Phó Thủ tướng khẳng định: Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là yêu cầu bức thiết hiện nay, nhất là trong hoạt động tố tụng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện nhanh chóng, hiệu quả Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp (GĐTP) và Luật Giám định tư pháp.
Theo Bộ Tư pháp, năm 2014 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Đề án và Chỉ thị số 1958/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; là năm thứ 2 triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp.
Việc thực hiện Đề án và Luật Giám định tư pháp đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Các tổ chức GĐTP công lập được quan tâm củng cố, kiện toàn một bước quan trọng. Năm 2014, đã có thêm 4 trung tâm pháp y được thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động GĐTP đã được đầu tư, mua sắm, đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai Đề án và Luật GĐTP…
Ban hành các Thông tư hướng dẫn về điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho tổ chức pháp y, pháp y tâm thần, quy định về quy trình giám định pháp y tâm thần, quy định về phụ cấp đối với giám định viên tư pháp, ban hành quy chế phối hợp giữa trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức GĐTP công lập theo qui định của Luật GĐTP, đồng thời đề xuất thành lập tổ chức GĐTP công lập ở các lĩnh vực cần thiết, khuyến khích thành lập Văn phòng GĐTP ở các lĩnh vực theo quy định của Luật GĐTP.