Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành đã tham dự hội nghị. Phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Lê Thành Long, Phan Chí Hiếu, Nguyễn Khánh Ngọc. Lãnh đạo UBND các tỉnh chủ chì các điểm cầu.
Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015 định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trình bày cho biết: Năm 2015 và trong cả nhiệm kỳ 2011-2015, trong điều kiện chung của đất nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự điều hành sát sao, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, với những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Tư pháp đã tiến hành triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác, bám sát 09 định hướng công tác tư pháp đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Có thể nói rằng, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước đã tiếp tục được khẳng định rõ nét hơn; vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương được củng cố và tăng cường.
Những kết quả nêu trên, trước hết là ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự ủng hộ của Nhân dân; sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, trong năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2011-2015, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số định hướng của nhiệm kỳ 2011-2015 chưa đạt được kết quả như mong muốn; Chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, một số VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu ổn định; hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thấp, pháp luật chậm đi vào cuộc sống; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà; tình trạng vi phạm trong công tác THADS còn nhiều; việc triển khai một số nhiệm vụ mới của Ngành (quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật) còn lúng túng, nhất là ở các địa phương; công tác hành chính tư pháp còn chậm được đổi mới; công tác nghiên cứu khoa học pháp lý chưa thực sự đi vào chiều sâu; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành chưa đạt kết quả như mong muốn.
Năm 2016, Bộ Tư pháp xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, bảo đảm thể chế hoá đầy đủ nội dung, tinh thần của Nghị quyết. Thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016; đổi mới phương thức và tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật hộ tịch, Luật căn cước công dân; Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; Tập trung triển khai hiệu quả hơn nữa Luật xử lý vi phạm hành chính; Đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết công tác hộ tịch trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp. Ông Quang kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện thể chế về hộ tịch, cho phép tỉnh triển khai phần mềm hộ tịch để phục vụ người dân tốt hơn. Phó chủ tịch cũng mong muốn Bộ tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cơ sở và sớm ban hành quyết định thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch.
Nói về những khó khăn trong công tác tư pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết có nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời bằng các văn bản pháp luật. Công tác phổ biến pháp luật có nhiều Đề án nhưng lại có sự trùng lắp, gây lãng phí; cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính chưa được vận hành; số việc thi hành án ngày càng nhiều nhưng đối tượng phải thi hành chây ỳ, kéo dài...
Ông Được kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ khi xây dựng các luật cần có các văn bản hướng dẫn kịp thời; có hướng dẫn thống nhất về công tác pháp chế; sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sớm thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển công chứng trên địa bàn Long An để địa phương có cơ sở thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình đánh giá: tư pháp Hải Phòng đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong đó, công tác hộ tịch đã có nhiều chuyển biến song ông Bình kiến nghị, do việc phân cấp thẩm quyền trong Luật Hộ tịch là mới nên Bộ cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ; kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch...