Tính hợp pháp của việc đầu tư
Lê Văn Xê, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) trình bày: Cuối năm 2011, ông Nguyễn Văn Hùng (trú 23 Bảo Quốc, TP.Huế) nói có 15 ha đất tại xã Điền Môn (huyện Phong Điền) đang cần đối tác để đầu tư.
Ngày 01/01/2012, vợ chồng ông Hùng, ông Xê đến gặp luật sư Lê Thị Trà My (Đoàn luật sư Thừa Thiên Huế) nhờ làm Hợp đồng “Về hợp tác đầu tư nuôi trồng thủy sản”.
Hợp đồng ghi: Ông Nguyễn Văn Hùng phải bàn giao quyền sử dụng 150.000m2 đất theo GCNQSDĐ số BC – 302572 do UBND huyện Phong Điền cấp ngày 10/01/2011 để ông Lê Văn Xê xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tháng 1/2012, ông Xê triển khai thi công. Sau 5 tháng xây dựng, các hạng mục cơ bản hoàn tất thì hai ông Nguyễn Yên Phong (23 Trần Văn Kỷ, TP.Huế) và em ruột ông Hùng là Nguyễn Văn Dũng (21 Bảo Quốc, TP.Huế) nói có phần của hai ông trong dự án này. Lý do mà hai ông đưa ra là trong GCNQSDĐ mà ông Hùng ký với ông Xê có từ “nhóm hộ”, nghĩa là có phần của hai ông.
Trước sự việc này, ngày 13/5/2012, giữa ông Xê và ba ông, Hùng, Dũng và Phong ký biên bản thỏa thuận. Theo đó, ông Dũng và ông Phong thống nhất để ông Hùng làm việc trực tiếp với ông Xê mà không có bất kỳ khiếu nại nào…
Thế nhưng, hơn một năm sau, ông Dũng và ông Phong có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án hủy hợp đồng nói trên, buộc vợ chồng ông Xê hoàn trả lại diện tích 150.000m2 đất đã đầu tư. Sau khi thụ lý đơn,Tòa án huyện Phong Điền đã đình chỉ giải quyết vụ án.
Theo Tòa, ngày 30/12/2014, UBND huyện Phong Điền có văn bản trả lời: Tên người sử dụng đất trong GCNQSDĐ nói trên ghi người sử dụng là “nhóm hộ ông Nguyễn Văn Hùng” nhưng trong giấy này không có danh sách những người trong nhóm hộ là sai sót.
Do đó, điều chỉnh tên người sử dụng đất từ “nhóm hộ ông Nguyễn Văn Hùng” thành “ông Nguyễn Văn Hùng”. Việc điều chỉnh này được ông Nguyễn Văn Cho, Phó chủ tịch huyện ký.
Có thể thấy, việc làm này của huyện Phong Điền là đúng bản chất sự việc, đúng quy định.
Ngày 03/4/2015, ông Dũng và Phong đã có đơn khiếu nại về việc cấp GCNQSDĐ nói trên. Năm ngày sau, ngày 09/4 huyện Phong Điền tổ chức buổi đối thoại. Thay vì thể hiện quan điểm nhất quán đối với việc điều chỉnh tên trong GCNQSDĐ thì ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện kết luận: Giao Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện lập hồ sơ, thủ tục bổ sung tên 02 ông Nguyễn Yên Phong, Nguyễn Văn Dũng vào Quyết định cho thuê đất và GCNQSDĐ số BC 302572.
Đối với công trình nhà xưởng do các hộ đầu tư xây dựng trái phép phải tháo dỡ toàn bộ trong vòng 90 ngày, nếu không huyện sẽ tiến hành cưỡng chế…
Trước việc làm bất nhất này, ông Xê cho rằng, hành vi của Chủ tịch huyện Phong Điền thụ lý đơn khiếu nại của ông Dũng, ông Phong và kết luận tại biên bản đối thoại là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Ông Phong và ông Dũng sử dụng Biên bản ngày 15/2/2010 về việc thành lập “nhóm hộ” làm chứng cứ để khởi kiện rồi khiếu nại là không có cơ sở vì các thủ tục liên quan không có tên hai ông này.
Chính quyền gây khó doanh nghiệp
Việc UBND huyện Phong Điền chỉ đạo giao đất cho “nhóm hộ” đối với các ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Yên Phong là không thuộc đối tượng giao đất và cấp GCNQSDĐ được quy định tại Điều 5, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Luật quy định rõ chủ thể người sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ không có “nhóm hộ”, nhưng huyện Phong Điền vẫn chỉ đạo bổ sung (?).
Theo đó, Điều 9 Luật khiếu nại quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Ông Dũng và ông Phong đã biết được GCNQSDĐ mang tên “nhóm hộ Nguyễn Văn Hùng” đã hơn 4 năm nhưng không khiếu nại. Ngày 03/4/2015 các ông mới nộp đơn thì thời hiệu khiếu nại đã hết nên không có quyền khiếu nại.
Căn cứ Khoản 2, Khoản 6 và Khoản 9 Điều 11 Luật Khiếu nại thì Chủ tịch UBND huyện Phong Điền không được thụ lý giải quyết. Việc thụ lý trong trường hợp này là trái pháp luật.
Tại Khoản 1, Điều 30 Luật Khiếu nại quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại…”.
Thế nhưng, UBND huyện Phong Điền không mời ông Xê tham gia đối thoại, khi ông đã bỏ hơn 13 tỷ đồng để đầu tư (!)
Theo đó, vụ án này đang được Tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý, chưa được giải quyết bằng một quyết định hoặc bản án có hiệu lực thì Chủ tịch UBND huyện không được quyền thụ lý đơn khiếu nại và giải quyết.
Được biết, ngay sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm của ông Xê về việc ba ông Hùng, Dũng và Phong nhận hàng trăm triệu đồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thừa Thiên Huế đang vào cuộc điều tra làm rõ.
Qua bài viết này, chúng tôi đề nghị UBND huyện Phong Điền xử lý vụ việc khách quan, đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp đầu tư theo tinh thần “trải thảm đỏ”, đừng để các doanh nghiệp khác “quay lưng” khi chính quyền xử lý khiếu nại không tuân thủ quy định.
Luật sư Lê Văn Hiến (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị): Việc Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thụ lý Đơn khiếu nại là không đúng quy định của pháp luật. Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại. Đặc biệt tiến hành buổi đối thoại khi không hội đủ các điều kiện cho phép thì kết luận của buổi đối thoại này rỏ ràng trái pháp luật làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Lê Văn Xê và bà Lê Phương Hồng. Do đó vừa qua ông Xê và bà Hồng đã khiếu nại hành vi hành chính này là có căn cứ.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com