Gia đình tin ngay và đưa tiền, đến lúc biết lý do chính đáng chị được thả bèn tố cáo thanh niên trên. Bị bắt vì tội lừa đảo, gã khai ra một vụ trộm, cùng đồng phạm vào khoắng sạch nhà người ta nhân lúc gia chủ đi vắng, trong những món đồ trộm cắp được có pho tượng cổ giá 7,5 tỷ đồng. Điều đáng nói là một tên trộm cắp mà tự xưng con rể một gia đình danh giá mà vẫn qua mắt được mọi người để thực hiện trót lọt việc lừa đảo. Ngoài cả tin ra thì phải có một cái gì đó (môi trường, tâm lý, thói quen...) tác động chứ?.
Một chuyện khác, Tòa án TP HCM vừa xét xử một thanh niên giả mạo nhà báo "làm tiền" 1 năm tù giam. Thanh niên này hóng hớt được chuyện một gia đình kia có thể bị cưỡng chế thu hồi đất đai. Anh ta tìm đến khổ chủ, tự xưng mình là nhà báo, giúp được việc phản ảnh sự thật lên báo chí và ra giá 50 triệu đồng. Chị chủ nhà tin ngay và tạm ứng cho anh ta 12 triệu.
Chị đến tòa soạn báo nơi anh “công tác”, gọi điện thì anh chạy ra, đưa đến phòng tiếp bạn đọc thì "chuồn" mất. Nghi ngờ, chị báo Công an và cái kết như ta đã biết. Một bài báo “phản ảnh sự thực” mà giá 50 triệu đồng, có người tin tưởng trao ngay thì đúng là một hiện tượng rất đáng phải suy nghĩ!
Hiện tại, các vụ lừa đảo qua mạng xã hội khá phổ biến. Nhỏ là “có rảnh không, mua hộ cái sim điện thoại”, lớn hơn là ở nước ngoài cần mua sim để bán, lãi suất rất cao. Lớn hơn nữa là các phi vụ lừa đảo hàng triệu đô làm từ thiện hoặc rửa tiền, nhiều quý bà đã mất tiền tỷ về các vụ lừa đảo này.
Tuy bị vạch mặt nhưng các trò báo tin trúng thưởng của hãng xe tên tuổi, yêu cầu gửi tiền vào tài khoản để nhận thưởng lớn, nhiều người vẫn bị mắc lừa và trò lừa đảo đó vẫn tiếp diễn. Những cuộc “tọa đàm” với khách hàng mở ra ở vùng nông thôn, giới thiệu sản phẩm, cho tặng một thứ rẻ tiền và bán hàng cực đắt so với giá bình thường. Trò này được cán bộ địa phương hưởng ứng nên bà con mắc lừa dễ dàng hơn.
Người ta có thể cảnh giác thái quá với hiện tượng bắt cóc nhưng lại quá tin tưởng vào mấy trò lừa đảo lặp đi, lặp lại, vẫn thủ đoạn cũ rích mà chẳng nghi ngờ gì. Các nhà tâm lý xã hội gọi đó là thủ đoạn đánh vào lòng tham, người bị lừa rất dễ mắc. Thế còn cái hiện tượng giả danh “con ông nọ, cháu bà kia”, cán bộ nhà nước, phóng viên, nhà báo... sao cũng lừa được nhiều người đến thế?