UBND huyện Lương Sơn đã trình UBND tỉnh Hòa Bình đề án quy hoạch, phát triển nâng tầm đô thị trở thành thị xã trong giai đoạn tới. Ông có thể cho biết Lương Sơn đã chuẩn bị những gì cho mục tiêu này?
- Thời gian qua, UBND huyện đã lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Lương Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, phạm vi quy hoạch được mở rộng bao gồm Thị trấn (TT) Lương Sơn và 5 xã Lâm Sơn, Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Tân Vinh, Cư Yên; tổng diện tích quy hoạch 11.668,77ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2025 là 50.000 người. Quá trình lập quy hoạch, UBND huyện đã lấy ý kiến các chuyên gia, tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư.
Để làm cơ sở cho việc đề nghị phân loại và nâng cấp đô thị, UBND huyện đã trình UBND tỉnh chủ trương lập Chương trình phát triển đô thị, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị, mục tiêu phát triển đô thị Lương Sơn trở thành đô thị loại IV, tạo tiền đề thành lập TX Lương Sơn vào năm 2025.
Để phát triển đô thị với đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo tôi rất cần chính sách riêng cho đô thị, nhất là cơ chế mời gọi đầu tư hạ tầng. Bởi thời gian qua, nhiều địa phương mời gọi nhà đầu tư bằng cách “lấy đất đổi hạ tầng”, nhưng quỹ đất của các đô thị ngày càng thu hẹp. Nhất là tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, nếu đầu tư không theo kịp tốc độ phát triển sẽ phát sinh nhiều bất cập khó giải quyết. Do vậy, huyện Lương Sơn đề nghị các cơ quan Trung ương và UBND tỉnh hỗ trợ huyện mời gọi đầu tư hạ tầng đô thị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương và của vùng phát triển.
Trong những năm qua, huyện Lương Sơn đã có những thành công bước đầu trong phát triển đô thị bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân như D.ự án Trung tâm thương mại và nhà ở thị trấn Lương Sơn do Cty CP Đông Dương đầu tư với quy mô 5ha, dự án Khu dân cư thương mại và Chợ trung tâm quy mô 10 ha do Cty TNHH Queensland đầu tư; Sân goll Phượng Hoàng; các dự án đã tạo nên không gian, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng giao thông, chiếu sáng đô thị, các công trình công cộng hiện đại như: công viên, siêu thị, chợ trung tâm…. ; tạo lập quỹ đất, môi trường sống hiện đại cho dân cư trong đô thị, dịch vụ giải trí.
Ông đánh giá thế nào về những thế mạnh cũng như tồn tại mà huyện Lương Sơn đang có và đang gặp phải trong quá trình phát triển lên đô thị loại IV?
- Huyện Lương Sơn có lợi thế tiếp giáp với TP Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, phía Tây đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là cửa ngõ vùng Tây Bắc; các tuyến giao thông huyết mạch của vùng (QL6, Đường Hồ Chí Minh); các tuyến hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia là đường Hồ Chí Minh và đường vành đai 5 Hà Nội đi qua 12 xã huyện Lương Sơn đã được quy hoạch chi tiết và cắm mốc; kết hợp với điều kiện tự nhiên về đất đai, tài nguyên khoáng sản phong phú; khí hậu, địa chất, thủy văn trên địa bàn tương đối ổn định; về dân cư phân bố đồng đều có phần tập trung ở các khu vực phát triển đô thị, văn hóa mang đậm bản sắc; kinh tế đang phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ; nông nghiệp đang hình thành vùng sản xuất rau hữu cơ; an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Bên cạnh đó, Lương Sơn cũng có những tồn tại, thách thức phải khắc phục, đó là: Phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như đá vôi, đất sét, điều này có tác động mạnh đến môi trường; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Sản xuất nông nghiệp chưa tập trung theo quy mô lớn; do vậy kinh tế - xã hội của huyện mới chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà chưa có những đột phá mạnh.
Các dịch vụ cơ bản về giáo dục và y tế hiện còn bất cập, các loại tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị phá hoại, ô nhiễm. Hệ thống chính sách và công cụ pháp luật chưa đồng bộ để có thể kết hợp một cách hiệu quả giữa 3 mặt của sự phát triển: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong các chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, 3 mặt quan trọng trên đây của sự phát triển cũng chưa thực sự được kết hợp và lồng ghép chặt chẽ với nhau.
