Chương trình có sự tham gia của ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó GĐ Tập đoàn Dầu khí Việt .Nam (PVN); Ông Bùi Ngọc Bảo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex); Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1/12/2015. Chương trình nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp; đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Sinh Khang khẳng định cho dù phải bù lỗ nhiều trong giai đoạn đầu triển khai việc phân phối xăng E5 vẫn quyết tâm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng E5 ra thị trường. Ông Khang lí giải, xăng sinh học thân thiện với môi trường, việc đẩy mạnh tiêu thụ sẽ góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.
Nói về giá xăng E5, ông Khang cho rằng đây là một sản phẩm mới nên DN phải đầu tư nhiều chi phí, cơ sở hạ tầng. Theo đó chi phí sản xuất xăng E5 sẽ phải bao gồm chi phí vật tư phụ kiện thay thế khoảng 6 triệu đồng, chi phí xúc rửa bồn khoảng 7 triệu đồng, chi phí nhân công 3 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác như: thuê mặt bằng, làm đường giao thông. Như vậy chi phí đầu tư chỉ ở khoảng 15 đến 20 triệu đồng.
“Giá cả của xăng E5 trên thị trường vẫn còn ở mức cao nhưng về lâu dài với những hỗ trợ của Nhà nước xăng sinh học sẽ mang lại nhiều lợi ích. Hơn nữa, lợi ích của của xăng sinh học phải được xem xét tổng thể trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng, môi trường và phát triển nông thôn”, ông Khang nói.
Để hoàn thành đúng lộ trình, hiện tại PVN đã phối hợp với các đối tác xây dựng 2 nhà máy với công suất 200.000 m3/năm đủ để cung cấp khoảng 4 triệu m3/E5/năm. Như vậy nguồn cung cấp xăng là dư thừa và có thể cung cấp cho doanh nghiệp khác hoặc xuất khẩu.
Tuy nhiên trên thực tế, lượng tiêu thụ xăng E5 vẫn còn rất thấp nên phần lớn các sản phẩm của nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, các đơn vị vẫn sản xuất cầm chừng. Thêm vào đó, giá thu mua nguyên liệu vẫn còn rất cao, biến động theo thị trường, nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất và tiêu dùng xăng E5. Hiện tại PVN đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất xăng E5 từ mía, rỉ mật đường, rơm, bã mía, tảo… bên cạnh việc sản xuất từ sắn như hiện nay.
Về chất lượng của xăng sinh học, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, xăng sinh học E5 đã được tiêu thụ từ lâu trên thế giới. Ở Việt Nam PVOil là đơn vị thành viên của Petrolimex đã sản xuất và tiêu thụ ra thị trường từ 10/2010.
“Qua nhiều năm kinh doanh xăng sinh học, chúng tôi chưa nhận được phàn nàn nào của khách hàng về chất lượng của xăng E5. Xăng E5 lưu hành trên thị trường đáp ứng đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng hiện hành nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm”, ông Bảo nói.
Trước nhiều thông tin dư luận cho rằng xăng sinh học là nguyên nhân gây cháy xe, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lương khẳng định chưa có một cơ sở nào để chứng minh xăng sinh học gây cháy xe. Hàng loạt các vụ cháy xe vừa qua đã được các cơ quan ban hành họp bàn xác định nguyên nhân và đi đến kết luận 2/3 số xe cháy nổ là do chập điện, số còn lại chưa rõ nguyên nhân. Hơn nữa, số xe cháy nổ chủ yếu là xe tải chạy bằng dầu diezen nên không thể đổ lỗi tại xăng.
Đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào xăng E5 ảnh hưởng đến máy móc, động cơ nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm này.
Thứ trưởng Bộ Công thương, Cao Quốc Hưng cho biết Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương lập đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân và vận động việc dùng xăng E5. Theo đúng lộ trình, Bộ Công thương cũng đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, xã hội, môi trường./.