Tham dự hội nghị này còn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Tổng cục THADS, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Đại học Luật Hà Nội, Sở Tư pháp, Chi cục THADS tỉnh Quảng Bình và đối tượng “chủ thể” của hội nghị là 5 cơ sở đào tạo gồm: Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc và Trường Trung cấp Luật Đồng Hới.
Bên cạnh việc đánh giá khái quát về quá trình thành lập, xây dựng và hoạt động trong thời gian qua của các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp, hội nghị đã dành phần lớn thời gian cho các trường và các đơn vị trực thuộc bộ có liên quan tiến hành tham luận, đóng góp ý kiến nhằm rút ra những định hướng tháo gỡ khó khăn đang gặp phải trong công tác tuyển sinh – đào tạo Trung cấp Luật của các trường.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đến dự và điều hành hội nghị |
Những ý kiến tham luận trình bày được đưa ra tại hội nghị được các đại biểu đến từ các đơn vị tham gia thảo luận, bàn bạc sôi nổi, mang tính đóng góp xây dựng cao với mong muốn có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đào tạo Trung cấp Luật.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào các vấn đề cần thiết và quan trọng hiện nay như: Các giải pháp mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng (đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo…); Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; Cơ chế phối hợp trong việc đưa giáo viên và học sịnh đi thực tế, thực tập; Cơ chế phối hợp giữa UBND các tỉnh, các bộ, ngành với Bộ Tư pháp trong đào tạo trình độ Trung cấp Luật; Chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong việc bố trí việc làm cho các học sinh tốt nghiệp…
Bên cạnh đó, hội nghị cũng chú trọng thảo luận đến các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hoạt động đào tạo Trung cấp Luật như: Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và tuyển dụng học sinh tốt nghiệp Trung cấp Luật về làm tại vị trí Thư ký trung cấp thi hành án; Phát huy các nguồn lực trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; Bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên cho các trường Trung cấp Luật và cấp vốn để thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ bản; Cơ chế chính sách tác động đến hoạt động đào tạo Trung cấp Luật…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ: “Tôi thay mặt Bộ Tư pháp ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các trường Trung cấp Luật trong hoạt động tuyển sinh – đào tạo dù trong điều kiện khởi điểm khó khăn.
Điều đó thể hiện rõ ràng ở sự đa dạng, đầy đủ trong mô hình tuyển sinh - đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tư pháp, sự hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như phát huy mọi nguồn lực để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực hoạt động giảng dạy… Sự tâm huyết của các thầy cô cũng thể hiện rõ trong những tham luận được trình bày tại hội nghị này”.
Bộ trưởng bày tỏ quan điểm ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các trường Trung cấp Luật trong hoạt động tuyển sinh – đào tạo |
“Việc ra đời của 5 trường Trung cấp Luật ở các vùng miền trong cả nước thực sự là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với đường lối chính sách cải cách Tư pháp và công tác thực thi pháp luật của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời kỳ mới. Hoạt động đào tạo chất lượng đã được khẳng định của các trường sẽ làm thay đổi lớn đến chất lượng nhân sự trong đội ngũ cán bộ thuộc khoảng 12.000 xã, phường, thị trấn của đất nước trong thời gian tới.
Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các trường hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao chất lượng dạy và học hơn nữa. Trong thời gian tới, tôi xin lưu ý rằng, các trường cần phải duy trì được cả về chất lẫn lượng của hoạt động tuyển sinh và giảng dạy giữa bối cảnh có tính cạnh tranh cao trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật…” – Bộ trưởng khẳng định.