Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những kết quả đạt được trong công tác tư pháp năm 2015 và nhất là so với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII góp phần ngày càng tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ đó, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định, tăng cường, từng bước tạo được niềm tin của cấp ủy, chính quyền các cấp và của Nhân dân. Ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội nghị tập trung bàn biện pháp tháo gỡ nhưng hạn chế, tiếp tục đổi mới để công tác tư pháp đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở Kế hoạch của UBTVQH về triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình lập pháp của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến, nhất là các dự án luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như Luật về hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin,...
Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực.
Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016, trong đó quyết liệt thực hiện tốt những quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo bước chuyển cơ bản về quy trình và chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản QPPL; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành các luật, bộ luật về tố tụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2015.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả một số giải pháp tăng cường triển khai thi hành luật, pháp lệnh đã được xác định tại Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, kiểm tra, đôn đốc, giám sát sát sao việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, tiến tới chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản, đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh.
Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các công cụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần cụ thể hóa một bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Đối với công tác THADS, Phó Chủ tịch chỉ rõ, mặc dù những hạn chế, yếu kém trong công tác này đã được dần được khắc phục, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là công tác này vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải quyết tình trạng án tồn đọng, giải quyết khiếu nại tố cáo. Cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội, triển khai hiệu quả chế định thừa phát lại
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm đồng bộ với Luật căn cước công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử làm nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển về số lượng cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên và các tổ chức hành nghề, bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với yêu cầu và bước phát triển mới của thực tiễn.
Cùng đó, đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực Ngành Tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan Tư pháp; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Pháp lệnh đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; thực hiện có kết quả Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời, tham gia tích cực với Tòa án nhân dân tối cao trong việc tuyển chọn thẩm phán.
Cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội cũng như của cá nhân Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đối với ngành tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thẳng thắn: những tồn tại trong công tác mà Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra, ngành tư pháp nhận thức rất rõ. “Chúng tôi hứa sẽ cố gắng cao nhất để khắc phục trong năm 2016”. Bộ trưởng nói.