Nguyên nhân cháy rừng, theo ông Mỹ, dù vẫn đang điều tra, nhưng có lý do của trận nắng nóng lịch sử kéo dài 3 ngày qua.
Vụ cháy rừng lớn nhất ở Hà Nội
Ông Chu Phú Mỹ cho hay, với sự nỗ lực của gần 2.000 cán bộ chiến sỹ kết hợp với các lực lượng chuyên môn, nhân dân…, đám cháy rừng về cơ bản đã được kiểm soát gần như hoàn toàn sau 12 giờ đồng hồ.
“Ước tính khoảng 50ha rừng bị thiệt hại. Đây là đám cháy rừng phòng hộ lớn nhất xảy ra từ trước đến nay. Lửa bắt lên từ khu vực xóm 6 (xã Nam Sơn), sau đó lan sang cánh rừng của xóm Hoa Sơn.
Toàn bộ quả núi được phủ xanh bởi keo, bạch đàn, thông… nằm phía sau đền Gióng. Do đặc điểm rừng phòng hộ ở Sóc Sơn trồng trên địa hình núi cao, đồi dốc… nên công tác cứu hộ cực kỳ khó khăn, khiến đám cháy kéo dài và lan rộng” – Giám đốc Sở nói.
Một lý do khác khiến đám cháy lây lan, đó là lửa nổi lên ở nhiều điểm, lan cục bộ sau đó chạy thành vệt, ôm lấy cả khoảnh rừng hàng chục ha.
Về việc Lâm trường trong quá trình trồng rừng đã tạo một vàng đai có chiều rộng 10m để cách chia các vệt đồi, tránh lửa lây lan khi có hỏa hoạn, tuy nhiên đám cháy vẫn vượt qua vành đai này, ông Mỹ lý giải, do gió đánh tạt lửa, bén lên những tán cây đã khép tán với nhau. Cộng với thời tiết khô hanh kéo dài mấy ngày qua khiến đám cháy càng thêm mở rộng.
Với đặc điểm đồi núi dốc, không có đường lên, ông Mỹ đánh giá đây là điểm khó để sử dụng phương tiện xe cứu hỏa dùng vòi phun nước dập lửa. Các đơn vị bộ đội đóng ở huyện Sóc Sơn đã ngay lập tức có mặt là lực lượng chủ lực cùng nhân dân, biên phòng, dân quân tự vệ… khống chế đám cháy không cho lan rộng.
“Đây là bài học lớn trong công tác phòng chống cháy rừng. Qua đây, chúng tôi sẽ kiến nghị để tăng cường công tác tập huấn, lên phương án chống cháy, đầu tư các phương tiện, vật dụng chuyên dụng để phòng cháy chữa cháy. Thứ hai, sẽ tuyên truyền người dân tham gia giữ, bảo vệ rừng, nâng cao tinh thần cảnh giác đối phó với cháy rừng nhiều hơn nữa”.
Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Sóc Sơn Nguyễn Quang Đấu |
Theo Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Sóc Sơn Nguyễn Quang Đấu, lực lượng quân đội ngay khi nhận thông tin cháy rừng đã ngay lập tức có phương án phối hợp chữa cháy. Số lượng chiến sỹ tham gia dập lửa giữ rừng là gần 2.000 người.
“Việc đảm bảo đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, không để tái cháy rừng trở lại cũng là điều quan trọng. Chúng tôi sẽ cắt cử lực lượng canh giữ, dập hết tàn lửa, không để tàn lửa âm ỉ trong các đám tro bụi. Đây làm đám cháy thực bì, tức là cháy lây lan từ cành lá, thân cây, lại được gió thổi mạnh nên nguy cơ lây lan là điều rất nguy hiểm”.
Đây là bài học đối với ban chỉ huy phòng chống khắc phục thiên tai của Sóc Sơn; sẽ tăng cường công tác tập huấn, lựa chọn các phương tiện để chống cháy phù hợp với địa hình miền núi không có đường lên cho xe cứu hỏa.
Những năm trước đây, mặc dù các vụ cháy rừng diễn ra với mật độ lớn nhưng quy mô nhỏ, cháy từng điểm nên người dân nhanh chóng dập tắt. Thiệt hại của những vụ cháy rừng trước đó chỉ vài ba ha. Lần đầu tiên Sóc Sơn xảy ra cháy rừng phòng hộ với thời gian kéo dài (hơn 12h), gây thiệt hại tới 50ha rừng.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị mở rộng thêm vành đai ngăn đám cháy lên 20m thay vì 10m như trước đây. Cũng rất may, đám cháy lần này không gần khu dân cư, không gần với các khu vực tập kết xăng dầu của các đơn vị nên không có thêm thiệt hại nào khác” - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Vì sao rừng phòng hộ Sóc Sơn bị cháy?
Nhà nằm ngay dưới chân núi Hoa Sơn, vợ chồng ông Quách Tiến Du (SN 1954) và bà Phạm Thị Chúc buồn rầu nhìn đám cháy rừng thời điểm chưa được khống chế đang lan xuống khu vực rừng keo, bạch đàn của gia đình.
Lực lượng bộ đội tham gia cứu hỏa, dập cháy rừng Sóc Sơn trong đêm 5/6 |
Ông Quách Tiến Du (đội mũ) cho biết, đây là đám cháy rừng lịch sử từ trước tới giờ xảy ra tại rừng Hoa Sơn. |
Ông Du cho biết, khoảng 13h30 phút, khi phát hiện cột khói tại khu vực xóm 6 cách nhà khoảng 2km, người dân đã thông tin cho xã để đánh kẻng báo động. Sau đó, lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt. Cuộc chống cháy rừng kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ khiến ai cũng mệt mỏi.
Bà Phạm Thị Chúc (SN 1961, nhà dưới chân núi) xót xa nhìn lên khu vực xảy ra cháy. Gia đình bà có 5.000m2 trồng keo, bạch đàn... đang nằm trong vùng cháy.
Ông Du cho biết thêm, năm 2016 có hơn 20 vụ cháy; từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ, nhưng đều là các vụ cháy nhỏ, người dân tự khắc phục được.
Bà Phạm Thị Chúc bồn chồn nhìn đám cháy đang lan về phía 5.000m2 trồng keo, bạch đàn của gia đình |
“Đây là vụ cháy rừng lớn nhất từ trước tới nay, thiệt hại về rừng cũng nhiều nhất. Chúng tôi nghĩ, nguyên nhân chính là do trời hanh khô vì đợt nắng nóng kéo dài. Buổi chiều ngày hôm qua, gió lại quẩn khiến lửa cứ thế lan cục bộ thành nhiều đám, sau đó mới chập lại thành từng vệt” - ông Du kể.