Lập lại trật tự đô thị: Không xử lý kiểu 'bắt cóc bỏ đĩa'

Dẹp các vật cản để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. 
Ảnh: Tháo dỡ các thang dắt xe trên vỉa hè ở quận 3. TP HCM).
Dẹp các vật cản để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Ảnh: Tháo dỡ các thang dắt xe trên vỉa hè ở quận 3. TP HCM).
(PLO) - Ở các TP lớn, vỉa hè không chỉ là không gian đi bộ, mà nó còn là nơi sinh hoạt, buôn bán nhỏ như trà đá, cà phê, đồ ăn vặt,… Nhiều gia đình nhờ vỉa hè để kiếm sống nên giải tỏa rồi lại lấn chiếm là chuyện muôn thủa của khuôn mặt đô thị.

Tuần qua, ở hai TP Hà Nội và TP HCM, những cuộc cưỡng chế các hoạt động vi phạm để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ đã mở đầu cho “cuộc chiến giành lại vỉa hè”, lập lại trật tự đô thị vốn từ lâu bị phớt lờ.

Việc lập lại trật tự, sự thông thoáng trên vỉa hè đường phố là điều nhận được sự đồng tình của đại đa số người dân đô thị, khi mà trên các tuyến phố một số người dân, hộ dân bấy lâu nay vẫn coi vỉa hè là lãnh địa riêng của mình, dùng làm nơi buôn bán kinh doanh, trông giữ xe... thì nay đã đồng loạt tự ý thu dọn để trả lại phần vỉa hè thông thoáng. Tất nhiên, vẫn có không ít người dân, hộ dân còn vì lợi ích bản thân mà chống đối cơ quan chức năng, nhưng trước sự cứng rắn của luật pháp và vì cộng đồng nên các thành phần, đối tượng kiểu chống đối như vậy cũng phải chấp hành...

Vì vậy, khi quận 1 TP HCM đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, cũng như sự thông thoáng, mỹ quan của đô thị và đạt được những kết quả nhất định thì các quận khác của TP HCM, Hà Nội, cũng như một số địa phương khác trên cả nước cũng liên tiếp bắt tay vào... “cuộc chiến giành lại vỉa hè”. Nhờ đó, hơn tuần nay, trên các tuyến phố thuộc địa bàn quận 1 TP HCM vỉa hè đều đã thông thoáng, khách bộ hành có thể thoải mái thả bước trên phần đường của mình mà không sợ vướng “chợ”, vướng bàn ghế, hàng hóa, xe gắn máy... mà người ta bày biện ra chiếm ngợp hết như trước. Hầu như rất ít đoạn vỉa hè người đi bộ phải bước xuống lòng đường để di chuyển...  

Không riêng gì quận 1, các địa bàn quận 3, quận 5, thậm chí các quận xa trung tâm TP như Thủ Đức, Quận 9... việc ra quân giành lại vỉa hè cũng thu được những kết quả hết sức khả quan, mà ai cũng có thể nhìn thấy ngay tức thì, đó là phần vỉa hè ở những địa bàn trên đều rất thông thoáng, khi nhiều người dân không cần phải đợi nhà chức trách nhắc nhở, cưỡng chế cũng đã tự ý chấp hành không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Sáng 1/3, chủ trì Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2017 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần quyết liệt ‘trả lại vỉa hè cho người đi bộ’ đang được tiến hành với cuộc mở màn ở quận 1 TP HCM từ đầu tuần 

Đồng thời, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có Điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. 

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị, Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải tập trung rà soát, kiểm tra xung quanh vỉa hè, lòng đường, phía trước trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi làm việc; các dự án, công trình đang xây dựng của cơ quan, đơn vị để chủ động có biện pháp giải quyết ngay những phần xây dựng, đặt vật dụng gây ảnh hưởng đến sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông...

Theo yêu cầu của Bộ trưởng, Công an các đơn vị, địa phương cũng cần tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị...; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật, chấp hành Điều lệnh Công an nhân dân của cán bộ, chiến sỹ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc bao che cho các hành vi vi phạm.

Ở Hà Nội, quận Hoàn Kiếm cũng đã ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè, mà theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định đây là việc làm thường xuyên nhằm đôn đốc chính quyền cơ sở vào cuộc thường xuyên trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự và văn minh đô thị. 

