Trò chơi thực tế ảo
Pokemon Go là một trò chơi (game) thực tế ảo mới được xây dựng dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do Nintendo và hãng Niantic Labs của Mỹ sáng tạo ra. Ứng dụng game được cài đặt và chơi bằng điện thoại di động thông minh có kết nối mạng internet. Trong game, người chơi đóng vai là huấn luyện đi bắt những con thú ảo Pokemon.
Để chơi game này, người chơi phải di chuyển và bản đồ trong game được xây dựng dựa trên thực địa để bắt giữ, huấn luyện và chiến đấu với "thú nuôi" ảo Pokemon. Với việc sử dụng công nghệ dịch vụ định vị toàn cầu (GPS), người chơi có thể đi khắp nơi để săn tìm các quái thú Pokemon ảo tại những địa điểm thực.
Khi tìm ra một con Pokemon, người chơi hướng máy ảnh của điện thoại về phía đó và Pokemon sẽ hiện lên màn hình. Người chơi luôn bị cuốn vào đam mê và vô cùng thích thú khi “săn được” những con thú rất hiếm, ít khi xuất hiện và có cấp độ (level) cao. Người chơi cũng có thể bắt Pokemon và đào tạo nó để tham gia các trận thi đấu.
Là trò chơi ảo nhưng gắn liền với định vị ngoài đời thực khiến Pokemon Go lập nhiều kỷ lục trên các kho ứng dụng từ khi ra mắt đến nay. Đây cũng chính là điểm khác biệt và hấp dẫn của trò chơi này. Kể từ khi được phát hành ngày 6-7 đến nay, Pokemon Go đã khiến cả thế giới gần như “phát cuồng”. Trò chơi này hiện đã được khoảng 75 triệu người trên thế giới sử dụng.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ở nhiều nơi trên thế giới, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những người đang say sưa tập trung vào điện thoại để “bắt” Pokemon. Khác với các game truyền thống thường buộc người chơi ngồi một chỗ, Pokemon Go lại hướng người chơi đến sự vận động. Vì vậy, dù được đánh giá là một trò chơi hay và thú vị nhưng Pokemon Go cũng dễ dàng khiến người chơi vướng vào những tai nạn kinh hoàng hay tình huống "dở khóc dở cười" vì mải mê bắt Pokemon.
Do quá mải mê bắt thú ảo, nhiều người đã gặp tai nạn trong khi di chuyển. Người đầu tiên trên thế giới gặp nạn khi đang chơi Pokemon Go là một thanh niên 17 tuổi có tên Marcus Jackson sống tại Chicago (Mỹ). Ngày 8/7, Marcus Jackson quá mải chơi Pokemon Go nên vô tình đi vào khu vực nguy hiểm, có nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động. Jackson đã bị một kẻ xấu đâm nhiều nhát để cướp chiếc điện thoại iPhone của anh nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.
Sau đó vài ngày, ngày 14/7, tại thành phố Encinitas (bang California, Mỹ), hai người đàn ông vì mải bắt thú ảo Pokemon đã bất chấp những biển cảnh báo nguy hiểm để trèo qua hàng rào và bị ngã xuống vách núi đá bên bờ biển. Một người bị ngã xuống vách đá cao 15m, trong khi người còn lại bị lăn xuống độ sâu lên đến 24m. Rất may cả hai người đàn ông này đều chỉ bị thương.
Thậm chí, hai thanh niên (16 tuổi và 19 tuổi) ở Florida, Mỹ đã bị bắn khi đang chơi Pokemon Go vào lúc nửa đêm do chủ nhà nhầm họ với kẻ trộm. Gần đây nhất, ngày 29/7, một cô gái 22 tuổi tên là Tanami Nayler đã bị đâm chết tại Australia khi vừa qua đường vừa chơi Pokemon Go.
Ngoài các vụ việc nghiêm trọng trên, không ít sự cố giao thông khác liên quan đến trò chơi Pokemon Go đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới như việc tài xế đâm vào gốc cây, gây tai nạn liên hoàn giữa đường hay đâm vào trường học hoặc đâm vào xe cảnh sát... vì vừa chơi vừa lái xe.
Bên cạnh đó, những tai nạn do lỗi bất cẩn, người chơi Pokemon Go cũng có thể bị cướp. Phòng cảnh sát O’Fallon, ở bang Missouri (Mỹ) cho biết, một băng cướp gồm 4 người đàn ông đã rình rập tại những điểm game thủ hay lui tới để cướp giật.
Thậm chí, nạn nhân của trò chơi này còn là những người không chơi Pokemon Go. Khu vườn của một người đàn ông ở bang Massachusetts (Mỹ) đã bị các game thủ giẫm nát sau một đêm, bởi đây là nơi được trò chơi đánh dấu là Gym (nơi để Pokemon chiến đấu và tập luyện).
