Ngạc nhiên vì trong tư duy của người Việt, người già, người cao tuổi là đối tượng được hưởng sự nghỉ ngơi và con cháu phụng dưỡng. Ở Việt Nam hiện nay, gia đình nào có người già còn làm việc thì con cháu sẽ bị lên án là bất hiếu. Tới đây, khi dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chóng, xã hội thiếu hụt lao động trầm trọng thì tư duy này liệu có thay đổi?
Bức tranh đối lập
Chị Nguyễn Thị Minh là thành viên một diễn đàn gia đình, mới đây chị đã thẳng thắn trao đổi một vấn đề trên diễn đàn dù rằng sau đó bị lên án và “ném đá” khá nhiều. Số là gia cảnh của chị Minh mẹ chị mất sớm, bố chị gà trống nuôi con gái độc nhất đến tuổi trưởng thành. Khi con gái lấy chồng, ông ở với con. Vợ chồng chị Minh đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, hai đứa trẻ cũng đi học bán trú cả ngày, một mình bố chị ở nhà lủi thủi đi ra đi vào trong căn nhà vắng trong khi sức khỏe ông vẫn có thể làm những công việc nhẹ nhàng.
Thương bố cô đơn, thiếu niềm vui cuộc sống chị Minh đã chia sẻ trên diễn đàn dòng thông tin: “Mình cần xin việc làm gấp cho bố. Bố đã lớn tuổi (65 tuổi) nên chắc thích hợp làm bảo vệ hay chăm sóc cây cảnh gì đó. Lý ra tuổi này thì ở nhà cho con cháu chăm sóc nhưng vì cuộc sống của bố buồn tẻ quá nên tìm việc cho ông làm để ông vừa có thu nhập vừa có niềm vui”.
Những tưởng chia sẻ rất thật lòng của chị Minh sẽ được ủng hộ, nào ngờ nhiều thành viên trên diễn đàn đã “ném đá” chị là bất hiếu, bóc lột bố cả đến giây phút cuối đời. Thậm tệ hơn họ còn võ đoán là chị Minh không muốn để bố ở nhà để tiết kiệm tiền điện nước cả ngày nên xua bố đi làm… “Tôi thật sự bất ngờ về cách suy nghĩ của nhiều người. Có nhiều dịp công tác Thái Lan, Nhật, tôi thấy người già ở các nước đó đi làm rất nhiều. Đối với họ đó thực sự là niềm vui vì được tiếp tục sống có ích, niềm vui ở chỗ làm cũng giúp họ quên đi nỗi buồn, bệnh tật tuổi già, chưa kể lại có thêm tiền để chi tiêu nhu cầu cá nhân đỡ phải phiền con cháu” – chị Minh trao đổi.
Ông Hiroshi Suzuki, người Nhật Bản đã có sự nghiệp viên mãn, đi khắp thế giới với nghề kỹ sư. Ở tuổi 65, ông về hưu, song giai đoạn này chẳng kéo dài lâu. Bảy năm qua, ông Suzuki, năm nay 72 tuổi, làm phụ tá điều dưỡng tại khu vực thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Ông Mikami Hitoshi, Chủ tịch danh dự cửa hàng bán đồ ăn Ishii cũng là một ví dụ điển hình cho tinh thần làm việc không tuổi tác ở Nhật. Tuy đã 70 tuổi nhưng ông Mikami Hitoshi vẫn là Chủ tịch danh dự của chuỗi cửa hàng bán đồ ăn Ishii. Công việc chính của ông là đốc thúc nhân viên và hỗ trợ bán hàng khi cửa hàng quá đông khách.
Ông Mikami Hitoshi chia sẻ: “Tôi thích công việc này lắm. Mặc dù tôi đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng khi nào cửa hàng đông khách thì tôi vẫn ra đây để giúp đỡ mọi người”. Ở Nhật Bản có thể dễ dàng bắt gặp những lao động cao tuổi như ông Hitoshi và Hiroshi. Chính phủ Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi nhưng phần lớn người lao động Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc khi đã vượt quá độ tuổi này. Lý do cho việc tiếp tục lao động của người Nhật Bản rất đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn những người được hỏi đều khẳng định họ không muốn từ bỏ công việc khi vẫn còn sức khỏe và vẫn làm việc đến khi nào có thể để hạn chế làm phiền con cháu.
Nhà nước sẽ khó có thể đảm bảo mức hỗ trợ tốt cho người cao tuổi
Về tốc độ già hóa của dân số Việt Nam không còn nghi ngờ gì với nhận định: tốc độ già hóa dân số ở nước ta diễn ra rất nhanh chỉ trong khoảng hai thập kỷ. Theo Tổng cục Dân số, tính đến năm 2025, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu dân, song cơ cấu dân số theo độ tuổi lại biến đổi rất nhanh. Năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, khi có trên 10% dân số từ 60 tuổi trở lên và đến năm 2032 con số này tăng lên 20%.
Theo thông tin về nhận diện công việc đang làm của người cao tuổi Việt Nam do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật vào ngày 6/2/2017 cho thấy một điểm chung là sự phân hóa tương đối rõ rệt trong nhóm dân số cao tuổi. Khi chuyển từ tuổi lao động sang tuổi già, vẫn có một tỷ lệ đáng kể người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc và khi họ chọn tiếp tục làm việc thì họ làm không kém gì nhiều so với nhóm dân số vẫn đang trong độ tuổi lao động. Điều này có lẽ cũng không nằm ngoài thực tế chung của các nước khác trong khu vực, hỗ trợ cho người cao tuổi ở Việt Nam cũng sẽ dịch chuyển hay buộc phải dịch chuyển từ mô hình hỗ trợ phi chính thức dựa trên gia đình sang hỗ trợ chính thức dựa trên Nhà nước.
Tuy nhiên, đây lại là một thách thức lớn khi khả năng đóng góp của người lao động vào quỹ lương hưu thấp do mức lương và thu nhập của người lao động thấp. Với khả năng đóng góp vào quỹ lương hưu thấp, tỷ lệ người lao động được hưởng lương hưu thấp và sự eo hẹp của ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ chính thức dựa trên Nhà nước sẽ khó có thể đảm bảo mức hỗ trợ tốt cho người cao tuổi, đặc biệt là với những người không có lương hưu.
Thực tế này cho thấy Việt Nam sẽ phải sớm đối diện với những vấn đề hệ lụy từ già hóa dân số mà các nước phát triển đang gặp phải và những vấn đề này cũng sẽ trầm trọng hơn so với các nước phát triển.