Xiếc chuột
Mặc dù ở trong trại, phạm nhân cũng được học tập, làm việc, lao động nhưng dù gì vẫn có những khoảng thời gian nghỉ ngơi, rảnh tay rảnh chân. Với nhiều phạm nhân, thì đó lại là khoảng thời gian đáng sợ nhất.
Khi đó, để xua đi nỗi buồn và ám ảnh quãng ngày dài phía trước, phạm nhân phải “giết thời gian” bằng cách tự tạo niềm vui cho riêng mình, từ đồ chơi, dụng cụ đến các trò chơi. Và chính ở nơi “đặc biệt”, từ ý tưởng đến các vật dụng, trò chơi “giải sầu” cũng vô cùng quái dị, kỳ cục đến khó tưởng tượng được.
Trong bữa cơm tập thể tại trung tâm chỉ huy Trại giam Cái Tàu (Cà Mau), khi trò chuyện về chuyến thăm phân trại K3 (nằm lọt thỏm giữa vùng đệm của rừng U Minh Hạ) chiều hôm trước, Trung tá Tạ Đức Hoan (đội trưởng tham mưu) kể:
Mùa mưa giữa vùng phèn chua trũng thấp xứ U Minh lắm khắc nghiệt, khi ấy, lũ chuột đồng vừa đói vừa lạnh, mình mẩy ướt nhẹp, thân run lập cập đến tội nghiệp. Cơn đói làm lũ chuột dạn người, gặp phải những cái đầu đang lúc rảnh rỗi nên mới nảy ra trò “chơi chuột, xiếc chuột”.
“Mỗi lần chuột đói bụng bò ra khỏi hang đến khu giam, các phạm rải từng hạt cơm cho ăn, dần dần thành quen. Đến khi chuột quen người, phạm sẽ buộc thức ăn vào sợi dây như câu cá, dụ dỗ chuột đi theo, tập cho chuột đi hai chân, nhún nhảy có nhịp có điệu. Chỉ với một con chuột, các phạm nhân cả đầu bạc lẫn đầu xanh tụm đầu lại chơi, cười vui…”, anh Hoan tâm sự.
Có phạm nhân đi làm bắt gặp ổ chuột, bắt về nuôi từ lúc đỏ hỏn, xem như thú cưng, cho ăn cùng ngủ cùng, lót ổ cho ở, ra ngoài lúc nào cũng bỏ trong túi áo mang theo bên mình. Chuột được nuôi dưỡng từ bé, rất khôn, lúc nào cũng đu trên người. Dạn người nên chuyện làm xiếc chuột như cho chuột thi chạy, cho chuột múa lửa, hút thuốc lá… trở nên dễ dàng.
Dường như với phạm nhân, bất cứ một vật gì cũng có thể là nguyên liệu làm nên những sản phẩm cực độc. Đơn giản với một hạt cơm nguội, phạm nhân cũng có thể làm nên loại keo đặc biệt mà độ kết dính theo các cán bộ quản giáo còn kinh khủng hơn cả keo dán sắt. Minh chứng là phạm nhân dùng thứ keo này để dán móc vào tường và treo võng tự chế nằm ngủ mà không hề hấn gì.
Cũng với cơm nguội, phạm nhân có thể làm nên một bàn cờ tướng đẹp mắt để những phút rảnh rỗi cân não cùng những nước cờ. Cơm được dã nhuyễn, mịn như hồ xong được vuốt đều vào sợi chỉ, có khi được lấy ra từ một tấm áo rách. Hồ từ cơm được xe vào chỉ, sau đó được dán căng vào mặt bàn, làm nên bàn cờ tướng siêu đẹp, siêu bền.
Một bức tranh được làm từ vật liệu xi măng của một phạm nhân |
Những nghệ nhân thực thụ
Nhắc đến sự khéo tay của các phạm nhân tôi lại nhớ đến những hàng cây cảnh và các công trình trang trí trong khuôn viên của trung tâm chỉ huy trại giam Cái Tàu và phân trại K1. Dù đôi lần tận mắt chứng kiến các phạm nhân trực tiếp cắt tỉa cây cảnh, chăm bón từng chậu cây, tôi vẫn không khỏi thán phục đôi bàn tay điệu nghệ, óc thẩm mỹ của những con người từng có thời lầm lỗi.
Chẳng phải riêng tôi, ngay cả những cán bộ quản giáo trong trại giam cũng phải nghiêng mình trước không ít phạm nhân có đôi bàn tay nghệ nhân. Bởi chỉ với vài món vật liệu xây dựng đơn giản và óc sáng tạo, phạm nhân tạo nên tượng rồng phượng, tượng Phật, chùa chiền, hòn non bộ vô cùng sắc sảo, cân đối, thậm chí có thể đánh lừa thị giác của người xem.
Thượng uý Đặng Chí Toại, bí thư đoàn cơ sở trại giam Cái Tàu tâm sự, nhiều phạm nhân có đôi bàn tay trời phú, cứ như nếu họ phát huy theo đúng sở trường thì sẽ trở thành nghệ sỹ tài ba. Tôi tin lời của anh Toại là không ngoa, khi một lần đứng tần ngần trước bức tranh bằng xi măng anh trưng ở nhà, bức tranh đẹp mê hồn được làm bởi một phạm nhân.
Anh Toại kể, cách đây vài năm, khi thấy bức tranh này, anh thích quá nên sau khi cất nhà anh xin về nhà treo trang trọng ngay phòng khách. Bức tranh làm hoàn toàn bằng xi măng nhưng nhìn rất trang nhã, thanh thoát, hài hoà từ đường nét, chi tiết đến bố cục. Và cũng như tôi, nhiều người đến thăm nhà anh, thích thú trước bức tranh nhưng không nghĩ tác giả đó là một phạm nhân.
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, rằng điều gì đã khiến cho những phạm nhân có thể tạo nên những tác phẩm hớp hồn người ngay giữa cái nơi mà nhắc đến là người ta nghĩ ngay đến tội lỗi và trừng phạt. Chắc chắn, họ làm việc và sáng tạo hẳn là để quên đi thời gian đằng đẵng dài đến khủng khiếp kia. Nhưng đâu chỉ có vậy.
Phía sau một công việc tưởng chừng như để “giết” thời gian là niềm say mê, sự tập trung cao độ đến từng động tác, cứ như được thôi thúc bởi những nguồn cảm hứng bất tận. Tôi hiểu điều đó khi nhiều lần chứng kiến các anh phạm nhân say xưa cắt cây tỉa cành, tay thoăn thoắt, miệng huýt sáo yêu đời. Khi đó, các “nghệ nhân” quên đi sự có mặt của người lạ, còn tôi quên là mình đang ở trong trại giam.
Và cũng chính những phút giây đó, tôi thấy những vẻ đẹp lấp lánh ánh lên từ chính những phận đời từng lỡ lầm. Vẻ đẹp rất giản dị thôi nhưng truyền cảm, như trong bức tranh xi măng treo ở nhà anh bí thư đoàn cơ sở, một khung cảnh làng quê yên bình bên sông, mái nhà nhỏ êm đềm dưới bóng dừa, đôi bờ một cây cầu khỉ bắc ngang qua, và… nhớ nhà.
Thế mới thấm thía, nếu quê hương là thiêng liêng và mãi đẹp thì với phạm nhân đang thụ án trong trại, điều đó là khát khao cháy bỏng đến tột cùng. Đối mặt với hình phạt, người ta sẽ có nhiều cách để vơi đi nỗi niềm, nhưng ai cũng có ao ước tột cùng là được hoàn lương trở về.