, mà bất ngờ ở chỗ, không như họ nghĩ, rằng đó là một cuốn sách về thế giới tội phạm hay cuộc sống sau song sắt, nhưng không, suốt hơn hai trăm trang sách của truyện dài “Biến tấu của kí ức” hoàn toàn là những trang viết về tuổi thơ trong chiến tranh những năm đầu thập kỷ 1970 tại Hải Phòng khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đỉnh cao là chiến dịch oanh kích bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng vào cuối tháng 12/1972.
Nhà văn Nguyễn Thụy Kha, một người con Hải Phòng nói rằng, qua cuốn sách của Phạm Ngọc Định ông đã được bù đắp những hình ảnh về quê hương vào những năm Hải Phòng chìm trong khói lửa khi ông cũng đang ở chiến trường không được chứng kiến nên còn khuyết thiếu. Nhà thơ Thy Nguyên, một tác giả Hải Phòng sinh ra sau chiến tranh nói rằng, đọc “Biến tấu của kí ức” chị thấy hiểu hơn, yêu hơn quê mình. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy thì cho rằng, lịch sử sống động nhất của một vùng đất là những lịch sử cá nhân với những câu chuyện về thân phận, về những miền kí ức, vì thế, “Biến tấu của kí ức” xứng đáng là một tư liệu văn học cần thiết và hữu ích với mảnh đất Hải Phòng.
Một số người bạn cùng thụ án trong trại giam với ông Phạm Ngọc Định cũng có mặt cùng chia vui với tác giả. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, y tá làm việc trong trại khi xưa, nay là chủ một phòng khám tư, là người được ông Định chia sẻ những trang viết trong tù nói rằng, tác giả là một tấm gương để học tập về việc sống sao cho có ích, ngay cả khi đã bị mất tự do ở trong vòng lao lý...