Tai họa
Ngày 10/01/2013, bà Nguyễn Thị Hằng (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và bà Nguyễn Thị Nhung (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) làm hợp đồng mua bán 50 tấn cà phê với số tiền gần 2 tỷ đồng và thanh toán chuyển khoản. Do thiếu tiền, bà Nhung đã viết giấy mượn của bà Đỗ Thị Kim Dung (TP.Đông Hà) 1,8 tỷ đồng. Trong hai ngày 10 và 11/01/2013, bà Dung đến Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Quảng Trị chuyển vào tài khoản bà Hằng số tiền trên. Ngày 16/01/2013, bà Hằng, bà Nhung thanh lý hợp đồng. Nhưng hơn 1 năm sau, ngày 15/01/2014, tai họa ập xuống với bà Hằng khi bỗng dưng bà Dung đến đòi số tiền 1,8 tỷ đồng với lý do đã cho bà Hằng mượn trước đây? Mặc dù từ trước đến nay, giữa bà Hằng và bà Dung chưa hề quen biết cũng như không có giao dịch buôn bán gì nên bà Hằng đã từ chối.
Đòi không được, bà Dung khởi kiện ra tòa. Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hằng đã cung cấp cho tòa án đơn trình bày do bà Nhung viết:“Vào ngày 10 và 11/01/2013, tôi có vay của bà Đỗ Thị Kim Dung số tiền là 1,8 tỷ đồng. Vì có việc đi Hà Nội nên tôi viết giấy gửi lại cho ông Hồ Tăng, Trưởng phòng Ngân hàng Công thương Lao Bảo nhờ ông Tăng gửi vào tài khoản của bà Hằng kèm theo giấy vay tiền…Nay tôi biết bà Dung kiện đòi bà Hằng số tiền nói trên. Tôi xác nhận số tiền bà Dung kiện bà Hằng là sai hoàn toàn vì số tiền đó chính bản thân tôi là người vay bà Dung để trả tiền mua cà phê của bà Hằng. Vì giấy tôi đã viết cho bà Dung nên tôi không về nhận tiền trực tiếp mà bảo bà Dung chuyển thẳng vào tài khoản bà Hằng…”.
Như vậy, số tiền 1,8 tỷ đồng bà Dung chuyển cho bà Hằng là tiền bà Nhung vay của bà Dung để trả cho bà Hằng tiền mua cà phê chứ bà Hằng không mượn của Dung. Thế nhưng, TAND huyện Hướng hóa vẫn tuyên buộc bà Hằng phải trả cho bà Dung số tiền nói trên một cách khiên cưỡng.
Công lý ở đâu?
Không chấp nhận cách xử trên, bà Hằng kháng cáo, đồng thời VKSND huyện Hướng Hóa cũng kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm.
Với nhận định bà Nguyễn Thị Nhung thừa nhận có vay của bà Đỗ Thị Kim Dung số tiền 1,8 tỷ đồng để trả tiền mua cà phê, đồng thời nhờ bà Dung chuyển tiền vào tài khoản cho bà Hằng. Thế nhưng, HĐXX phúc thẩm vẫn cho rằng: Việc mua bán cà phê giữa bà Hằng và bà Nhung là quan hệ mua bán không liên quan gì đến việc bà Dung khởi kiện? Do đó, số tiền 1,8 tỷ đồng bà Hằng phải trả tiền cho bà Dung….
Mặc dù chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện, chứng từ gốc lưu trữ tại Ngân hàng như các giấy nộp tiền đều có nội dung “chuyển tài khoản” chứ không phải là “chuyển tài khoản cho mượn” như bà Dung xuất trình. Ngân hàng Công thương - chi nhánh Quảng Trị cũng đã cung cấp 2 giấy nộp tiền, trong đó chữ ký và nội dung chuyển khoản không trùng khớp với 2 giấy nộp tiền bà Dung cung cấp cho tòa. Rõ ràng đây là chứng cứ giả mạo, thì theo quy định tại khoản 2 và 3, Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự: Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án chuyển cho Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền; người đưa ra chứng cứ giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác, nhưng những người “cầm cân nẩy mực” ở Quảng Trị cố tình bẻ cong sự thật?
Việc Tòa cho rằng, bà Nhung không có chứng cứ chứng minh là có vay của bà Dung tiền là vô lý, bởi lẽ tại tòa bà Nhung đã thừa nhận mình vay tiền bà Hằng và chìa ra giấy mượn tiền thì lấy đâu việc bà Hằng vay tiền bà Dung? Hơn nữa giữa bà Hằng và bà Dung không có hợp đồng vay mượn, nên không có thời hạn chi trả, vậy tại sao phải buộc bà Hằng trả tiền cho bà Dung trong khi bà Nhung có giấy vay tiền?...Rõ ràng ở đây có điều gì đó khuất tất, nên cả hai cấp òa mới nhận định như vậy.
Không đồng ý với bản án của tòa phúc thẩm, VKSND tỉnh Quảng Trị đã kháng nghị lên VKSNDTC với nhận định: Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự được thẩm tra công khai tại phiên tòa có cơ sở xác định, bà Hằng không có việc mua bán hoặc vay mượn tiền của bà Dung mà chỉ mua bán cà phê với bà Nhung. Bà Nhung thừa nhận có mua cà phê của bà Hằng và mượn tiền của bà Dung và nhờ bà Dung chuyển tiền vào tài khoản của bà Hằng là có cơ sở. Vì vậy, việc bà Dung yêu cầu bà Hằng trả lại 1,8 tỷ đồng là không có căn cứ. TAND huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị chỉ căn cứ vào trình bày của bà Dung và hai chứng từ bà Dung cung cấp để xác định bà Hằng vay tiền là không có căn cứ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hằng. Bà Hằng không vay tiền tại sao phải trả tiền, trong khi bà Nhung khẳng định mình là người vay tiền và chấp nhận trả nợ cho bà Dung thì tòa án lại không chấp nhận ý nguyện này. Theo đó, đề nghị VKSNDTC xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm để giải quyết lại.
Dư luận ở Quảng Trị đang chờ một phán quyết công tâm, đúng pháp luât để trả lại công bằng cho người dân cũng tính nghiêm minh của pháp luật./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com