Chuyện cổ tích trong bóng tối

Thầy giáo mù Duy vẫn âm thầm nâng đỡ những mầm non bất hạnh.
Thầy giáo mù Duy vẫn âm thầm nâng đỡ những mầm non bất hạnh.
(PLO) - Lớp học không phấn trắng, bảng đen với những đôi mắt vô hồn, mà chỉ có những ngón tay miệt mài của đám trẻ nghèo khiếm thị lướt trên trang sách khắc chữ Braille và tiếng ê a đọc bài theo hướng dẫn của thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy (SN 1977, ngụ thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam). Để sáng lập được lớp học, cậu thanh niên mù này phải vượt lên số phận, 2 lần tốt nghiệp tiểu học rồi tự mày mò học cách truyền đạt để giúp trẻ em nghèo bất hạnh như anh…

Hai lần tốt nghiệp tiểu học

Câu chuyện về cuộc đời một chàng trai khiếm thị hai lần tốt nghiệp tiểu học đã thôi thúc tôi tìm đến số nhà 79, đường Tiểu La, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam nơi có lớp học mang tên Hướng Dương do thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy sáng lập nên. Câu chuyện cuộc đời anh được kể lại qua chất giọng trầm buồn.

Gần 40 năm có mặt trên cõi đời này thì ngót hơn hai phần ba số thời gian ấy anh sống trong bóng tối mịt mùng, không còn được nhìn thấy thế giới tươi đẹp diễn ra quanh mình. Vốn sinh ra là một cậu bé thông minh, hiếu động nhưng Duy gặp phải nghịch cảnh đau lòng. “Hồi đó cũng như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa, tôi được đến trường học chữ, thời gian còn lại tung tăng cùng bạn bè ra đồng chăn trâu, đá bóng. Thế rồi năm lên lớp 6, trên đường đi học về thấy một vật bằng sắt có hình thù rất lạ nằm bên đường, tôi tò mò nhặt lên rồi gõ vào cục đá…”, giọng Duy nghèn nghẹn kể. 

Chúng tôi cố gắng chia sẻ nỗi đau của thầy Duy bằng việc nhìn thẳng vào đôi mắt anh lại bắt gặp nơi ấy, những giọt nước rỉ ra từ hõm sâu của đôi mắt vô hồn. Mãi đến bây giờ, khi nhắc lại, thầy giáo Duy vẫn không thể quên được giây phút kinh hoàng ấy. Tiếng nổ đã làm cho bà con chòm xóm đang lao động gần đó giật mình chạy ào đến bên anh.

Hai ngày sau tỉnh dậy tại bệnh viện, cố mở mắt nhưng chỉ thấy toàn màu đen bao trùm lấy mình. Duy hốt hoảng gọi mẹ, rồi sau giây phút định thần cùng sự vỗ về của mẹ, anh ý thức được rằng mình mãi mãi không còn nhìn thấy thế giới xung quanh. Gia đình đưa anh chạy chữa khắp từ Nam chí Bắc nhưng vẫn không thể đem lại cho anh đôi mắt sáng rõ như ngày nào. Từ đó, cậu bé Duy phải chấp nhận sống quãng đời còn lại trong bóng tối.

Không thể trở lại trường, nhưng ước mơ được học tập, có kiến thức luôn cháy bỏng trong tiềm thức của Duy. Được gia đình thấu hiểu, sau khi điều trị lành vết thương, Duy khăn gói theo mẹ ra Đà Nẵng xin nhập học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Và ở đây, Duy phải bắt đầu tiếp nhận kiến thức từ lớp 1.

Cần cù, chịu khó cộng với ý thức của người tật nguyền mới có, Duy nhanh chóng làm quen chữ Braille. Ba năm sau, lần thứ hai trong cuộc đời anh dự thi tốt nghiệp tiểu học: “Xưa nay người ta thường tốt nghiệp 2 trường đại học, chỉ riêng mình là tốt nghiệp hai trường… tiểu học” - Duy cười hiền.

Chàng học trò khiếm thị bằng sự thông minh, siêng năng, cần cù đã lần lượt vượt qua các cấp học phổ thông. Tốt nghiệp cấp 3, anh đăng ký thi vào đại học nhưng chẳng trường nào dám nhận. Duy kể, vào thời điểm ấy chưa có tiền lệ nào chấp nhận tuyển người khuyết tật. Anh liền nhờ cha đưa ra tận Hà Nội để gặp lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Rồi anh may mắn được đồng ý cho thi vào ngành sư phạm trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam. “Lúc đó, lãnh đạo Bộ muốn cho tôi được đặc cách thẳng vào trường sư phạm nhưng tôi muốn thi bằng chính sức của mình” - anh Duy cho biết.

