UBND TP.HCM vừa tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP và ban giám hiệu Trường THPT Long Thới.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu Sở GD-ĐT, Trường THPT Long thới giải quyết nhanh việc chuyển trường cho nữ sinh Phạm Song Toàn theo nguyện vọng của em gia đình.
Phân tích quyết định của mình, bà Thu cho biết: “Việc chuyển trường thiệt thòi cho em Toàn nhưng không còn cách nào khác. Qua dư luận, tôi cảm thấy bất an khi để em Toàn trong môi trường đó…
Thứ nhất, nhiều khả năng Toàn sẽ bị kì thị, cô lập trong nhà trường sau khi đã bị không ít học sinh đả kích trên mạng những ngày qua. Thứ hai, nếu sau này nhà trường bị đánh giá thi đua không được như mong muốn, khả năng thầy cô, phụ huynh, học sinh đẩy trách nhiệm về Toàn, xem đó là lỗi từ em."
"Mọi người nhìn thấy không, nhiều người còn phản đối em ấy. Một việc đúng mà chúng ta không bảo vệ, việc làm sai thì không dám đấu tranh. Em Toàn đang bơ vơ một mình!", vị Phó Chủ tịch UBND Tp phải thừa nhận một sự thật đắng lòng.
“Thiệt thòi cho em Toàn nhưng không còn cách nào khác”. Bà Thu nói.
Cũng trong cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cũng đặt ra một số một số câu hỏi cho lãnh đạo sở GD-ĐT TP.HCM và Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới liên quan đến việc cô giáo suốt ba tháng lên lớp không giảng bài.
Theo bà Thu hiện tại đã nhận được báo cáo của Sở GD-ĐT nhưng theo bà, vẫn phải làm rõ những vấn đề sau: "Có thật cô giáo không nói lời nào khi lên lớp hay không? Hiệu trưởng trường có biết không và đã làm gì? Hành động này của cô giáo là sai hay đúng và nguyên nhân ra sao? Trong chương trình giảng dạy các cấp học này, Sở GD-ĐT có quy định việc dự giờ hay không? Nếu có, tại sao trường không biết điều này, không biết giáo viên đã câm lặng ba tháng để học sinh chịu đựng?”
Liên quan đến trách nhiệm của Sở GD&ĐT, vị Phó Chủ tịch UBND TP chất vấn: "Sở có biết điều này hay không hay chỉ vài câu phát biểu trong cuộc hội nghị này sau đó lại im? Sở giáo dục xử lý như thế nào với cô giáo trong sự việc này? Ý kiến của Sở như thế nào vì trong đó quyền xử lý là của hiệu trưởng, nhà trường, tôi chưa thấy chứng kiến của ban giám đốc sở GD-ĐT.”
Phản hồi ý kiến của bà Thu, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết nguyện vọng chuyển trường của Toàn và gia đình. Ông khẳng định, thứ Hai tuần tới Toàn sẽ được học ở trường mới. Ông Nam cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm hiệu trưởng và cô giáo Trần Thị Minh Châu.
Điều đáng nói, cũng trong buổi họp hôm nay, và nhiều lần lên tiếng trên báo chí khác, ông Bùi Minh Bình (Hiệu trưởng THPT Long Thới) tái khẳng định: "Em Toàn phản ánh là đúng và tôi nhận trách nhiệm về mình".
Vậy nhưng, vẫn không có một giải pháp nào để bảo vệ cho nữ sinh dám nói lên sự thật, mà từ vị phó chủ tịch UBND Tp, Giám đốc sở, Hiệu trưởng phải chấp nhận giải pháp chuyển trường để bảo vệ Toàn.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin: Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục và học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn bật khóc khi kể về việc cô Châu không nói gì suốt nhiều tháng đứng lớp mà chỉ viết bài lên bảng. Cả lớp phải tự học, tự làm bài. Dù giáo viên chủ nhiệm cố gắng giải quyết, nhưng không thành công.
Trong bản tường trình với nhà trường, cô Châu cho rằng, không giảng bài cho lớp 11A1 là "có một học sinh cũ tại đây nói bạn bè ghi âm bài giảng, có gì thì tung ra đánh cô giáo". Nhà trường sau đó tổ chức cho lớp 11A1 và cô Châu nói chuyện hòa giải. Hiện, cô giáo đã giảng dạy bình thường.
Báo cáo về vụ việc này sau phản ánh của em Toàn, Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã cử cán bộ xuống Trường THPT Long Thới để tìm hiểu, xác minh vụ việc, và khẳng định: Việc cô Trần Thị Minh Châu khi giảng bài ở lớp 11A1 không nói gì là sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo khi không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người giáo viên. Giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên khi tiếp nhận ý kiến phản ảnh của học sinh đã không làm tròn trách nhiệm, không xử lý kịp thời các ý kiến của học sinh và không phản ánh vụ việc lên cấp trên.