Phải công nhận một điều rằng, việc các địa phương ra quân lập lại trật tự vỉa hè lòng đường không chỉ mang lại sự thuận lợi cho khách bộ hành, hạn chế những va chạm luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông, khi khách bộ hành bất đắc dĩ phải rời vỉa hè bước xuống lòng đường để đi lại(vì vỉa hè đã bị lấn chiếm, nên không còn cách nào khác), mà khi vỉa hè thông thoáng cũng phần nào đó mang lại cho mỹ quan đô thị thêm đẹp hơn, thoáng đãng hơn, khi không còn cảnh lộn xộn, “bẩn mắt” bởi hàng hóa, bàn ghế, xe máy... bày biện, kê, dựng lung tung khắp mọi chỗ. Rồi thì nhiều chỗ người ta còn giăng dây lợp lều lán trên vỉa hè trông quá ư là lụp xụp, nhếch nhác phản cảm...

Thế nhưng, sau một quá trình gian nan vất vả ra quân giành giật lại vỉa hè, và khi vỉa hè đã thông thoáng rồi thì việc duy trì được sự thông thoáng sao cho trở thành... nếp dài lâu thì không hề dễ dàng. Nếu như cơ quan chức năng ở các địa phương vẫn giữ kiểu làm theo... phong trào, nghĩa là sau một đợt ra quân rầm rộ, rồi lại bỏ bẵng vào quên lãng, để rồi tới khi có một đợt ra quân mới thì lại bắt tay vào thì vỉa hè sẽ lại nhếch nhác vì bị lấn chiếm như cũ! 

Thực tế, dẹp rồi tái lấn chiếm vỉa hè vốn là một cái vòng luẩn quẩn tồn tại từ nhiều năm nay và chính quyền các quận, phường không có lời giải hữu hiệu. Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, còn quản lý hoạt động ở vỉa hè lại do  quận, phường quản lý và cấp phép sử dụng. Các đơn vị này vừa có trách nhiệm giữ gìn trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng. Từ đó, đã nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ, muốn người dân đóng thuế trên vỉa hè thì phải để họ kinh doanh, mà kinh doanh sẽ không tránh khỏi lấn chiếm vỉa hè.

Thêm vào đó, khi một phần lòng đường vỉa hè bị biến thành hàng quán và bãi đỗ xe thì lại mâu thuẫn với việc tổ chức giao thông. Một bên hô hào thu thuế, một bên hô hào trật tự chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chưa kể đến chuyện một số phường coi việc đứng ra tổ chức kinh doanh, hoạt động dịch vụ là một nguồn thu của phường. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng sai phạm trong cấp phép và lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng. Ấy là chưa kể mỗi quận, mỗi phường lại có cách quản lý khác nhau thiếu đồng nhất. Có phường cho ô tô đỗ trên vỉa hè, phường khác thì cho sắp xếp làm bãi đỗ xe máy, trong khi có phường lại cấm triệt để. Chính sự bất cập trong quản lý, thiếu thống nhất trong quy định đã dẫn đến việc manh mún trong quản lý vỉa hè và là nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn tại các tuyến đường của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, vấn đề vệ sinh môi trường, vỉa hè là việc phải làm thường xuyên, liên tục.  Đừng nghĩ chỉ làm một hai ngày là xong, đừng làm phong trào, phải làm thường xuyên, gắn với văn hoá người dân, nếu chưa làm được là chưa thành công. “Đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào, rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè…” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Chính vì vậy mà, để vỉa hè, lòng đường mãi mãi thông thoáng thì các địa bàn phải luôn cắt một đội ngũ nhân lực để trấn áp người dân không được lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Việc này nên làm thường xuyên chứ không thể làm theo phong trào, bởi như đã nói, nếu vậy kết quả sẽ chỉ như kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, hay “ném đá ao bèo “. Ngoài biện pháp mạnh tay khi xử phạt những cá nhân, tập thể chống đối, cố tình vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì cũng cần phải tuyên truyền giáo dục một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, để người dân hiểu, thấm nhuần và thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả khi không có sự nhắc nhở, trấn áp của cơ quan chức năng... Vì trong đô thị hàng triệu dân, không có lực lượng chức năng nào đủ khả năng để giữ vỉa hè, trật tự đô thị. Nếu người dân nhận thức rõ hành vi vứt rác, lấn chiếm vỉa hè, hoạt động kinh doanh làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị… là không tốt, tự giác thực hiện các quy định thì lúc đó trật tự đô thị sẽ vào nền nếp.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long bày tỏ: “Để thực hiện có hiệu quả chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, nơi mà thói quen “bám” vỉa hè đã ăn vào máu của những người dân nơi phố cổ, UBND quận đã xác định lấy tuyên truyền làm biện pháp chủ yếu để thay đổi thói quen của người dân. Bởi, để thay đổi một thói quen xấu đã tồn tại từ nhiều năm nay thì không thể chỉ nhăm nhăm xử phạt là được.

