"Chỉ một hai năm tới, dự án của chúng tôi sẽ bước sang giai đoạn thương mại hóa và hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn", Alastair Westgarth, phụ trách dự án phủ sóng Wi-Fi bằng khinh khí cầu mang tên Project Loon của Google, chia sẻ.
Từ năm 2013, Google giới thiệu dự án Project Loon - dùng khinh khí cầu mang Internet đến mọi nơi xa xôi trên thế giới. Khinh khí cầu hoạt động bằng năng lượng mặt trời, có thể điều khiển từ xa, di chuyển trong gió ở độ cao gần 20 km so với bề mặt trái đất, kết nối với ăng-ten và trạm tiếp nhận trên mặt đất.
Loon có thể bay cao trên các đỉnh núi để cung cấp Internet tới bất kỳ vị trí hẻo lánh nào |
Bằng việc phân tích dữ liệu GPS cung cấp, Google có thể điều chỉnh vị trí khinh khí cầu, như biết khi nào nên tăng hoặc giảm độ cao, từ đó kéo dài thời gian tồn tại của chúng. Từng khinh khí cầu luôn dịch chuyển vòng quanh thế giới từ tây sang đông, nhưng vị trí của nó luôn được lấp chỗ trống bởi các khí cầu khác, nên việc kết nối Internet ở từng khu vực luôn duy trì ổn định.
Google đã phối hợp với nhà mạng Telefonica sử dụng khoảng 20-30 kinh khí cầu để giúp người dân Peru truy cập Internet trong trận lũ và lở đất lịch sử hồi tháng 3/2017. Với số bóng này, Loon có thể phủ sóng một khu vực rộng tương đương Thụy Sĩ (41.285 km²).
Trong khi đó, cuối tháng 6-2017, Facebook cũng cho biết đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ hai của Aquila. Aquila là máy bay không người lái do mạng xã hội lớn nhất thế giới phát triển từ năm 2015 với mục đích phát sóng Wi-Fi đến những vùng xa xôi chưa có điều kiện tiếp xúc với Internet.
Drone của Facebook chạy bằng năng lượng mặt trời, có sải cánh lên đến 43 mét, hơn cả Boeing 747 rộng 34 mét nhưng nặng chỉ khoảng 400 kg nhờ sử dụng vật liệu sợi carbon. Nó được thiết kế để bay ở độ cao khoảng 18 km trong suốt vài tháng.
Facebook cũng tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu giống Google. |
Tham vọng của Facebook là đưa Internet đến với 7 tỷ người trên trái đất, nhất là những vùng hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn. Mark Zuckerberg tuyên bố Internet là cách để con người thoát nghèo, cải thiện chất lượng giáo dục, y tế...
"Vẫn có khoảng cách và khó khăn lớn ở các nước đang phát triển trong việc kết nối và tham gia vào nền kinh tế tri thức", Mark Zuckerberg từng chia sẻ. "Chúng tôi muốn một đứa trẻ ở Ấn Độ chưa bao giờ tiếp cận máy tính nhưng vẫn có thể sở hữu một chiếc điện thoại giá rẻ và sử dụng Internet. Chúng tôi tin, mọi người đều xứng đáng có quyền truy cập Internet".