Đối với dưa cà, dưa muối trong quá trình chế biến đựng trong những dụng cụ không đảm bảo vệ sinh thực phẩm chính là tác nhân gây hại lớn, có nguy cơ cao gây ngộ độc. Nếu muối cà bằng các vại sành, sứ làm từ nguồn đất nung bị nhiễm kim loại nặng thì dưa cà, muối có thể bị nhiễm kim loại: chì, thủy ngân,... khi ăn vào rất dễ gây ngộ độc.
Những loại rau, củ dùng làm dưa muối thường chứa nhiều vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn lên men lactic, kí sinh trùng và những vi khuẩn gây bệnh. Dưa muối xổi, thời gian muối quá ngắn, môi trường axit không đủ để kìm hãm sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại dẫn đến các bệnh tiêu hóa thường gặp.
Chị Khánh An (32 tuổi ở Trần Tử Bình, Hà Nội) là một khách hàng quen của cửa hàng bà Minh cùng dãy phố. Một tuần vài lần, sau khi đi làm về chị lại tạt qua góc quán nhỏ của nhà bà Minh mua 5.000 đồng dưa muối về ăn. “Thế nhưng mẻ nào dưa chua thì ăn ngon mà lại không thấy bị sao cứ hôm nào bà hết hàng nhanh, phải ăn dưa muối xổi là về lại đau bụng cả nhà” chị Khánh An thẳng thắn chia sẻ.
Vì sao dưa muối lại gây ung thư?
Không chỉ là dễ gây ngộc độc, các loại dưa muối còn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cho người dùng. Là món ăn được nhiều người yêu thích, giá lại rẻ, cách làm đơn giản nên đây trở thành mặt hàng kinh doanh của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, khi làm với số lượng lớn, dụng cụ đựng, quá trình chế biến đều rất khó đảm bảo vệ sinh.
Hiện nay, để cho tiện dụng nhiều hộ kinh doanh thường đựng dưa vào các xô chậu lớn để muối dưa hoặc bày bán. Để dưa nhanh chín, các hộ kinh doanh thường sử dụng lại nước dưa cũ để dưa nhanh chua, nhanh bán được, đây thực sự là mối hiểm họa lớn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tại hộ kinh doanh dưa muối ở khu chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) người bán hàng đựng dưa muối vào các chậu nhựa, không che đậy bằng bất cứ dụng cụ nào, mặc kệ ruồi muỗi, bụi bặm. Thậm chí người bán hàng này còn vô tư quảng cáo “dưa ở đây ngon, đảm bảo nhất chợ”.
Chị Vũ Quỳnh Thư (Khu TT Thành Công) cho hay, những chậu dưa hành, cà muối được chủ hàng để lưu cữu ngày này qua ngày khác, thậm chí đóng váng, thâm đen rất mất vệ sinh. “ Chả hiểu sao vẫn có người mua được, nhìn đã phát ớn”, chị Thư nói.
Theo PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh chuyên gia công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách khoa Hà Nội, xét theo tính chất của dưa muối nếu quá trình làm đảm bảo vệ sinh và ăn đúng lúc (khi dưa chín) thì không có tính độc hại. Tuy nhiên, với cách chế biến không đảm bảo, dụng cụ đựng mất vệ sinh hay ăn dưa muối xổi là nguyên nhân gây ra ngộc độc thậm chí dẫn đến ung thư. Ông Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định thêm “Phải cấm tuyệt đối việc sử dụng các loại thùng nhựa đựng sơn, đựng nước, đựng hóa chất trong bảo quản thực phẩm”.
Ông Thịnh khuyến cáo nên đựng dưa muối trong các bình gốm, sứ không có hoa văn hoặc các bình nhựa trắng. Tuyệt đối không được ăn dưa xổi, đặc biệt không được ăn cùng mắm tôm, đây là điều kiện để các vi khuẩn, kí sinh trùng phát triển gây nguy cơ ung thư dạ dày.