Người dân địa phương phản ánh, hàng ngày cứ tầm trưa, khoảng 10 tàu cỡ lớn chở cát chạy dọc sông từ phía xã Điện Thọ dọc xuống theo hạ lưu sông Thu Bồn chạy qua Điện Trung và Điện Phong. Tình trạng khai thác cát ở khu vực này quá nhiều, kể cả có phép và không phép. Tình trạng sạt lở ở khu vực Gò Nổi ngày càng nghiêm trọng, đất mất dần, đất hoa màu người dân ngày càng hẹp lại. Thậm chí, nhiều nhà dân đã bị sông lấn vào tận sân.
Nói về tình trạng sạt lở, ông Trần Tình, Chủ tịch xã Điện Trung cho biết, năm 2016 trên địa bàn xã bị sạt lở bờ sông kéo dài 300m, sạt lở mất 2ha đất, còn những năm qua, xã mất 20ha đất bị trôi xuống dòng sông.
“Trước đây, khi mới xuất hiện dấu hiệu sạt lở, Nhà nước có quyết định xây kè mang tên Điện Trung, nhưng sau lại làm cho xã Điện Quang trước, Điện Trung chỉ mới làm được khoảng 300m, bỏ 400m chưa làm. Hơn nữa, do làm đập tràn theo kiểu “dóc võng”, hình chữ U nên nước xoáy vào đây gây sạt lở bờ sông thêm. Đặc biệt, nguyên nhân này còn do tình trạng khai thác cát trên khu vực sông thời gian qua quá nhiều”, ông Tình cho biết.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Thanh, Trưởng Công an xã Điện Trung thông tin, sáng 21/3/2017, nhận tin báo của người dân, Công an xã Điện Trung phối hợp với thôn Hòa Giang phát hiện 2 chiếc tàu của Cty Gia Lộc (có mỏ cát ở xã Điện Phước phía đối diện, hút cát lấn qua phía sông của xã Điện Trung. Cơ quan chức năng phải đẩy đuổi tàu khai thác lấn qua vùng vi phạm. Cũng theo ông Thanh, năm 2016 và đầu năm 2017 Công an xã phối hợp với xã Điện Phong phát hiện xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm khai thác trái phép.
“Cái khó của chúng tôi là biết họ khai thác trái phép đó, nhưng do đêm tối, mình không có ghe, muốn đi phải mượn ghe, nhưng khi ra tới nơi, tàu họ chạy mất tiêu. Còn nếu kiểm tra, họ lách luật, hợp thức hóa bằng một giấy mua bán cát hợp pháp nào đó, chúng tôi cũng chịu, không thể xử phạt được”, ông Thanh chia sẻ.
Được biết, chính quyền xã cũng có cử bên công an giám sát mỏ có phép trên địa bàn, xã cũng được chi lại một phần thuế phí môi trường. Thế nhưng, việc kiểm soát dưới lòng sông cực kỳ khó, vừa ngoài khả năng nghiệp vụ, hơn nữa không thể theo sát mãi được.
Về thực trạng trên, Trung tá Nguyễn Phước Pháp, Đội trưởng Đội Kinh tế- Ma túy- Môi trường (Công an TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, ở khu vực sông Thu Bồn qua TX Điện Bàn chỉ 10km mà có đến 11 mỏ được cấp phép là quá dày. Chưa kể những tàu khai thác trái phép nữa nên “không sạt lở mới chuyện lạ”.
“Đội có 15 người, song thực hiện 3 lĩnh vực, ngoài chỉ huy, tổng hợp, cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường quá ít, phương tiện thiếu, mỏ cấp nhiều… nên quản lí không xuể”, Trung tá Pháp nói.
Đáng nói, vai trò của ngành Công an trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý khoáng sản, môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng: Hiện vẫn chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát Môi trường và Phòng Cảnh sát Kinh tế quản lý cụ thể lĩnh vực, địa bàn nào. Được biết, thực tế thì lực lượng nào nhận được thông tin, báo cáo cấp trên cho ý kiến chỉ đạo, tổ chức lực lượng truy quét nên khó tránh chồng chéo hoặc sót lọt…
Trao đổi với PLVN, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng Sản, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc Sở tham mưu cho tỉnh cấp phép các mỏ, trong đó có mỏ hút cát ở khu vực thị xã Điện Bàn cũng theo trình tự và theo quy hoạch. Sau khi doanh nghiệp muốn lập mỏ, xã, phường đề xuất lên huyện, huyện kiểm tra các thủ tục cần thiết rồi đề xuất lên tỉnh, tỉnh chỉ đạo sở tham mưu, lập đoàn kiểm tra cùng các cơ quan chức năng, nếu đủ điều kiện mới được cấp phép.
“Tuy theo quy hoạch nhưng thực tế diễn biến trên sông khó lường, thiên tai hoặc tác động khách quan, chủ quan gây sạt lở. Việc này chính quyền địa phương cấp xã, phường phải báo cáo, huyện kiểm tra, khi nào vượt quá thẩm quyền, sở tham mưu cho tỉnh xử lý. Còn khi sở đi kiểm tra mà cấp nào chưa thực hiện đúng theo quy định, cấp đó chịu trách nhiệm”, ông Ba phân tích.
Khi PV đặt câu hỏi về việc người dân phản ánh do nhiều mỏ cát ở khu vực sông Thu Bồn qua TX Điện Bàn, khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, ông Bùi Văn Ba thừa nhận có thực tế này từ lâu. Tuy nhiên, ông Ba trả lời: “Chúng tôi sẽ trao đổi lại với Phòng TN&MT TX Điện Bàn để có kế hoạch kiểm tra cụ thể thực tế tại khu vực trên và sẽ báo cáo với cơ quan chức năng cùng báo chí, người dân được biết trong thời gian tới”.