“Xông” khói học sinh
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Nghĩa Mỹ phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Diện tích lớn cây cối, hoa màu của người dân trong vùng đều bị táp đầu, cháy lá do khói từ lò gạch.
Điều đáng nói, các lò gạch này nằm gần khu dân cư, rất gần các trường học nên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn “đầu độc” sức khỏe của các cháu nhỏ.
Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến giữa cái nắng oi ả, 4 lò gạch thủ công trước Trường Tiểu học Nghĩa Mỹ vẫn đỏ rực lửa, khói trắng bốc lên mù mịt. Thời tiết nóng nực lại thêm những luồng khí than bốc lên từ các lò gạch thủ công càng khiến cho không khí ở đây trở nên ngột ngạt hơn.
Cô Phạm Thị Xuân Trinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Mỹ cho biết: “Nhiều hôm gió lớn, thổi khói bụi từ các lò gạch bay vào trường mù mịt ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Tình trạng lò gạch thủ công bao vây, xông khói học sinh, giáo viên trong trường diễn ra nhiều năm nay, khiến thầy cô giáo và phụ huynh vô cùng lo lắng”.
Theo cô Trinh, trường có thiết kế chữ U nên khói bị gió thổi vào nằm gọn trong phòng học rất lâu mới tan. Mùi khói rất khó chịu, nhiều thầy cô giáo và học sinh cảm thấy khó thở, chóng mặt khi phải hít khói lò gạch thường xuyên.
Không những thế, gần 500 học sinh của trường còn bị đe dọa bởi tình trạng mất an toàn giao thông trước cổng trường do hàng trăm lượt xe chở đất, gạch gây ra.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên di dời lò gạch đi nơi khác nhưng vẫn chưa được giải quyết. Không biết học sinh, giáo viên của nhà trường phải sống chung với khói độc từ lò gạch đến bao giờ?”, cô Trinh bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Trí (56 tuổi, sống gần lò gạch) bức xúc: “Khói than đá từ các lò gạch này làm lúa gia đình tôi và nhiều hộ khác bị lép hạt hoặc cháy nám. Cây ăn trái trong vườn cũng bị ảnh hưởng, khô héo, không đậu trái, ảnh hưởng sức khỏe con người rất nghiêm trọng. Do đó, cần phải chấm dứt hoạt động các lò gạch này”.
Khói nghi ngút từ các lò gạch thủ công đang “đầu độc” người dân Nghĩa Mỹ |
Các chủ lò cần chính sách hỗ trợ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai lộ trình phát triển vật liệu không nung theo quyết định của Chính phủ. Việc thực hiện lộ trình nhằm chấm dứt hoạt động của các lò gạch truyền thống, gây ô nhiễm sang phương pháp sản xuất vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Theo lộ trình, các lò gạch thủ công trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư... ở các huyện đồng bằng phải chấm dứt hoạt động trước năm 2013. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện lộ trình này vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân, theo các chủ lò gạch thủ công, họ không thể bỏ nghề truyền thống và việc làm của hàng chục lao động tại địa phương. Chính quyền thì không thể bố trí quỹ đất để di dời các lò gạch ra xa khu dân cư.
Ông Nguyễn Giám (chủ lò gạch đối diện cổng Trường Tiểu học Nghĩa Mỹ) cho biết: “Biết hoạt động thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con em, nhưng tôi không thể bỏ nghề mà có gần 40 năm gắn bó. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình và 20 lao động ở địa phương. Chúng tôi sẵn sàng ngừng hoạt động nếu địa phương bố trí khu vực sản xuất xa khu dân cư, hoặc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Binh - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, cho biết: “Toàn xã hiện còn 19 lò gạch thủ công. Việc các lò gạch xả khói, bụi đã gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, làm chết lúa, hoa màu của người dân. Riêng 4 lò gạch trước Trường Tiểu học xã Nghĩa Mỹ không chỉ gây ảnh hưởng đến học sinh trường này mà còn ảnh hưởng đến 2 trường trung học và mầm non bên cạnh, với tổng số hàng nghìn học sinh”.
“Để giảm ô nhiễm cho các trường, chúng tôi đã yêu cầu các chủ lò gạch chọn thời điểm nung để giảm khói vào giờ học. Tuy nhiên, họ vẫn không chấp hành”, vị Phó chủ tịch xã ngán ngẩm nói.
Theo ông Binh, các lò gạch là nguồn sống của hàng trăm lao động địa phương, phần lớn là phụ nữ, không có khả năng lao động xa xứ hoặc chuyển đổi ngành nghề. Địa phương đã nhiều lần vận động nhưng các chủ lò cho rằng họ không đủ vốn đầu tư và đảm bảo lợi nhuận nếu chuyển từ phương pháp thủ công sang sản xuất bằng công nghệ.
“Quỹ đất của xã không đủ để dời các lò gạch đi nơi khác, nên sẽ kiến nghị lên cấp trên. Để chuyển đổi sang sản xuất gạch thân thiện với môi trường, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chủ lò, tạo việc làm cho người lao động”, ông Binh cho biết.
Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh, huyện cần vào cuộc, có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Không lẽ, cứ nằm chờ đất trong khi sức khỏe của người dân, các em học sinh thì cứ đang từng ngày, từng giờ bị ảnh hưởng.