Bên cạnh đó, sau khi tiến hành xử lý vi phạm trên các tuyến phố chính, những tuyến phố hướng tâm, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch này ở các tuyến đường xương cá để cải thiện bộ mặt đô thị quận, tránh tình trạng dẹp chỗ này phình chỗ khác. Tiếp đó, sau khi lập lại trật tự đô thị trên một tuyến đường nào đó, đoàn liên ngành sẽ bàn giao lại cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Và phường nào để xảy ra tình trạng tái vi phạm, tùy theo mức độ, UBND quận sẽ có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu của phường đó.”

Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn, ông cho biết: “để có thể duy trì và đảm bảo được trật tự văn minh đô thị trên địa bàn, quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch về việc tổ chức đợt cao điểm về tuyên tuyền, xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Mục đích, giải quyết dứt điểm và không để phát sinh các vi phạm về trật tự đô thị. Cụ thể, sẽ tuyên truyền pháp luật về các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và chế tài xử phạt kèm theo. Tháo dỡ mái che, mái vẩy cũ hỏng gây mất mỹ quan đô thị… Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh và để xe sai quy định”. 

 Còn Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm cho rằng cần quy rõ trách nhiệm lãnh đạo địa phương. Ông Cầm nhấn mạnh: Một trong những biện pháp quan trọng được đề ra là quy rõ trách nhiệm đối với Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an các phường trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Quận ủy, HĐND, UBND quận và trước nhân dân. Kết quả giữ gìn trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá công tác cán bộ, xét tặng danh hiệu thi đua của từng địa phương. 

Tin cùng chuyên mục

Dự án đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện theo tiến độ đề ra.

Thái Nguyên dồn lực cho dự án đường Vành đai V

(PLVN) - Với quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thi công “3 ca 4 kíp” xuyên ngày, xuyên đêm, cùng tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang dồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang)

Đọc thêm

Metro Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM): Giá vé thấp nhất 6.000 đồng/lượt

Đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên di chuyển qua đoạn trên cao dài 17,1km. (Ảnh: Mộc Đức)
(PLVN) - Khách đi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến trả 6.000 - 20.000 đồng mỗi lượt, tùy hình thức thanh toán, quãng đường, thay đổi so với phương án trước. Thông tin nêu trong tờ trình giá vé sử dụng metro vừa được Sở GTVT gửi UBND TP HCM xem xét. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên ở TP, dự kiến khai thác thương mại từ cuối năm nay, giai đoạn đầu ước tính mỗi ngày phục vụ gần 40.000 khách.

Hội thảo bàn giải pháp an toàn giao thông với xe máy

TS. Khuất Việt Hùng cho rằng tỷ lệ TNGT liên quan xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ TNGT đường bộ. (Ảnh: Văn Sơn)
(PLVN) - Hôm qua (4/11), tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (CL&PTGTVT, Bộ GTVT) phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số cơ quan tổ chức hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm".

Kỳ vọng taxi bay

Ảnh minh họa
(PLVN) -  UBND một tỉnh tại miền Trung vừa có một đề xuất gây chú ý dư luận, khi có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh này xây dựng đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn.

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
(PLVN) - Sau nhiều năm giữ nguyên giá, UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 01/11/2024. Với những tuyến có cự ly từ 40km trở lên, giá vé sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Nâng cao văn hóa giao thông bằng chế tài và giám sát

Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)
(PLVN) - Thực trạng tài xế chạy ẩu, phạm luật là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Hệ lụy đằng sau nó là những vụ tai nạn nghiêm trọng, là sự tang thương, mất mát cho biết bao gia đình. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm bằng chế tài.