Trong biện minh cho phán quyết này, tòa án ở Evry đã thuận theo lập luận của Công ty Mosanto và các nhà sản xuất kia rằng họ sản xuất ra loại chất độc hóa học huỷ diệt này theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, theo luật pháp Mỹ và phục vụ cho việc phòng thủ của nước Mỹ. Tòa án này còn cho rằng Tòa án ở Pháp không có quyền xét xử hành vi của chính phủ quốc gia khác trên thế giới.
Tòa án ở Evry chỉ là một trong nhiều tòa án ở nước Pháp và cũng không phải cấp xét xử cao nhất ở đất nước này. Dù vậy, nó vẫn là một phần của nền tư pháp của nước Pháp và vẫn là một đại diện cho thể diện và uy danh của nước Pháp trên thế giới.
Vậy mà trong vụ việc nói trên, tòa án này lại đưa ra một phán quyết khó có thể chấp nhận được. Bà Trần Tố Nga và những tổ chức cũng như cá nhân trên thế giới đấu tranh lâu nay vì công lý cho các nạn nhân của chất độc mầu da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam đã không chấp nhận phán quyết này và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh.
Bà Trần Tố Nga là công dân Pháp gốc Việt Nam và là một trong những nạn nhân của chất độc mầu da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam. Lẽ ra phải bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của bà Trần Tố Nga trên cương vị là công dân Pháp thì tòa án ở Evry của nước Pháp lại ủng hộ lập luận của các hãng làm ra sản phẩm gây tội ác ở Việt Nam.
Lẽ ra phải tìm kiếm và xác định sự thật là quân đội Mỹ đã gây tội ác tày trời ở Việt Nam khi sử dụng chất độc hóa học này ở Việt Nam, chống lại nhân dân Việt Nam và làm huỷ hoại môi trường sinh thái ở Việt Nam thì tòa án này lại cho rằng các hãng sản xuất không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi sản phẩm của họ được quân đội Mỹ sử dụng để huỷ hoại cuộc sống của người dân và môi trường sinh thái ở Việt Nam.
Lẽ ra phải thấy Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong nửa sau của thế kỷ 20 thì tòa án này thông qua việc chấp thuận biện luận của các hãng chế tạo chất độc da cam đã nhìn nhận cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống Việt Nam là hành động “phòng thủ” của phía Mỹ.
Tòa án này đã phủ nhận sự thật lịch sử và đã tạo ra tình trạng mờ mịt về pháp lý để giúp che đậy những hành vi tội lỗi của quân đội Mỹ và trách nhiệm của các hãng chế tạo ra chất độc da cam. Tòa án này thậm chí còn phớt lờ một thực tế là nhiều cựu chiến binh người Mỹ, Australia và Hàn Quốc khi xưa đã từng theo quân đội Mỹ tham gia gây chiến tranh ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam như bà Trần Tố Nga và hàng ngàn người Việt khác sau khi khởi kiện như bà Trần Tố Nga đều đã được bồi thường.
Đưa ra phán xử vô trách nhiệm với lập luận lố bịch như thế, tòa án này còn làm tổn hại tới chính uy danh của nền tư pháp ở nước Pháp.