Một số tình huống "dở khóc dở cười" cũng đã xảy ra vì mải mê bắt Pokemon. Một đám cưới ở Anh hồi cuối tháng 7 vừa qua giữa cô dâu Elizabeth Corps và chú rể Joe Whiddelt đã biến thành đấu trường dành cho những game thủ chơi Pokemon Go. Ngay cả chú rể Joe cũng “quên” cả vợ mình vì mải mê cầm điện thoại chinh phục những con thú ảo.
Ngay tại Olympic Rio 2016 đang diễn ra tại Brazil, Kohei Uchimura - vận động viên thể dục dụng cụ Nhật Bản từng 6 lần đoạt Huy chương Vàng nội dung thể dục toàn năng thế giới - đã bị phạt vì lén lút chơi Pokemon Go trong giờ luyện tập, do Brazil chưa cho phép người dùng chơi trò Pokemon nên việc bắt thú ảo là vi phạm pháp luật. Bên kia Thái Bình Dương, hai thiếu niên đã bị bắt vì bất cẩn đi qua biên giới Mỹ-Canada khi mải bắt một Pokemon hiếm.
Ngoài ra, ở một số quốc gia, trò chơi Pokemon Go còn bị cài lén phần mềm “gián điệp” khiến người chơi gặp phải những rủi ro về an ninh mạng…
Kohei Uchimura - vận động viên thể dục dụng cụ Nhật - tại Olympic Rio 2016 đã bị phạt vì lén lút chơi Pokémon Go. |
Đau đầu...đối phó
Hệ luỵ ngày càng tăng do chơi Pokemon Go đã khiến một số quốc gia trên thế giới bắt đầu có hành động cụ thể.
Ở Đông Nam Á, Indonesia ra lệnh cấm cảnh sát, binh sĩ không được chơi Pokemon Go đi đang làm nhiệm vụ, ca trực. Nhằm ngăn không cho người dân tùy tiện đi vào một số khu vực như chùa, đền thờ, bệnh viện,… chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cấm cũng như xem xét lại việc phát hành game Pokemon Go tại đây.
Tại Trung Đông, Iran là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm trò chơi Pokemon Go do những quan ngại về vấn đề an ninh. Saudi Arabia cũng quyết định khôi phục lại một sắc lệnh cách đây 15 năm, trong đó cho rằng các trò chơi liên quan đến Pokemon là "phi đạo Hồi". Tại Israel, các quân nhân cũng bị nghiêm cấm chơi Pokemon Go trong các doanh trại quân đội do lo ngại về khả năng tiết lộ các thông tin quân sự cũng như vị trí của căn cứ.
Tuy không ở phạm vi quốc gia, nhưng ở Mỹ cũng xuất hiện một số lệnh cấm liên quan tới Pokemon Go. Điển hình như hãng sản xuất máy bay Boeing đã cấm nhân viên của họ chơi game này vì giảm năng suất công việc và gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, một số quốc gia như Nhật Bản đã kêu gọi những người chơi Pokemon Go trong nước không chơi trò này khi đang đi bộ hoặc đạp xe, đồng thời cảnh báo không đi vào những vùng bị cấm.
Đe dọa mất an toàn
Mới chỉ xuất hiện vài ngày ở Việt Nam nhưng game Pokemon Go đã thu hút đông đảo người chơi. Tuy nhiên, cách thức chơi có thể mang đến nhiều rủi ro, gây mất an toàn không chỉ cho người chơi mà cho cả những người xung quanh, thậm chí có thể dẫn đến mất an toàn an ninh mạng.
Theo ông Nguyễn Chí Thành - Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - để chơi Pokemon Go, người dùng phải truy cập vào tài khoản của mình và liên tục kết nối với hệ thống máy chủ, tức là ứng dụng này có tính năng thu thập thông tin, dữ liệu, gây nguy cơ cao bị tấn công vào tài khoản, dẫn đến bị lộ, lọt thông tin cá nhân.
Còn theo Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Tập đoàn Công nghệ Bkav Ngô Tuấn Anh, việc số người chơi Pokemon Go tăng lên quá nhanh có thể dẫn đến nguy cơ hệ thống mạng thông tin phải đối mặt với khả năng bị mã độc tấn công. Dù qua kiểm tra, Bkav không thấy có mã độc trên các phiên bản chính thức game Pokemon Go trên App Store và Google Play.
Tuy nhiên, việc Pokemon Go nhanh chóng trở thành một cơn sốt có thể sẽ khiến các đối tượng xấu đưa ra các ứng dụng nhái Pokemon Go để lừa, dụ người dùng sử dụng nhằm phát tán mã độc.
Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết, với việc đòi hỏi hầu hết các quyền bao gồm: truy cập vào camera, microphone, con quay hồi chuyển, GPS, thiết bị cắm (bao gồm USB)… khi cài đặt, cũng như cách chơi theo dạng tương tác thực tế cho phép camera thu nhận mọi hình ảnh ngoài đời thực, các nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác từ những người chơi.
Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokemon Go trở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm. Hoặc nếu người dùng chơi Pokemon Go tại những địa điểm quan trọng và nhạy cảm không được phép quay phim, chụp ảnh, các thông tin này có thể vô tình bị lộ. Đây chính là lý mà một số nước đã cấm trò chơi này./.