- Trong quá trình kiến tạo cơ sở vật chất để phát triển đô thị, huyện Lương Sơn nhận thức rõ vấn đề: phát triển đô thị cùng với quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp sang đất đô thị có tác động mạnh đến môi trường, đời sống, văn hóa dân cư, lao động, việc làm; làm gia tăng tệ nạn xã hội, tỷ lệ thất nghiệp…do đó cần có những định hướng trong công tác quản lý và tổ chức bộ máy cho phù hợp trong bối cảnh chính quyền địa phương còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý phát triển đô thị.
Ông nhận định thế nào về đánh giá Lương Sơn còn chưa khai thác hết tiềm năng cũng như thu hút các nhà đầu tư đầu tư trên địa bàn?
- Việc đánh giá Lương Sơn chưa khai thác hết tiềm năng cũng như thu hút các nhà đầu tư cơ bản đúng một phần, cụ thể.
Tính đến tháng 2/2017 huyện đã thu hút được 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng mức 280.530 USD, bằng 53% tổng dự án FDI đầu tư toàn tỉnh; Đồng thời đã có 478 các loại hình doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động với số vốn đầu tư là 9.180 tỷ đồng, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp thành lập trong toàn tỉnh. Vì vậy, Lương Sơn là địa phương có tốc độ thu hút đầu tư đứng đầu tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên việc đánh giá Lương Sơn chưa khai thác hết tiềm năng cũng như thu hút các nhà đầu tư, xuất phát vì việc dù có nhiều lợi thế, song cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện còn hạn chế; Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện chưa có nguồn kinh phí để chi phí giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi và thu hút đầu tư; Nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư song không triển khai nhưng tỉnh chưa có biện pháp thu hồi dẫn đến khó khăn cho việc cấp lại cho các dự án.
Hiện Lương Sơn có tới 3 khu công nghiệp được quy hoạch nhưng 2 trong số này chưa thu hút nhiều các doanh nghiệp đầu tư?
- Hiện Lương Sơn có 3 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Lương Sơn (83,08ha) tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I là 90%; khu công nghiệp Nam Lương Sơn (200ha) đã có nhà máy xi măng Trung Sơn (54,7ha, nhà máy xi măng Vĩnh Sơn (34ha) và trường đào tạo nghề (7ha) đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 48%; khu công nghiệp Nhuận Trạch (213ha) trước đây do Cty CP cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) làm chủ đầu tư, nhưng từ năm 2011 đến nay chủ đầu tư không thực hiện.
Về thu hút đầu tư, hiện có khu công nghiệp Nhuận Trạch và Nam Lương Sơn chưa có nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, do vậy tới đây UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh một số nội dung để thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Cụ thể, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các mục tiêu, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 26/5/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020.
Đề nghị UBND tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh quan tâm kêu gọi nhà đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Nam Lương Sơn và khu công nghiệp Nhuận Trạch đã được quy hoạch chi tiết; nghiên cứu hỗ trợ cho các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thêm phần vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện.
Đồng thời, huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, theo Chỉ thị số 08/CTUBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hòa Bình.
Trước thực trạng khai thác khoáng sản và tài nguyên khác gây ảnh hưởng tới khu dân cư, ô nhiễm môi trường, UBND huyện Lương Sơn đã giải quyết các vấn đề này đến đâu?
- Vấn đề này, theo tôi nguyên nhân do ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về công tác bảo vệ môi trường chưa cao và trong công tác kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đều được thông báo trước dẫn đến việc khi có đoàn kiểm tra các doanh nghiệp thường xử lý môi trường đúng và đủ theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; Khi không có đoàn kiểm tra doanh nghiệp lại không thực hiện.
Trước tình hình trên UBND huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng chân trên địa bàn. Từ đó tình hình các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường có phần giảm. Cụ thể, từ tháng 6/2016 kiểm tra đột xuất đã phát hiện 07 trại và 01 doanh nghiệp khai thác đá không xử lý môi trường, UBND huyện đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các cơ sở xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Năm 2017, UBND huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất và khẳng định đến hết năm 2017 tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cơ bản được xử lý triệt để.
Xin cảm ơn ông!