Với quyết tâm theo học, năm 2004, Duy đỗ vào khoa Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam (nay là Đại học Quảng Nam). Tốt nghiệp xong hệ cao đẳng, Duy tiếp tục học liên thông lên đại học. Với tài năng văn chương trời phú, ngay từ nhỏ đã biết làm thơ, Duy có nhiều tác phẩm làm rung động người đọc. Không nhìn thấy ánh sáng, anh miêu tả màu sắc của cuộc sống qua mường tượng về âm thanh và năm 2007, anh cho xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “Sắc màu âm thanh”.

Mái ấm hướng về mặt trời

Căn nhà tình thương ở thành phố Tam Kỳ bây giờ luôn toát lên khát vọng vượt qua số phận oan nghiệt, mong muốn biến cuộc sống vốn không mấy tươi đẹp trở nên ý nghĩa…. bởi nơi đây luôn vang vang tiếng trẻ đọc bài. Duy trải lòng: “Sau khi tốt nghiệp, mình quyết tâm thực hiện kế hoạch nung nấu bấy lâu nay đó là một căn nhà cho những trẻ khuyết tật, cho các em cơ hội biết đọc, biết viết, để tự tin hòa nhập cộng đồng”. 

Để làm được điều này, sau khi tốt nghiệp, ngoài việc tự tin khi có thể kiếm ra tiền bằng chính sức lực mình thông qua viết báo, sáng tác thơ, Duy còn kêu gọi người thân, gia đình giúp sức để thực hiện ước nguyện. Lúc này, Duy lặn lội vào Sài Gòn, đến với những mái ấm tình thương để học hỏi cách tổ chức một lớp học và cách để truyền tải kiến thức đã có.

Từ những bước đi dò dẫm trong bóng đen, năm 2009, sau nhiều năm dành dụm, quyên góp từng đồng tiền lẻ, Duy đã dựng mái nhà dành cho những trẻ mồ côi. Nghe đâu có trẻ khuyết tật, bị bỏ rơi là anh tìm đến mang về. “Ban đầu mái nhà tình thương Hướng Dương có 10 em, nhưng đến nay con số đó đã lên đến 22 em, đa phần mấy em đều mồ côi cha mẹ” - Duy cho biết.

“Do điều kiện sinh hoạt và học tập đều được gói gọn trong cùng căn nhà không lấy gì làm rộng nên việc học ở đây được tổ chức theo hình thức lớp ghép, các em đều học chung trong một phòng, chỉ khác chương trình dạy. Khó khăn, chật vật nhưng các em thương yêu, đùm bọc nhau và đặc biệt là em nào cũng ham học nên mình thấy ấm lòng lắm”.

Điều vui nhất của Duy và các em ở đây là 3 năm trở lại đây có một cô giáo sau khi tốt nghiệp đại học vì khâm phục ý chí của Duy nên đã tình nguyện làm trợ giảng cho anh. “Nhìn cảnh thầy vừa dạy vừa nắm vạt áo lau mồ hôi mà thấy thương lắm. Thương thầy, thương cả những em nhỏ nơi đây, mình quyết định về đây phụ thầy dạy các em. Điều đặc biệt, ở nơi này, mình đã tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống”,  cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên trợ giảng của Duy bật mí tâm sự. 

Tuy chưa dám khẳng định, nhưng theo gia đình của thầy giáo Duy thì trước sự quấn quýt của đôi trẻ, họ cũng đang cố gắng vun vén để tương lai, hi vọng nơi đây sẽ có một câu chuyện tình yêu giống như cổ tích giữa cô trợ giảng và anh thầy giáo mù…. 

Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng trẻ trong lớp học nũng nịu: “Thầy ơi, con đã giải được bài toán này rồi”, “Thầy ơi, bao giờ con được lên lớp 2”… Bên sự xô bồ, bon chen của cuộc sống đời thường, nơi góc nhỏ của thành phố Tam Kỳ, tiếng trẻ con vang lên trong ngôi nhà tình thương mang tên Hướng Dương như làm lòng chúng tôi ấm lại. Nói như Duy, hạnh phúc chỉ thực sự trọn vẹn khi mình biết “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”!

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.